Sau một thời gian dài gặp khó khăn, các doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản xuất khẩu của Bình Định đã khắc phục những tồn tại và vươn lên đứng vững trên thị trường. Từ đầu năm đến nay, giá trị xuất khẩu hàng thủy sản của tỉnh đã đạt 2,76 triệu USD, tăng 63% so với cùng kỳ năm 2003.
* Thực trạng
|
Công nhân Công ty Cổ phần thủy sản Hoài Nhơn kiểm tra nguyên liệu trước khi chế biến |
Nếu lấy mốc năm 2001 để so sánh thì giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh liên tục giảm: năm 2002 giảm 21,5% so với năm 2001; năm 2003 giảm 30,4% so với năm 2002. Sở dĩ xảy ra tình trạng này là do quy mô các DN chế biến thủy sản xuất khẩu của tỉnh còn nhỏ, nguồn nguyên liệu thiếu, công nghệ lạc hậu, sản phẩm đơn điệu, công tác xúc tiến thương mại chưa được quan tâm đúng mức. Toàn tỉnh có 5 DN đang hoạt động trong lĩnh vực này, nhưng chủ yếu là DN vừa và nhỏ, chưa đáp ứng yêu cầu về điều kiện sản xuất và vệ sinh an toàn thực phẩm. Hầu hết các DN chỉ tập trung sản xuất một số mặt hàng truyền thống như: tôm đông lạnh, cá ngừ đại dương đông lạnh, mực cấp đông… nên hiệu quả cạnh tranh bị hạn chế.
Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu cung cấp cho hoạt động chế biến còn thiếu về số lượng và kém về chất lượng. Thế mạnh của tỉnh là nuôi tôm sú, nhưng những năm qua tôm nuôi trên địa bàn tỉnh liên tiếp bị dịch bệnh. Toàn tỉnh mỗi năm khai thác đánh bắt được gần 90.000 tấn hải sản các loại, nhưng thực tế số nguyên liệu phục vụ cho chế biến xuất khẩu còn rất thấp. Nguyên nhân, do công tác bảo quản sản phẩm sau thu hoạch của ngư dân còn thấp.
* Những giải pháp đồng bộ
Những tồn tại nói trên đã ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN chế biến thủy sản xuất khẩu trong tỉnh. Để tồn tại và phát triển, các DN phải tự cứu lấy mình. Từ năm 2003 đến nay, các DN có nhiều kế hoạch, dự án đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới trang thiết bị công nghệ, đa dạng hóa mẫu mã và mặt hàng để từng bước đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.
Công ty Cổ phần thủy sản Bình Định đã đầu tư xây dựng thêm nhà máy chế biến hàng khô tại phường Nhơn Bình (Quy Nhơn) và đưa vào hoạt động đầu năm 2004. Công ty cũng đang xây dựng dự án đổi mới một số trang thiết bị công nghệ lạc hậu với số vốn 7 tỉ đồng.
Công ty Cổ phần thủy sản Hoài Nhơn đã đầu tư thiết bị xông khói cá ngừ đại dương và thiết bị chế biến tôm xuất khẩu đạt trình độ công nghệ cao. Công ty Cổ phần Cơ khí tàu thuyền Quy Nhơn xây dựng mới nhà máy đông lạnh có công suất 1.500 tấn/năm. Công ty Thực phẩm xuất nhập khẩu Lam Sơn xây dựng một dây chuyền chế biến thủy sản với công nghệ tiên tiến, tương đương với các nước trong khu vực…
Các DN cũng đã tính toán lại các tiêu chuẩn, định mức kỹ thuật để tiết kiệm các chi phí đầu vào, nhằm nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm; đồng thời có thêm một số mặt hàng mới như: cá chuồn phi lê tẩm gia vị, cá ngừ đại dương xông khói, mực xà khô… Công tác xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư cũng được các DN quan tâm nhiều hơn bằng cách chủ động tìm kiếm khách hàng và xây dựng các trang Web để giới thiệu sản phẩm của mình. Hiện nay, tỷ lệ hàng thủy sản xuất khẩu trực tiếp của tỉnh đã chiếm đến 90%, cao hơn 60% so với năm 2003.
Bên cạnh đó, ngành thủy sản đã quy hoạch diện tích nuôi tôm xuất khẩu tập trung với quy mô lớn như: nuôi tôm trên cát ở các huyện Phù Mỹ, Phù Cát, Quy Nhơn…, chuyển diện tích lúa nhiễm mặn ở các địa phương ven biển sang nuôi tôm, khuyến khích mở rộng diện tích nuôi các loài thủy sản nước ngọt, các loài nhuyễn thể ở các vùng đầm phá trong tỉnh như hàu, cá rô phi đơn tính, cá chim trắng…. để đáp ứng đủ nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến hoạt động.
. Ngọc Thái |