Khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống: Còn đó những khó khăn
17:19', 19/4/ 2004 (GMT+7)

Bình Định hiện có 41 làng nghề truyền thống với 4.753 hộ tham gia, thu hút 12.023 lao động; chiếm 34% về số cơ sở, 23% về số lao động và 8% giá trị sản xuất của khu vực sản xuất công nghiệp ngoài quốc doanh. Ngoài một số ít làng nghề có hoạt động sản xuất và thị trường tiêu thụ khá ổn định, hầu hết đều sản xuất cầm chừng bởi gặp nhiều khó khăn vì sản phẩm làm ra thiếu sức cạnh tranh trên thị trường.

* Thực trạng làng nghề

Làm hàng mỹ nghệ xuất khẩu ở An Nhơn (ảnh: Đào Tiến Đạt)

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI: "Đẩy mạnh phát triển CN-TTCN đạt mức tăng trưởng bình quân 16-18%/năm; phục hồi, duy trì và phát triển các làng nghề, ngành nghề thủ công truyền thống, hình thành các làng nghề mới trong tỉnh…", được sự quan tâm của tỉnh, các ngành chức năng và các địa phương, thời gian qua, sản xuất TTCN và làng nghề Bình Định đã có bước phát triển đáng kể về số lượng lẫn chất lượng. Một số ngành nghề truyền thống được khôi phục, sản xuất kinh doanh có hiệu quả và từng bước thích nghi với cơ chế thị trường; một số ngành nghề mới hình thành, góp phần khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương; việc đưa ngành nghề vào các làng thuần nông theo phương châm "làng có nghề, tiến tới làng nghề" đã góp phần tạo thêm việc làm, xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho người lao động…

Nhìn chung, giá trị sản xuất TTCN trong các năm 2002- 2003 có tốc độ tăng trưởng khoảng 24 - 25%. Năm 2003 nhiều địa phương đạt mức tăng trưởng khá so với kế hoạch đề ra: Quy Nhơn - 31,79%; Tuy Phước - 24,81%; Phù Cát - 21%; Hoài Nhơn - 20,81%; An Nhơn - 14%... Việc triển khai các chính sách khuyến khích đầu tư bước đầu đã có tác dụng thúc đẩy sản xuất CN-TTCN phát triển. Việc quy hoạch và hình thành các cụm CN-TTCN cũng đã tạo điều kiện cho các ngành nghề ổn định sản xuất, tránh được tình trạng làm ảnh hưởng đến mỹ quan và ô nhiễm môi trường… Các cụm CN-TTCN Gò Đá Trắng (An Nhơn), Hóc Bợm (Tây Sơn)… đã góp phần giải quyết việc quy hoạch, sắp xếp các làng nghề ở địa phương; các cơ sở có điều kiện mở rộng sản xuất. Điều đáng phấn khởi là một số sản phẩm của làng nghề có uy tín trên thị trường, bước đầu tham gia xuất khẩu như: chỉ xơ dừa Tam Quan, gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu, bột nhang Nga Lâu, nước mắm Phùng Kỳ, Mười Thu, rượu Bàu Đá…

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, việc khôi phục và phát triển làng nghề vẫn còn lắm khó khăn, tỷ lệ làng nghề sản xuất ổn định còn quá thấp. Theo đánh giá của Sở Công nghiệp Bình Định, trong số 41 làng nghề trong toàn tỉnh, chỉ có 6 làng nghề (chiếm 15%) đã đổi mới công nghệ, cải tiến mẫu mã sản phẩm, sản xuất kinh doanh phát triển. Có 20 làng nghề (chiếm 50%) vẫn duy trì sản xuất nhưng thị trường đầu ra chưa ổn định; chưa có điều kiện đổi mới thiết bị công nghệ. 8 làng nghề (chiếm 20%) sản xuất cầm chừng, sản phẩm thiếu tính cạnh tranh, tiêu thụ chậm; 7 làng nghề đã ngưng sản xuất vì sản phẩm làm ra chất lượng kém, không đáp ứng được yêu cầu thị trường…

* Những hạn chế

Các làng nghề tiêu biểu

* Làng nghề chiếu cói (nhiều địa phương): 1.074 cơ sở, 3.500 lao động

* Làng nghề tinh bột sắn (nhiều địa phương): 367 cơ sở, 1.390 lao động

* Làng nghề nón lá (An Nhơn, Phù Cát): 500 cơ sở, 1.200 lao động

* Làng nghề chế biến nông sản (nhiều địa phương): 680 cơ sở, 1.500 lao động

* Làng nghề gạch ngói (Tây Sơn): 260 cơ sở, 1600 lao động

* Làng rèn, đúc (An Nhơn): 380 cơ sở, 1.500 lao động

* Làng tiện gỗ mỹ nghệ (An Nhơn): 74 cơ sở, 350 lao động…

Có nhiều nguyên nhân hạn chế, yếu kém của các ngành nghề và làng nghề TTCN ở Bình Định; có thể tập trung vào những điểm chính như sau: Hầu hết các làng nghề trong tỉnh chưa được quy hoạch, còn mang tính tự phát. Tuy số lượng cơ sở lớn, lực lượng lao động đông, nhưng qui mô của từng cơ sở quá nhỏ, vốn ít, công nghệ lạc hậu, sản xuất thủ công là chính, sản phẩm đơn giản, năng suất, chất lượng sản phẩm chưa cao dẫn đến sức cạnh tranh yếu; việc quảng bá, tiếp thị sản phẩm, xây dựng thương hiệu còn rất hạn chế… Về phía nhà nước, việc triển khai quy hoạch phát triển làng nghề chưa có giải pháp thiết thực để khuyến khích phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Việc xây dựng chiến lược tiêu thụ sản phẩm của làng nghề còn nhiều bất cập…

* Giải pháp phát triển

Qua khảo sát, nghiên cứu, đánh giá hoạt động của các làng nghề TTCN, ngành công nghiệp tỉnh đã đề ra những giải pháp chủ yếu để phát triển sản xuất TTCN - làng nghề giai đoạn 2004- 2005: Rà soát, điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới các chính sách hỗ trợ phát triển CN- TTCN và làng nghề phù hợp với giai đoạn hiện nay; ưu tiên giải quyết mặt bằng phù hợp cho các loại hình sản xuất trong làng nghề gắn với các cụm CN-TTCN. Xây dựng Quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển làng nghề nông thôn của tỉnh. Hỗ trợ các làng nghề ổn định thị trường truyền thống, mở rộng thị trường mới. Xây dựng chiến lược sản phẩm gắn với chiến lược thị trường. Khuyến khích các cơ sở trong làng nghề đầu tư đổi mới công nghệ thiết bị theo phương châm kết hợp công nghệ tiên tiến với công nghệ thủ công truyền thống nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm để đủ sức cạnh tranh trên thị trường…

. Thúy Vi

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Chế biến thủy sản xuất khẩu: Những tín hiệu mới  (18/04/2004)
Đề Gi - ước vọng khơi xa   (16/04/2004)
Gốm sứ Cảnh Đức Trấn và bề dày của một truyền thống   (16/04/2004)
Muối đắng…   (15/04/2004)
Ghi nhận ở một vùng tôm  (15/04/2004)
Mở lại tuyến bay Quy Nhơn - Đà Nẵng: Cơ hội mới cho Bình Định   (14/04/2004)
Công nghiệp Tây Sơn chọn hướng đi  (13/04/2004)
Thị trường du lịch Bình Định: Đã có dấu hiệu sôi động!  (12/04/2004)
Cùng nhau bảo vệ nguồn lợi thủy sản  (11/04/2004)
Kinh tế ngoài quốc doanh: Tiếp tục tăng trưởng!  (11/04/2004)
Thảm xơ dừa Tam Quan Nam xuất ngoại   (09/04/2004)
Cần có một chiến lược đầu tư bền vững cho vùng nguyên liệu  (08/04/2004)
Nhơn Hải - Đi lên từ biển!  (07/04/2004)
Niềm vui từ chương trình 135 ở Vĩnh Thạnh   (06/04/2004)
Đông Điền - Vùng đất đổi thay   (05/04/2004)