Để ngành thủy sản Bình Định phát triển tương xứng với tiềm năng
7:39', 3/5/ 2004 (GMT+7)

Với những lợi thế về tự nhiên như: có chiều dài 134 km bờ biển, tổng diện tích mặt nước tự nhiên 10.600 ha... thủy sản là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Bình Định. Để ngành phát triển tương xứng với tiềm năng, Bình Định đã và đang triển khai nhiều kế hoạch, dự án.

* Những kết quả bước đầu

Tính đến nay, toàn tỉnh có 5.900 tàu thuyền đánh cá, tổng công suất khoảng 230.200 CV (công suất bình quân 39,02 CV/chiếc). Nhờ công suất tàu thuyền tăng, hoạt động đánh bắt xa bờ được đẩy mạnh, cho nên sản lượng khai thác hải sản của Bình Định năm sau cao hơn năm trước.

Đội tàu đánh bắt xa bờ ở Hoài Nhơn sau chuyến đi biển

Trong ba năm (2001-2003), giá trị sản xuất thủy sản toàn tỉnh tăng bình quân 8,3%. Các nghề vây rút chì, câu mực xà và một số nghề đánh bắt cá nổi ven bờ như nghề mành, nghề vây, lưới cản sản xuất ổn định và phát triển. Đặc biệt, do đạt sản lượng và hiệu quả cao, hiện nay ngư dân Bình Định có xu hướng chuyển mạnh nghề câu mực sang nghề câu cá ngừ đại dương... Từ năm 1997 đến 2002, toàn tỉnh đã có 95 tàu đánh bắt xa bờ (ĐBXB) được đóng mới. Do nhiều nguyên nhân đến thời điểm này còn lại 79 chiếc đang hoạt động sản xuất. Nhìn chung, hầu hết các tàu trong dự án khai thác có hiệu quả.

Cùng với năng lực và kết quả khai thác hải sản tự nhiên tăng đều hằng năm, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của tỉnh mấy năm gần đây cũng đạt được những kết quả khả quan. Tính đến cuối năm 2003, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của Bình Định ước đạt 4.183 ha, trong đó, nuôi tôm chiếm diện tích lớn 2.440 ha, năng suất trung bình đạt gần 8 tạ/ha/năm, tăng 7,9% so với năm trước. Việc chuyển đổi diện tích đất nhiễm mặn và đất cát ven biển sang nuôi tôm đang diễn ra tích cực.

Từ năm 2002 đến nay, toàn tỉnh đã triển khai 7 dự án nuôi tôm công nghiệp trên vùng đất nhiễm mặn, đất cát ven biển với tổng diện tích 540,91 ha. Hiện nay, tại các đầm phá và vùng ven biển còn phát triển nuôi tôm he chân trắng, cá chua, cá mú, ngao, hàu, cua, ghẹ. Riêng nghề ương, nuôi nâng cấp tôm hùm đã giải quyết việc làm cho gần một nghìn lao động, đem lại thu nhập cao (vài chục triệu đồng/năm/hộ) cho nhiều hộ gia đình.

Về chế biến - xuất khẩu thủy sản, toàn tỉnh có 5 nhà máy đông lạnh hoạt động với tổng công suất hơn 9.000 tấn/năm. Các doanh nghiệp trong ngành tiếp tục đầu tư mở rộng nâng cấp, đổi mới thiết bị công nghệ, tăng năng lực chế biến - xuất khẩu. Một số doanh nghiệp sản xuất thêm nhiều mặt hàng đông lạnh mới như sò, cá ngừ xông khói...

Công tác xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất khẩu ngày càng được các doanh nghiệp quan tâm. Vì vậy, xuất khẩu hằng năm của ngành đạt kế hoạch đề ra (tuy chưa cao và còn thiếu vững chắc); năm 2003, thực hiện được 16 triệu USD. Phần lớn các doanh nghiệp đông lạnh thủy sản của Bình Định đã được cổ phần hóa.

* Những mặt còn hạn chế

Bên cạnh những lợi thế, hiệu quả đạt được trong phát triển thủy sản, công tác quy hoạch vùng và quy hoạch chi tiết của Bình Định còn chậm. Năng suất, chất lượng hiệu quả của sản xuất thủy sản còn thấp. Việc thực hiện Chương trình ĐBXB còn thiếu đồng bộ, cho nên chưa phát huy được thế mạnh của đội tàu công suất lớn. Công tác tổ chức dịch vụ hậu cần nghề cá còn rất nhiều hạn chế, nhất là còn thiếu một hệ thống cảng cá hoàn chỉnh. Cả tỉnh mới chỉ có một cảng cá Quy Nhơn, một khu neo đậu Tam Quan, trong khi số lượng tàu thuyền rất lớn. Tình trạng tranh mua tranh bán, mua xô phổ biến khiến ngư dân ít quan tâm chất lượng cá, không đầu tư cho việc đổi mới bảo quản sản phẩm sau khai thác làm giảm giá trị sản phẩm xuất khẩu.

Việc chuyển đổi nghề cho lực lượng tàu thuyền công suất nhỏ đánh bắt ven bờ khó khăn. Tình trạng khai thác hủy diệt nguồn lợi thủy sản chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Trong nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm, cơ sở hạ tầng vùng nuôi còn yếu kém, tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Trong chế biến - xuất khẩu thủy sản, nhìn chung hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm thủy sản xuất khẩu còn nhiều hạn chế, chủng loại đơn điệu, khả năng xuất khẩu trực tiếp thấp. Năng lực xúc tiến thương mại của các doanh nghiệp hạn chế. Mặt khác, sự phối hợp giữa doanh nghiệp và ngư dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cũng chưa được quan tâm đúng mức. Sự chỉ đạo, phối hợp giữa các ngành và các địa phương trong tỉnh đối với phát triển sản xuất thủy sản chưa chặt chẽ, đồng bộ…

* Một số giải pháp

Chương trình hành động của ngành thủy sản Bình Định thực hiện Nghị quyết 16 của Đảng bộ tỉnh nêu rõ, nhằm đưa ngành thủy sản phát triển lên một bước mới, bằng những cơ chế, chính sách cụ thể để huy động mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế trong tỉnh tập trung đầu tư một cách đồng bộ trên cả ba lĩnh vực chính của ngành là khai thác hải sản tự nhiên, nuôi trồng thủy sản và đặc biệt là nâng cao năng lực chế biến - xuất khẩu.

Theo đó, những năm qua, từ nhiều nguồn vốn khác nhau ngành đã và đang triển khai thực hiện một loạt các chương trình, dự án. Nổi bật là việc đầu tư xây dựng cơ sở hậu cần kỹ thuật nghề cá như: nâng cấp Cảng cá Quy Nhơn; xây dựng khu neo đậu tàu thuyền Tam Quan; xây dựng hai trạm kiểm dịch và quan trắc thủy sản (tại Phù Cát và Tuy Phước); đưa vào hoạt động trong năm 2003 Phòng kiểm nghiệm dư lượng kháng sinh và các chất độc hại trong sản phẩm thủy sản. Triển khai dự án cung cấp nước cho vùng nuôi tôm Phước Hòa - Tuy Phước; xây dựng cơ sở hạ tầng các khu nuôi tôm Công Lương - Nhơn Phước. Trong năm 2004 triển khai xây dựng Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Trường Sa.

Trong khai thác hải sản, đã tổ chức tốt hơn đội tàu đánh bắt xa bờ, nhất là đối với nghề câu cá ngừ đại dương. Các công tác dự báo ngư trường, mùa vụ; tổ chức hợp tác sản xuất; chấn chỉnh, sắp xếp lại hệ thống thu mua, hậu cần dịch vụ, tiêu thụ sản phẩm; tập huấn kỹ thuật đánh bắt và bảo quản sau khai thác... đã có bước chuyển biến tích cực. Từ cân đối với nguồn nguyên liệu, tỉnh chủ trương trước mắt chưa xây dựng mới mà tiếp tục đầu tư nâng cấp các nhà máy chế biến thủy sản hiện có.

Giải pháp thứ hai trong lĩnh vực chế biến - xuất khẩu thủy sản là gắn chế biến với tạo nguồn nguyên liệu ổn định. Bước đầu thực hiện việc ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp chế biến với ngư dân, tạo ra sự gắn kết chặt chẽ giữa người sản xuất nguyên liệu với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu; tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại một cách toàn diện để mở rộng thị trường đi đôi với phát triển các mặt hàng mới, nâng dần tỷ trọng các mặt hàng giá trị gia tăng. Thực hiện "chiến lược" đa dạng hóa mặt hàng, một mặt các doanh nghiệp thủy sản tự lực, mặt khác ngành thủy sản xúc tiến phát triển các làng nghề ven biển theo quy hoạch các khu chế biến thủy sản tập trung của tỉnh ở bốn huyện ven biển nhằm mở ra thêm các mặt hàng đặc sản vốn là thế mạnh truyền thống của Bình Định như: vi cước cá, cá cơm hấp, ruốc khô, mực xà khô... và nước mắm.

. Theo Nhân Dân

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Công nghiệp Bình Định: Tạo đà để tăng tốc phát triển  (30/04/2004)
Không lý gì đầu tư 30 triệu USD để chịu lỗ  (29/04/2004)
Xuất khẩu gỗ tinh chế: Đang rộng đường đi  (28/04/2004)
Hoài Phú phát huy nội lực đi lên  (27/04/2004)
Du lịch biển Quy Nhơn: Không chỉ có Ghềnh Ráng - Tiên Sa   (26/04/2004)
Xử lý ô nhiễm môi trường ở KCN Phú Tài: Những biện pháp tích cực  (25/04/2004)
Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước: Đời sống của người lao động được cải thiện hơn   (23/04/2004)
Khôi phục chăn nuôi gia cầm: Những chuyển động tích cực  (22/04/2004)
Bình Định xuất khẩu 400 tấn bột nhang sang thị trường Nhật Bản   (21/04/2004)
Khởi nghiệp từ nghề truyền thống  (20/04/2004)
Khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống: Còn đó những khó khăn   (19/04/2004)
Chế biến thủy sản xuất khẩu: Những tín hiệu mới  (18/04/2004)
Đề Gi - ước vọng khơi xa   (16/04/2004)
Gốm sứ Cảnh Đức Trấn và bề dày của một truyền thống   (16/04/2004)
Muối đắng…   (15/04/2004)