Xây dựng và phát triển nguồn, lưới điện là một trong những nhiệm vụ thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy về phát triển CN-TTCN và làng nghề giai đoạn 2001-2005. Trong đó sẽ tăng cường khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn năng lượng điện gió, điện nhiệt, mặt trời, thủy điện..., hoàn chỉnh mạng lưới điện gắn với lưới điện quốc gia ở tất cả các xã, phường, thị trấn trong tỉnh (trừ xã đảo Nhơn Châu).
* Kết quả khả quan
|
Công nhân Điện lực Bình Định thực hiện cải tạo mạng phụ tải điện TP Quy Nhơn |
Từ yêu cầu và nhiệm vụ nói trên, nhìn lại hơn nửa chặng đường đã qua, được sự quan tâm của Chính phủ và sự giúp đỡ có hiệu quả tích cực của các bộ ngành Trung ương, trong những năm qua toàn tỉnh đã từng bước thực hiện bảo đảm yêu cầu đặt ra. Trong năm 2003 tổng sản lượng điện thương phẩm tăng 17,25% so với năm 2002, trong đó sản lượng điện cung ứng công nghiệp và xây dựng tăng 33%, nông - lâm - thủy sản tăng 9%; thương nghiệp và khách sạn tăng 25%; điện chiếu sáng và sinh hoạt tăng 25%. Đồng thời ngành Điện đã hoàn thành 17 công trình sửa chữa lớn lưới điện và 19 công trình xây dựng cơ bản lưới điện với tổng giá trị thực hiện là 50,156 tỉ đồng. Trong đó vốn ngành điện đầu tư xây dựng mới 45 trạm biến áp phụ tải và nghiệm thu đóng điện mới 75 trạm biến áp phụ tải của khách hàng với tổng dung lượng 16.055 KVA, đưa tổng số hộ dùng điện trong toàn tỉnh đạt 95,2% (riêng khu vực nông thôn đã có 232.700 hộ/253.600 hộ dùng điện, chiếm 91,76%) cao nhất các tỉnh trong khu vực miền Trung.
Trong năm 2004 này, ngành điện sẽ thực hiện sửa chữa lớn và đầu tư xây dựng cơ bản 68 công trình với tổng dự toán 57,249 tỉ đồng. Ngoài ra, đến 30-6-2004 trên địa bàn tỉnh sẽ hoàn thành các dự án cho Công ty Điện lực 3 quản lý như: Dự án ADB xã miền núi Vĩnh Thịnh (huyện Vĩnh Thạnh), Dự án SIDA An Nhơn…
Ngoài ra, hiện nay ngành điện đang trong quá trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng lưới điện quốc gia theo danh mục 22 xã mà tỉnh đã đăng ký với Bộ Công nghiệp để đưa vào dự án RE II do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Việc thực hiện có kết quả nhiệm vụ phát triển nguồn và lưới điện đã góp phần bảo đảm nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt cho nhân dân ngày càng tăng nhất là khu vực nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc (đã có 123/127 xã có điện lưới quốc gia. 4 xã còn lại thuộc vùng cao, hải đảo sử dụng nguồn điện Diezel). Nhờ vậy đã góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa nông thôn, từng bước góp phần nâng cao dân trí, là một trong những động lực chủ yếu không thể thiếu để phát triển CN-TTCN và phát huy các làng nghề truyền thống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà trong những năm qua.
* Những hạn chế
Khó khăn hiện nay ở một số vùng nông thôn, vùng xa là mặc dù công suất lưới điện trung áp đủ, chất lượng điện năng trên đường trục hạ áp đảm bảo sử dụng, nhưng chất lượng điện năng vẫn thấp, giá điện đến hộ sử dụng điện còn cao. Theo Điện lực Bình Định, nguyên nhân chủ yếu vì đường điện ở nông thôn phần lớn do nhân dân tự đầu tư xây dựng, có bán kính cấp điện quá rộng, sử dụng vật tư, thiết bị không đúng quy cách, không bảo đảm kỹ thuật, làm tổn thất điện năng và tổn thất điện áp lớn. Khó khăn nữa là đối với những lưới điện trung áp nông thôn (LĐTANT) chưa được bàn giao cho ngành điện quản lý nên việc đầu tư sửa chữa, nâng cấp, cải tạo đường điện gặp không ít khó khăn.
Đối với các công trình LĐTANT hoàn thành giai đoạn I đã được UBND tỉnh phê duyệt và hoàn trả vốn tương đối có thuận lợi, nhưng với những công trình LĐTANT giai đoạn 2 từ sau ngày 28-2-1999 đến nay còn rất chậm chạp. Qua kiểm kê, lập hồ sơ các chủ sở hữu tài sản của 67 xã thuộc 11 huyện, thành phố, toàn tuyến đường dây trung áp dài 111,52 km, với 127 trạm biến áp/9.985 KVA nhưng ngành điện chỉ mới nhận quản lý được 7,83 km đường dây, 18 trạm/1.900 KVA.
Bên cạnh đó, thực hiện công tác chuyển đổi mô hình quản lý điện nông thôn theo Nghị định của Chính phủ về hoạt động điện lực và sử dụng điện đến nay, ngành điện đã cấp phép hoạt động điện lực cho 51 đơn vị quản lý điện nông thôn ở 36 xã, trong đó có 37 HTX dịch vụ nông nghiệp, 13 HTX dịch vụ điện năng, 1 doanh nghiệp (Công ty cổ phần Thủy sản Hoài Nhơn). Song, hiện nay còn hơn 100 đơn vị quản lý điện nông thôn chưa được cấp phép quản lý lưới điện hạ thế và kinh doanh điện nông thôn trên địa bàn 87 xã. Đây cũng là vấn đề cần phải khắc phục.
. Huỳnh Văn Chưa
|