Phát triển kinh tế trang trại: Đã có lời giải từ thực tiễn
11:21', 4/5/ 2004 (GMT+7)

Theo số liệu thống kê của Hội Vacvina tỉnh, toàn tỉnh hiện có khoảng 2.000 trang trại, bình quân 1 trang trại có diện tích 4,21 ha và trên 35.000 hộ có vườn tạp được cải tạo thành vườn kinh tế.

Kết hợp trồng dứa dưới tán điều là mô hình đang phổ biến ở Bình Định

Ông Trình Nghiên, Chủ tịch Hội Vacvina tỉnh cho biết: Hàng năm, Hội Vacvina tỉnh đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng mô hình điểm, chuyển giao kỹ thuật và định hướng sản xuất cho hội viên. Ngoài ra, Hội còn tạo điều kiện cho hội viên vay vốn để đầu tư sản xuất. Hội Vacvina tỉnh hiện có 50.000 hội viên có diện tích vườn tạp, trong đó có 35.000 hội viên đã được hướng dẫn cải tạo vườn tạp thành vườn kinh tế, cho thu nhập khá cao. Hiện nay, tiềm năng đất đai ở các địa phương trong tỉnh còn rất lớn, đặc biệt là các vùng trung du, miền núi. Hội Vacvina đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tăng cường vận động nông dân cải tạo vườn tạp thành vườn kinh tế; tiếp tục xây dựng các mô hình trình diễn VAC, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật cho nông dân sản xuất…

Năm 1988, xã Cát Tường - Phù Cát có chủ trương giao khoán các vườn điều của xã ở chân núi Bà cho nông dân quản lý chăm sóc, ông Huỳnh Sân (ở thôn An Đức, Cát Tường) mạnh dạn nhận 2 ha. Ông đã đầu tư hàng triệu đồng để mướn công dọn cỏ, cắt cành, tỉa nhánh... cho vườn điều đồng thời kết hợp trồng xen cây mì, nuôi trâu, dê để tăng thêm nguồn thu nhập. Năm 1995, ông đã có thu nhập gần 20 triệu đồng từ 2ha điều xen mì và trên 10 triệu đồng tiền bán gia súc... Từ năm 2001 đến nay, bình quân mỗi năm, ông có thu nhập 60 triệu đồng từ sản xuất, chăn nuôi.

Ở thành phố Quy Nhơn, tiêu biểu cho việc phát triển kinh tế vườn là phường Bùi Thị Xuân. Bà con nông dân trong phường đã cải tạo được 676 ha đất vườn nhà, vườn đồi để phát triển kinh tế. Có 38 hộ đã xây dựng được trang trại, diện tích từ 3ha trở lên, bình quân mỗi trang trại cho thu nhập 30-40 triệu đồng/năm. Ông Phan Tốt, một chủ trang trại ở khu vực 8 cho biết: "Được chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài và ưu tiên cho vay vốn, tôi đã xây dựng được trang trại rộng gần 12 ha, trồng bạch đàn, chôm chôm, xoài, cam, kết hợp trồng các loại cây ngắn ngày; bước đầu thu nhập bình quân 30 triệu đồng/năm, ngoài ra còn giải quyết được công ăn việc làm cho một số lao động trong phường". Theo ông Hồ Văn Sự, Chủ tịch Hội Nông dân phường Bùi Thị Xuân: "Việc cải tạo vườn tạp thành vườn kinh tế không những khai thác được tiềm năng đất đai, phát triển kinh tế hộ gia đình, mà còn giải quyết gần 200 lao động trong phường, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội ở địa phương phát triển".

Phát triển kinh tế vườn đồi mang lại nhiều lợi ích cả về kinh tế, xã hội nhiều địa phương trong tỉnh đã đưa công tác này vào chương trình xóa đói giảm nghèo, bước đầu đã mang lại hiệu quả cao. Đặc biệt là những huyện trung du, miền núi có lợi thế về đất đai như Hoài Ân, An Lão, Vĩnh Thạnh… đã phát triển mạnh mẽ phong trào này.

Năm 1998, huyện Hoài Ân đã quy hoạch diện tích đất vườn đồi, cấp giấy quyền sử dụng đất lâu dài, ưu tiên vốn vay và hỗ trợ kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nông dân phát triển kinh tế vườn đồi. Đến nay, đã có hàng trăm ha đất vườn đồi hoang hóa được cải tạo thành vườn kinh tế, trong đó có 33 hộ gia đình đã xây dựng được trang trại tổng hợp khá quy mô. Chị Nguyễn Thị Hương ở thôn Lộc Giang, xã Ân Tường Đông - là nông dân sản xuất giỏi của xã và huyện - cho biết: "Gia đình tôi có 5 ha đất vườn đồi; trước đây trồng keo lá tràm, sau đó vợ chồng tôi cải tạo lại, trồng 1.200 cây nhãn, 400 cây xoài cát Hòa Lộc, 100 gốc hồ tiêu, 100 cây chôm chôm; 100 cây ổi Trung Quốc và thả nuôi 20 con bò… bình quân mỗi năm cho thu nhập không dưới 40 triệu đồng".

Ông Hồ Công Hậu, Phó phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân nhận định: "Phát triển kinh tế vườn đồi là một trong những biện pháp xóa đói giảm nghèo hiệu quả tại Hoài Ân. Nhờ đó, đời sống của nông dân được cải thiện, các phong trào bê tông hóa giao thông nông thôn, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư… ngày càng phát triển mạnh mẽ".

. Phạm Tiến Sĩ

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Phát triển kinh tế trang trại: Đã có lời giải từ thực tiễn   (04/05/2004)
Điện lực Bình Định: Xây dựng và phát triển nguồn, lưới điện   (03/05/2004)
Để ngành thủy sản Bình Định phát triển tương xứng với tiềm năng  (03/05/2004)
Công nghiệp Bình Định: Tạo đà để tăng tốc phát triển  (30/04/2004)
Không lý gì đầu tư 30 triệu USD để chịu lỗ  (29/04/2004)
Xuất khẩu gỗ tinh chế: Đang rộng đường đi  (28/04/2004)
Hoài Phú phát huy nội lực đi lên  (27/04/2004)
Du lịch biển Quy Nhơn: Không chỉ có Ghềnh Ráng - Tiên Sa   (26/04/2004)
Xử lý ô nhiễm môi trường ở KCN Phú Tài: Những biện pháp tích cực  (25/04/2004)
Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước: Đời sống của người lao động được cải thiện hơn   (23/04/2004)
Khôi phục chăn nuôi gia cầm: Những chuyển động tích cực  (22/04/2004)
Bình Định xuất khẩu 400 tấn bột nhang sang thị trường Nhật Bản   (21/04/2004)
Khởi nghiệp từ nghề truyền thống  (20/04/2004)
Khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống: Còn đó những khó khăn   (19/04/2004)
Chế biến thủy sản xuất khẩu: Những tín hiệu mới  (18/04/2004)