Huyện Tây Sơn hiện có 539 cơ sở sản xuất gạch ngói, tập trung chủ yếu ở các xã: Bình Nghi, Tây Xuân, Tây An, Tây Bình… Sản xuất gạch ngói là nghề truyền thống đem lại nguồn lợi kinh tế đáng kể, góp phần giải quyết cho hàng ngàn lao động tại địa phương có việc làm và thu nhập ổn định.
|
Một cơ sở sản xuất gạch ngói thủ công nằm trong khu dân cư ở xã Bình Nghi (Tây Sơn) |
Theo UBND huyện Tây Sơn, trong tổng số 539 cơ sở sản xuất gạch ngói thì có đến 296 cơ sở đang hoạt động trong khu vực dân cư, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của người dân trong vùng. Năm 2001, huyện Tây Sơn đã tiến hành quy hoạch 4 cụm sản xuất gạch ngói tập trung tại các xã Bình Nghi, Tây An, Tây Giang, Bình Thành với diện tích 26 ha, để di dời khoảng 300 cơ sở đến sản xuất. Bên cạnh đó, UBND huyện cũng đã ban hành những chính sách ưu đãi nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở sản xuất gạch ngói di dời như hỗ trợ mỗi cơ sở sản xuất 1 triệu đồng tiền công di dời, ưu đãi cho thuê đất tại nơi sản xuất tập trung…
Sau hơn 3 năm triển khai, đến nay tại các cụm quy hoạch tập trung mới chỉ có 125 cơ sở gạch ngói di dời đến để sản xuất; số còn lại vẫn nằm yên tại chỗ. Ông Võ Thanh Lưu có cơ sở gạch ngói nằm trong diện phải di dời ở xã Bình Nghi cho biết: "Việc vận chuyển đến nơi sản xuất tập trung cần số vốn lên tới 30 triệu đồng cho mỗi cơ sở, trong khi hiện nay hầu hết các cơ sở đang sản xuất gặp khó khăn nên nhiều cơ sở vẫn chưa có điều kiện để di dời".
Ngoài ra, một khó khăn khác cũng đang làm cho các chủ cơ sở gạch ngói không "mặn mà" với việc di dời vì các điểm sản xuất gạch ngói tập trung nằm ở những nơi hẻo lánh, việc vận chuyển nguyên liệu sản xuất, sản phẩm gạch ngói đi tiêu thụ rất khó khăn. Vì thế, ở xã Bình Nghi có 120/264 lò trại sản xuất gạch ngói nằm trong khu dân cư, thuộc diện phải di dời, song đến nay chỉ mới di dời được 90 cơ sở.
Ông Võ Văn Thuận - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Nghi - cho biết: "Xã đã quy hoạch khu sản xuất tập trung rộng 17 ha cho 150 cơ sở sản xuất gạch ngói trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường chuyển đến để tiếp tục sản xuất, nhưng hiện vẫn còn nhiều cơ sở chưa chịu di chuyển".
Về phía huyện Tây Sơn, bà Lê Thị Lý, Trưởng Phòng Công nghiệp - Xây dựng, cho biết: "Huyện đã triển khai kế hoạch, nội dung công tác xuống các xã có lò trại hoạt động trong khu dân cư ra khu quy hoạch, nhưng việc thực hiện của các xã chưa đồng bộ, lãnh đạo xã còn chưa cương quyết trong vấn đề này".
Được biết, đến tháng 6-2004, huyện Tây Sơn sẽ đóng cửa các cơ sở sản xuất gạch ngói trong diện phải di dời nếu chưa thực hiện việc di dời theo quy hoạch. Liệu từ đây đến đấy, huyện Tây Sơn có hoàn thành được kế hoạch này?
. Nguyễn Hân
|