Phục hồi và tái tạo rạn san hô: Cứu lấy "mái nhà biển"
10:45', 7/5/ 2004 (GMT+7)

Rạn san hô được mệnh danh là "mái nhà biển" bởi nó giữ vai trò quan trọng của môi trường sinh thái biển; là nơi quần tụ của các giống loài thủy sản… Song, trong một thời gian dài, rạn san hô ở vùng biển Việt Nam đã bị tàn phá nặng nề bởi bàn tay của con người. Để cứu lấy rạn san hô, Viện Hải dương học Nha Trang (HDHNT) đã và đang triển khai thực hiện đề tài khoa học cấp Nhà nước (ký hiệu KC 0907) về phục hồi rạn san hô và thảm cỏ biển ở một số vùng biển trong cả nước; trong đó có Bình Định.

* Tín hiệu hồi sinh

Cán bộ Viện HDHNT chuẩn bị đưa các "chậu" bê tông xuống biển để "cấy" san hô

Từ năm 2002, Viện HDHNT đã phối hợp với Sở Thủy sản triển khai công tác phục hồi rạn san hô theo cách nhân tạo, và nghiên cứu theo dõi khả năng phục hồi tự nhiên của san hô tại các điểm Hòn Đất, Hòn Nhạn, Hòn Ngang thuộc khu vực Bãi Xếp, phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn. Nhóm cán bộ khoa học thực hiện đề tài đã đưa xuống biển các "chậu" bê tông có đường kính khoảng 50cm, được khoét nhiều lỗ, "cấy" vào đó các loại san hô sừng nai, sọ, ngón tay… lấy từ vùng biển Nhơn Châu. Bên cạnh việc thường xuyên theo dõi, "cấy ghép" bổ sung, Sở Thủy sản cùng Viện HDHNT đã vận động bà con ngư dân ở Bãi Xếp tham gia công tác bảo vệ, tái tạo rạn san hô, và được sự hưởng ứng khá tích cực của nhân dân địa phương.

Cuối tháng 4-2004, Sở Thủy sản cùng Viện HDHNT đã tổ chức khảo sát, đánh giá tình hình thực hiện đề tài KC 0907 ở vùng biển Quy Nhơn; với sự tham dự của lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố Quy Nhơn và một số ban ngành chức năng. Tiến sĩ Võ Sỹ Tuấn - Phó Viện trưởng Viện HDHNT, thành viên Hiệp hội bảo vệ rạn san hô toàn cầu - đã trực tiếp lặn xuống biển để quan sát, kiểm tra và quay phim hiện trạng các rạn san hô, truyền trực tiếp lên ti vi trên tàu để các thành viên trong đoàn cùng xem. Sau hơn một giờ lặn kiểm tra, TS Võ Sỹ Tuấn đã đánh giá: "Tuy công tác bảo vệ chưa được tốt cho lắm, nhưng các rạn san hô tự nhiên có dấu hiệu phục hồi khá tốt. Rạn san hô nhân tạo phát triển chậm nhưng cho thấy triển vọng khả quan. Song song với việc phục hồi nhân tạo, cần có những biện pháp quản lý, bảo vệ để bảo đảm sau một thời gian nữa có thể trả lại đa dạng sinh học cho môi trường sinh thái biển; phục hồi nguồn lợi thủy sản và khai thác du lịch…".

Trả lời phỏng vấn tại hiện trường của các phóng viên báo, đài, ông Nguyễn Kim Sang - Phó chủ tịch UBND thành phố Quy Nhơn cho biết: "Thành ủy và UBND thành phố rất quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái biển. UBND thành phố đã ban hành qui chế bảo vệ rạn san hô, bằng nhiều biện pháp tích cực; đồng thời giao nhiệm vụ cho UBND phường Ghềnh Ráng trực tiếp thực hiện…".

* Tàn phá rạn san hô - nguy cơ còn đó

Hơn 5 năm về trước, làng biển Hải Minh (trong) thuộc phường Hải Cảng, Quy Nhơn có nhiều ngư dân chuyên sống bằng nghề khai thác san hô để bán cho làng vôi Trường Úc (Tuy Phước). Bằng nhiều cách, từ khai thác thủ công đến đánh chất nổ, họ đã "khai tử" rất nhiều rạn san hô ở vùng biển Quy Nhơn. Hậu quả dễ thấy nhất là các giống loài thủy sản ngày càng cạn kiệt; một số khu vực ở Hải Minh, Nhơn Hải… do không còn vỉa san hô chắn sóng nên hàng năm đều bị sạt lở bởi những cơn cuồng nộ của biển.

Hiện nay, việc khai thác san hô để nung vôi đã bị nghiêm cấm. Song hành vi đánh bắt thủy sản bằng chất nổ tại các rạn san hô thỉnh thoảng vẫn còn diễn ra, nhất là ở khu vực biển Hòn Cân (Nhơn Lý), Hòn Đất và dọc theo cửa biển Quy Nhơn thuộc khu vực Hải Minh. Mặc dù nhiều vụ mua bán, tàng trữ, vận chuyển chất nổ đã bị phát hiện, bắt giữ và xử lý trước pháp luật; nhưng vẫn còn một số ngư dân vì hám lợi mà tối mắt, vẫn lén lút hoạt động đánh bắt thủy sản bằng chất nổ, hủy diệt nguồn lợi thủy sản, trong đó có rạn san hô. Biển cả rộng mênh mông, kẻ xấu (đa số là ngư dân ngoài tỉnh) luôn chọn "thời điểm tốt" để hoạt động phạm pháp, theo chiến thuật "đánh nhanh rút nhanh" nên lực lượng chức năng lắm khi đành phải …"lực bất tòng tâm".

Bên cạnh đó, công tác vận động ngư dân tham gia bảo vệ rạn san hô cũng cần phải tiến hành thường xuyên, để bà con ngư dân hiểu rõ rằng công việc này có liên quan mật thiết đến cuộc sống của họ, thì bà con mới ý thức rõ vấn đề để tích cực tham gia. Khi nghe một số cán bộ chức năng bàn việc đặt các phao tiêu đánh dấu bảo vệ rạn san hô, phải chặt đứt các dây thừng buộc phao rồi nối lại (để kẻ xấu có lấy cắp dây thừng cũng chẳng dùng được vào việc gì), chúng tôi biết rằng việc bảo vệ rạn san hô hoàn toàn không đơn giản, mà cần phải bằng các biện pháp kiên quyết và lâu dài…

. Bùi Lợi

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Những ngày hội văn hóa ẩm thực Hải Âu: Dạ tiệc bên bờ biển xanh   (06/05/2004)
Quy hoạch sản xuất gạch ngói ở Tây Sơn: Bao giờ ổn định?   (05/05/2004)
Mỹ nghệ Bình Minh: HTX duy nhất xuất khẩu trực tiếp   (04/05/2004)
Phát triển kinh tế trang trại: Đã có lời giải từ thực tiễn   (04/05/2004)
Điện lực Bình Định: Xây dựng và phát triển nguồn, lưới điện   (03/05/2004)
Để ngành thủy sản Bình Định phát triển tương xứng với tiềm năng  (03/05/2004)
Công nghiệp Bình Định: Tạo đà để tăng tốc phát triển  (30/04/2004)
Không lý gì đầu tư 30 triệu USD để chịu lỗ  (29/04/2004)
Xuất khẩu gỗ tinh chế: Đang rộng đường đi  (28/04/2004)
Hoài Phú phát huy nội lực đi lên  (27/04/2004)
Du lịch biển Quy Nhơn: Không chỉ có Ghềnh Ráng - Tiên Sa   (26/04/2004)
Xử lý ô nhiễm môi trường ở KCN Phú Tài: Những biện pháp tích cực  (25/04/2004)
Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước: Đời sống của người lao động được cải thiện hơn   (23/04/2004)
Khôi phục chăn nuôi gia cầm: Những chuyển động tích cực  (22/04/2004)
Bình Định xuất khẩu 400 tấn bột nhang sang thị trường Nhật Bản   (21/04/2004)