Phía đông bắc của huyện Tuy Phước gồm các xã Phước Hòa, Phước Thắng nằm ven đầm Thị Nại và một phần của xã Phước Quang. Nguồn nước ngầm ở khu vực này bị nhiễm mặn, không thể đào hoặc khoan giếng được nên bao đời nay, người dân ở cuối nguồn sông Côn này luôn gặp khó khăn về nước sinh hoạt.
|
Điểm cấp nước công cộng đội 11 thôn Tự Cung, xã Phước Thắng bị bỏ hoang từ tháng 8-2003 đến nay |
Năm 2001 Nhà nước đầu tư trên 4 tỉ đồng xây dựng công trình nước sạch tại xã Phước Quang, quy mô 3 cụm khai thác giếng ngầm, công suất thiết kế 1.800m3/ngày-đêm. Đầu năm 2003, công trình được đưa vào sử dụng, nguồn nước sạch tỏa theo 16km đường ống, chảy về 13 cụm vòi tiếp nước công cộng trong sự vui mừng của nhân dân ở đây. Song, vấn đề không chỉ đơn giản như vậy.
Ông Trịnh Văn Cư, Chủ tịch UBND xã Phước Thắng, cho biết: "Nhân dân xã chúng tôi lâu nay toàn sử dụng nước sông, có nước sạch về là mừng lắm. Nhưng nước sạch mới chỉ tới 3 thôn, còn các thôn ven đê với 3.521 nhân khẩu vẫn đói nước sạch, hàng ngày phải đi xa 2 đến 3km mua nước về dùng". Từ khi đưa vào sử dụng công trình nước sạch, cho đến tháng 7-2003 huyện không thu tiền. Từ tháng 8-2003 bắt đầu thu tiền theo mức giá 2.737 đồng/m3 nước. Đồng thời tiến hành lắp đặt đường ống dẫn nước đến các hộ dân nằm theo trục đường ống chính, có nhu cầu sử dụng. Theo ông Nguyễn Kim Phụng, Phó trưởng Ban quản lý khai thác và cung cấp nước sạch huyện Tuy Phước: "Nhà máy nước sạch đông bắc Tuy Phước đã lắp đường ống dẫn nước vào nhà cho 380 hộ và 4 điểm trường học. Nếu tính luôn các điểm cấp nước công cộng, mới chỉ có 6.000 nhân khẩu dùng nước sạch. Chi phí cao, ít người sử dụng nên từ khi đi vào kinh doanh (tháng 8-2003) đến nay, mỗi tháng huyện phải bù lỗ thêm 2 triệu đồng. Khó khăn hiện tại là không có kinh phí để mở rộng, phục vụ đủ nước sạch cho 20 nghìn dân như thiết kế ban đầu".
Được biết, công suất thiết kế nhà máy nước cung cấp 1.800m3/ngày đêm, nhưng thực tế chỉ đáp ứng 50%, do 3 giếng ngầm nước đều bị nhiễm phèn, không thể bơm trực tiếp vào đường ống, mà phải xây dựng bể lọc nên không đủ lượng nước cung cấp theo thiết kế. Bên cạnh đó, giá thành lắp đặt nước sạch vào nhà dân vẫn còn nhiều bất hợp lý. Ông Trần Đình Quang, ở thôn Tư Cung (Phước Thắng) bộc bạch: "Chi phí bắc nước sạch vào nhà cao lắm, phải trả đủ thứ tiền. Nhà tôi gần đường ống chính mà phải chi phí đến 600 nghìn đồng". Các anh Nguyễn Văn Hưng, Lương Văn Thu, Nguyễn Thế Hướng, Nguyễn Thế Thái, Lê Hồng Cẩn cũng ở thôn Tư Cung, góp trên 1,5 triệu đồng lắp đặt đường ống chính, sau đó lắp tỏa về các hộ. Riêng anh Hưng, phản ảnh: "Ngoài góp tiền đặt ống nước chính, tôi còn chi phí 368 nghìn đồng lắp 2,5m ống nhựa, van nước, đồng hồ, trả tiền công khảo sát, dự toán, lắp đặt. Tôi đề nghị đưa phiếu ghi vật tư, anh công nhân chỉ đưa phiếu thu tiền".
Tất cả các hộ lắp đặt nước sạch vào nhà không một ai được cho xem bảng kê vật tư thiết bị lắp đặt của hộ mình. Anh Hưng so sánh: "Một van nhựa màu trắng cùng loại giá 10 nghìn đồng, khi lắp đặt được tính 18.000 đồng. Ống nhựa cỡ 27 hiệu Đạt Hòa giá 20.000 đồng/cây/4 mét, được tính 22.000 đồng… Hầu hết bà con đều không vui vì sự không rõ ràng mà vẫn phải chấp nhận". Về giá thành lắp đặt đường ống nước, đồng hồ đo đếm nước vào nhà dân, ông Nguyễn Kim Phụng lý giải: "Giá vật tư lên xuống thất thường, nên việc tính toán của anh em không biết thế nào, chúng tôi sẽ kiểm tra lại. Còn phần khảo sát, dự toán thu đều có trong quy định của Ban quản lý".
Nguồn nước sạch đã về với các xã đông bắc Tuy Phước, nhưng việc quản lý, sử dụng xem ra còn nhiều khó khăn; có vài điểm cấp nước công cộng mới xây dựng đã bị bỏ hoang, gây lãng phí. Công tác tuyên truyền cho nhân dân sử dụng nguồn nước sạch chưa được đẩy mạnh… Vì thế công trình nước sạch đông bắc Tuy Phước chưa phát huy hiệu quả cao, chưa góp phần giúp người dân địa phương xóa hẳn việc dùng nước sông, nước mương không bảo đảm vệ sinh.
. Xuân Thức |