Trong những năm gần đây, sự hiện diện của internet nói riêng và công nghệ thông tin (CNTT) nói chung đã tác động không nhỏ đến nhận thức phát triển kinh tế của các doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chỉ có các DN lớn mới coi trọng việc phát triển CNTT, còn các DN nhỏ thì vẫn đang coi nhẹ.
Internet và cạnh tranh toàn cầu đã khiến cho sân chơi dành cho các DN trở nên khốc liệt hơn. Để có thể tồn tại và cạnh tranh trong cơ chế hiện nay, nhiều DN đã đầu tư hàng tỉ đồng để mua sắm trang thiết bị tin học nhằm ứng dụng tối đa sự phát triển CNTT vào việc kinh doanh, sản xuất. Điển hình như các DN: Công ty Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định, Công ty Xuất nhập khẩu Bình Định (XNKBĐ), Công ty TNHH Mỹ Tài, Công ty TNHH Duyên Hải, Khách sạn Life Resort… Ngoài việc phát triển hệ thống trang thiết bị máy tính, các DN lớn trong tỉnh còn tập trung phát triển nguồn nhân lực CNTT. Nhiều DN đã thành lập riêng một ban CNTT để tập trung thúc đẩy công việc sản xuất, kinh doanh.
Công ty XNKBĐ là một điển hình. Từ năm 1996, Công ty đã đầu tư hàng trăm triệu đồng mua sắm trang thiết bị tin học để ứng dụng vào kinh doanh, sản xuất. Theo đó, gần 20 máy tính cá nhân và 1 máy chủ đặt tại trụ sở chính của Công ty đều đã kết nối vào mạng nội bộ (LAN). Việc kết nối các máy tính tại cơ quan đã khiến công tác quản lý, lưu trữ dữ liệu, ghi chép, truyền số liệu qua mạng… trở nên nhanh chóng và hiệu quả hơn trước rất nhiều. Ngoài ra, thông qua mạng internet và trang web của mình (www.imexbinhdinh.com.vn), Công ty XNKBĐ đã thu hút được nhiều khách hàng mới kể cả trong và ngoài nước trên các lĩnh vực sản xuất gỗ, nông hải sản… nhờ những thông tin, catalogue… quảng bá trên trang web.
Ông Đỗ Văn Tâm, Giám đốc Công ty XNKBĐ, cho biết: "Chi phí cho phần giao dịch với khách hàng mỗi tháng giảm chỉ còn 1/3 lần so với trước đây khi Công ty chưa ứng dụng internet. Cũng nhờ vậy mà ngay từ những năm đầu tiên chúng tôi đã ký được hợp đồng với nhiều khách hàng lớn, trong đó có khá nhiều đối tác ở nước ngoài, nâng doanh thu lên gấp đôi, gấp ba lần. Chính nhờ mạnh dạn đi trước trong việc ứng dụng CNTT mà việc kinh doanh công ty chúng tôi đã thu được những kết quả tốt hơn trước rất nhiều".
Đứng trước những cơ hội kinh doanh mới này, gần đây nhiều DN lớn trong tỉnh đã xác định giao dịch thương mại điện tử là động cơ mũi nhọn để mở rộng thị trường. Ông Lê Công Nhường - Phó Giám đốc Công ty Dược và Trang thiết bị y tế Bình Định, phân tích: "Công ty đã xây dựng trang web (www.bidiphar.com) từ 2-3 năm nay nhưng chỉ dừng lại ở mức giới thiệu cho những người quan tâm. Hiện chúng tôi đang tiến hành dự án nâng cấp và tận dụng tốt hơn trang web trên lĩnh vực thương mại điện tử. Chúng tôi tin rằng việc đầu tư cho mảng CNTT sẽ là một hướng đi đúng cho chiến lược kinh doanh của công ty"...
Trong khi các DN lớn đang tập trung đẩy mạnh phát triển CNTT thì không ít các DN vừa và nhỏ trong tỉnh có khái niệm rất mơ hồ về việc này. Thậm chí nhiều DN không có đến một chiếc máy tính, mọi việc tính toán đều được thực hiện bằng ghi chép tay qua sổ sách. Ông Nguyễn Văn Bình - Giám đốc một DN buôn bán vật liệu xây dựng ở TP. Quy Nhơn, cho biết: "Mình cũng muốn mua sắm máy tính để tính toán sổ sách cho nhanh và chính xác nhưng do không biết gì về tin học nên cũng ngại. Con thuê người làm kế toán trên máy tính thì mình lại lo vì không biết gì về vi tính thì làm sao quản lý được. Thôi thì kệ, cứ ghi chép sổ sách tay cho xong".
Nhiều giám đốc của một số DN vừa và nhỏ còn không biết tên trang Web của mình sau hơn 1 năm UBND tỉnh hỗ trợ xây dựng miễn phí. Chuyện xảy ra cách đây hơn 1 tháng, khi ấy được biết tin một DN kinh doanh nước mắm ở thị trấn Bình Định (An Nhơn) được tỉnh hỗ trợ xây dựng trang web miễn phí, tôi nuôi hy vọng tìm hiểu về trang web này với ý định viết bài điển hình về ứng dụng CNTT để phát triển kinh doanh. Thế nhưng, sự việc lại xảy ra không như tôi nghĩ. Giám đốc DN này hoàn toàn không biết về "web" và cũng không biết tên trang web của doanh nghiệp mình đang hiện diện trên mạng toàn cầu mang tên gì. Bà T. - Chủ DN, cho hay: "Vì hiện nay, đối tác làm ăn của DN chúng tôi chỉ là những khách hàng trong nước. Vì thế, chúng tôi chưa cần thiết để thực hiện việc giao thương trên mạng và dự tính khi nào mở rộng ra thị trường nước ngoài mới tính đến chuyện đó. Vấn đề quan tâm của chúng tôi hiện nay là chất lượng của sản phẩm, vì thế thay vì đầu tư cho tin học chúng tôi đầu tư cho chất lượng sản phẩm để giữ khách hàng".
Nhiều giám đốc của các DN vừa và nhỏ cho rằng, việc triển khai cơ sở hạ tầng tin học, đặc biệt là các phần mềm thương mại điện tử, là rất tốn kém và chỉ phù hợp với các công ty lớn. Tuy nhiên, theo nhiều nhà kinh tế và các chuyên gia tin học, cho dù là DN vừa, nhỏ hay rất nhỏ thì việc ứng dụng CNTT vào phát triển kinh doanh cũng rất cần thiết cho sự phát triển của DN.
. Anh Tú |