Mặc dù được hưởng nhiều ưu đãi khi đầu tư vào khu trang trại tập trung chăn nuôi bò sữa (TTBS) Nhơn Tân, nhưng hiện nay, tại khu trang trại này đang nảy sinh một số vướng mắc khiến nhiều chủ trang trại chưa yên tâm.
|
Trang trại bò sữa của bà Bùi Thị Minh Vân trong khu trang trại Nhơn Tân |
Các chủ dự án đầu tư vào khu TTBS Nhơn Tân được thuê đất dài hạn; được miễn thuế sử dụng đất và thủy lợi phí trồng cỏ trong 3 năm đầu, được ưu tiên tập huấn kỹ thuật chăn nuôi và còn được vay vốn với lãi suất ưu đãi để mua con giống, trồng cỏ, làm chuồng trại… Các chính sách ưu đãi của tỉnh đã hấp dẫn nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đăng ký đầu tư vào khu vực này. Đến nay đã có 14 dự án đầu tư được UBND tỉnh phê duyệt với tổng vốn đầu tư đến năm 2008 là 80 tỉ đồng, số lượng đàn bò sữa thả nuôi 4.000 con. UBND tỉnh đã giao cho Ban quản lý dự án khu TTBS Nhơn Tân hoàn thành việc san ủi mặt bằng, xây dựng hệ thống đường giao thông, lưới điện, hệ thống nước sạch, nước thải… trong năm 2004 nhằm tạo điều kiện cho các chủ đầu tư thực hiện dự án đã đăng ký.
Tuy nhiên đến nay, Ban quản lý mới hoàn thành việc san ủi mặt bằng, phân lô và giao đất cho các chủ trang trại, mắc điện lưới vào khu trang trại, còn các hạng mục khác chưa được triển khai. Công tác đền bù giải tỏa các hộ gia đình trong khu vực này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, hiện vẫn còn 6 hộ gia đình chưa di dời…
Cơ sở hạ tầng chưa được thực hiện theo đúng kế hoạch, kéo theo hệ quả là các chủ trang trại không dám đầu tư phát triển đàn bò. Trong 14 dự án đăng ký mới chỉ có 6 dự án triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, trồng cỏ và thả nuôi 612 con bò sữa, trong đó có 522 con bò sữa của Công ty Nông Việt nuôi để kinh doanh giống, còn bò sữa nguyên liệu chỉ có 90 con. Trong 8 dự án còn lại thì có 5 dự án đang chuẩn bị cải tạo đất để trồng cỏ, 3 dự án vẫn chưa triển khai thực hiện...
Hiện nay, một số chủ trang trại ở đây đang gặp khó khăn. Ông Nguyễn Đình Phương, một chủ trang trại cho biết: "Dự án của tôi có quy mô 5ha, trong vòng 5 năm, từ năm 2003-2008 phải đảm bảo nuôi được 100 con bò sữa. Hiện nay, chi phí đầu tư xây dựng đồng cỏ, thức ăn tinh, tiền điện… phục vụ cho việc nuôi bò sữa tăng cao, trong khi giá bê sữa trên thị trường đang hạ, giá sữa không tăng". Dự án của bà Đào Thị Ngọc đã được UBND tỉnh phê duyệt quy mô 5 ha đất, tổng vốn đầu tư đến năm 2008 là 3 tỉ đồng, nuôi 100 con bò sữa, nhưng đến nay, trang trại của bà Ngọc mới có 14 con bò F2. Bà Ngọc cho biết: "Bình quân mỗi tháng, tôi đầu tư cho đàn bò 7 triệu đồng, nhưng thu vào chỉ có 2 triệu, phải bù lỗ 5 triệu. Nếu cứ đầu tư dài dài mà cứ tiếp tục bù lỗ thì không thể chịu nổi". Bên cạnh đó còn do công tác quản lý, bảo vệ ở khu TTBS Nhơn Tân còn nhiều yếu kém, để người dân tự tiện đi lại, thả bò trong khu vực này, nên các chủ trang trại lo ngại vấn đề đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn bò sữa. Theo các chủ trang trại, Ban quản lý dự án cần tạo điều kiện cho các chủ trang trại đẩy nhanh tiến độ xây dựng trang trại, phát triển đàn bò.
Trao đổi với chúng tôi về những vấn đề trên, ông Phan Trọng Hổ, Phó ban quản lý khu TTBS Nhơn Tân cho biết: Hiện nay, kinh phí để xây dựng cơ sở còn hạn hẹp, nên chưa thể triển khai xây dựng các hạng mục còn lại. Việc các chủ đầu tư đề nghị cấp đất thêm đất trồng cỏ là không thể được, vì theo quy định của UBND tỉnh, mỗi chủ trang trại chỉ được cấp 50% diện tích đất trồng cỏ, 50% diện tích còn lại thì các chủ trang trại phải hợp đồng với các hộ gia đình xung quanh khu vực trang trại để trồng cỏ, mục đích là vừa tạo mối quan hệ tốt giữa các chủ doanh nghiệp với nông dân, vừa tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho nông dân. Ban quản lý sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng khu trang trại; phối hợp với chính quyền địa phương và các chủ trang trại tăng cường công tác quản lý, bảo vệ đàn bò; giúp đỡ các chủ trang trại vay vốn theo đúng quy định của Ngân hàng; tăng cường hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật chăm sóc bò, trồng cỏ… phấn đấu thực hiện có hiệu quả kế hoạch đã đề ra.
Theo kế hoạch dự kiến đến năm 2008 khu TTBS Nhơn Tân sẽ có 4.000 con bò sữa. Nhưng với tiến độ xây dựng chậm trễ như hiện nay thì kế hoạch này khó có thể thực hiện được.
. Tiến Sĩ |