Công ty NLG Quy Nhơn ra đời vào tháng 3-1993 với các bên góp vốn, gồm Tổng công ty Pisico, Công ty Khai thác chế biến nông lâm sản cung ứng xuất khẩu thanh niên xung phong TP Hồ Chí Minh, Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam và Lâm trường Quy Nhơn. Từ khi ra đời cho đến nay, công ty đã vượt qua nhiều khó khăn để tồn tại và phát triển… Song, hiện nay "đầu vào" của ngành chế biến NLG đang khan hiếm, liệu đơn vị có vượt qua được sức ép này ?
|
Chế biến dăm bạch đàn |
Cuối năm 1993, Công ty NLG Quy Nhơn đã chế biến và xuất khẩu lô hàng đầu tiên 5.000 tấn dăm bạch đàn sang thị trường Đài Loan và được khách hàng đánh giá cao về chất lượng. Từ đó, bằng nhiều biện pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng bá giới thiệu mặt hàng… thị trường xuất khẩu của công ty đã được mở rộng sang Nhật Bản, Hồng Kông, Thái Lan… Song, khi đã có thị trường, thì sức ép về nguyên liệu lại đè nặng lên hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị. Để có đủ nguyên liệu phục vụ sản xuất, công ty đã thực hiện nhiều biện pháp để mở rộng địa bàn mua nguyên liệu đến các tỉnh lân cận; xây dựng cơ chế giá cho từng vùng, từng thời điểm và vận chuyển sản phẩm nhanh…
Sức ép về nguyên liệu nặng hơn khi ngày càng có thêm nhiều nhà máy hoạt động trong lĩnh vực này xuất hiện trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận. Đầu năm 1998, Nhà máy chế biến dăm Cát Phú (Khánh Hòa) ra đời, thu mua nguyên liệu tại các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Gia Lai và Bình Định đã làm thị trường NLG nóng dần lên. Tuy nhiên, sự cạnh tranh về mua nguyên liệu của công ty với các đơn vị hoạt động cùng ngành bắt đầu quyết liệt từ năm 2002, khi Nhà máy ván sợi ép MDF của Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam, công suất 54.000 m3/năm đi vào hoạt động tại An Khê (Gia Lai) đã thu hút nguyên liệu ở Tây Nguyên và một số địa phương Bình Định. Ở phía nam, vùng nguyên liệu cung cấp cho Nhà máy chế biến dăm Cát Phú đã cạn kiệt và đơn vị này cũng đã mở rộng mua nguyên liệu đến Bình Định. Phía bắc tỉnh, Nhà máy dăm của Công ty NLG Dung Quất (Quảng Ngãi) công suất 50.000 tấn/năm ra đời đầu năm 2003 cũng đã "lấn sang" vùng nguyên liệu ở Bình Định. Ngay trong địa bàn tỉnh, ngoài Công ty NLG Quy Nhơn, còn có 2 nhà máy nữa với công suất 100.000 tấn/năm cũng tiến hành mua nguyên liệu để sản xuất.
Với sự ra đời nhiều nhà máy chế biến NLG như vậy, nguồn nguyên liệu cung ứng đã dần dần cạn kiệt. Giá nguyên liệu đã được đẩy từ 380.000 đồng/m3 vào giữa năm 2003 lên 440.000 đồng/m3 hiện nay. Các công ty đã có nhiều cơ chế trong công tác thu mua nhằm có đủ nguyên liệu cho nhà máy của mình hoạt động nên thị trường NLG càng mất ổn định.
Vừa qua, có một số báo đã đưa tin: Công ty NLG Quy Nhơn ngưng sản xuất, công nhân phải nghỉ việc do thiếu nguyên liệu. Giải thích về thông tin này, ông Nguyễn Đức Huyện, Giám đốc Công ty cho biết: "Thời điểm đầu năm, nhà máy của chúng tôi có ngừng sản xuất hơn 10 ngày, nhưng không phải vì thiếu nguyên liệu mà do đây là giai đoạn sau Tết Nguyên đán, hầu như năm nào đơn vị cũng nghỉ sản xuất khoảng 1/2 tháng để thời gian nghỉ Tết của công nhân được lâu hơn. Hơn nữa, đây không phải là lúc cao điểm để xuất hàng nên cũng không vội lắm". Tuy nhiên, dự báo về tình hình nguyên liệu, ông Nguyễn An Điềm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty NLG Quy Nhơn, cho rằng: "Thời gian đến sự cạnh tranh về thu mua nguyên liệu sẽ căng thẳng hơn khi một số nhà máy chế biến NLG sắp ra đời tại Huế, Quảng Ngãi, Bình Định… Bởi vậy, các nhà máy chế biến NLG xuất khẩu phải chú trọng ngay đến việc phát triển vùng nguyên liệu và nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài về mới mong sản xuất được ổn định và lâu dài".
Hiện nay, Công ty NLG Quy Nhơn đã đầu tư trồng được 1.000 ha bạch đàn và keo lai tại các địa phương trong tỉnh; liên kết với các lâm trường trồng hơn 2.000 ha cây NLG. Để tăng thêm giá trị của nguyên liệu, tránh thua lỗ khi phải cạnh tranh nâng giá như thời gian qua, công ty đã đầu tư một số máy móc, thiết bị xẻ gỗ để tận dụng những cây gỗ nguyên liệu to xẻ thành ván, bán cho các đơn vị chế biến lâm sản xuất khẩu, trước khi cho vào băm dăm. Nhờ vậy, hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty đã không bị ảnh hưởng nhiều khi giá nguyên liệu mua vào tăng cao như hiện nay.
Từ đầu năm đến nay, công ty đã sản xuất được 16.000 tấn nguyên liệu thành phẩm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,5 triệu USD, lợi nhuận hơn 2 tỉ đồng, thu nhập bình quân của người lao động vẫn giữ ở mức hơn 2 triệu đồng/người/tháng. Nói về hoạt động sắp tới, ông Nguyễn Đức Huyện khẳng định: "Chúng tôi sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác thu mua nguyên liệu sang các tỉnh phía bắc miền Trung và chú trọng đến việc trồng rừng để bảo đảm được nguyên liệu cho nhà máy hoạt động ổn định, sản xuất kinh doanh phát triển".
. Ngọc Thái
|