Sau các tour khảo sát, ngày Chủ nhật (16-5-2004), chi nhánh Vietravel Quy Nhơn đã chính thức mở tour du lịch sinh thái, văn hóa Quy Nhơn - Nhơn Hải. Chương trình gồm các hoạt động bơi - lặn biển Hòn Khô, thăm làng chài Hải Giang…
* Trên sóng nước Hòn Khô
|
Du khách tập trung ở bến đò (ảnh: Cát Hùng) |
8 giờ sáng, du khách tập trung ở bến đò Cầu Đen (đường Đống Đa - Quy Nhơn). Các hướng dẫn viên (HDV) của Vietravel ghi danh sách số du khách trên tàu, kiểm tra lại từng chiếc phao cứu sinh (mỗi người một bộ gồm một áo phao và một phao tròn) sắp xếp chỗ ngồi, hướng dẫn du khách sử dụng phao… trước khi cho tàu khởi hành. Sau 20 phút chạy chậm trong đầm Thị Nại để du khách ngắm cảnh hoạt động nhộn nhịp của Cảng Quy Nhơn, Cảng cá Hàm Tử, Cảng Thị Nại… tàu ghé lại làm thủ tục ở trạm Biên phòng cửa khẩu, rồi rời cửa biển Quy Nhơn và tăng tốc hướng về phía đông bắc.
Trời đẹp, biển êm, cơn mưa bóng mây đến và tan nhanh, làm tăng thêm cảm giác mát mẻ. Tàu chạy gần bờ, du khách tha hồ ngắm những dãy núi đá thiên hình vạn trạng của bán đảo Phương Mai vươn dài ra biển, cùng với những hang yến ven chân núi vốn nổi tiếng từ bao đời nay…
Tàu vừa qua khỏi mũi Yến, mọi người ồ lên đầy ngạc nhiên trước vẻ đẹp của bán đảo Nhơn Hải dưới ánh nắng ban mai rực rỡ. Đảo Hòn Khô như một tấm bình phong khổng lồ che chắn cho Nhơn Hải với khoảng cách thật gần. Nếu nhìn qua "tiền cảnh" là những dãy lồng bè nuôi tôm hùm như một "thành phố nổi" đang nhấp nhô trên sóng nước, thì "trung cảnh" là hàng trăm chiếc thuyền cá neo đậu bồng bềnh trong vịnh biển, và "hậu cảnh" là các làng chài Nhơn Hải với rất nhiều ngôi nhà 2-3 tầng khá hiện đại. Màu ngói đỏ tươi nổi bật lên trên màu xanh của rừng dừa và của biển… tạo nên bức tranh kinh tế trù phú của một miền quê biển đang trên đà phát triển mạnh mẽ.
|
Hướng dẫn bơi lặn (ảnh: Cát Hùng) |
Tàu neo lại cách đảo Hòn Khô khoảng 100m. Sau khi hướng dẫn du khách sử dụng kính lặn, ống thở và phao bơi, HDV Phan Ngọc Dũng nhảy ùm xuống biển, dẫn đầu đoàn du khách tham quan rạn san hô cách bờ chừng vài chục mét. Những năm gần đây, nhờ sự nghiêm cấm khai thác san hô và nhờ có "làng" nuôi tôm hùm ở bên cạnh "bảo vệ", nên rạn san hô Hòn Khô (dài khoảng 300 m, rộng 50 m) phát triển khá tốt. Nằm trên chiếc phao tròn, mang kính lặn, úp mặt xuống làn nước trong vắt, du khách bị thu hút trước hình ảnh những đàn cá biển đủ màu sắc sặc sỡ, nhởn nhơ bơi lượn như muốn khoe sắc cùng những cành san hô rực rỡ màu hồng, màu vàng, màu ngọc bích…
Sau gần một giờ vui đùa trên sóng nước, tham quan rạn san hô, du khách chơi trò xếp hình trên biển và có cảm giác mình "chẳng thua kém" vận động viên bơi nghệ thuật là mấy! Chị Cẩm Lệ - Việt kiều ở Mỹ - cho biết: "Tôi là dân gốc Quy Nhơn, nhưng trước đây chưa từng đến Nhơn Hải. Phong cảnh ở đây thật đẹp, biển sạch và rạn san hô thật tuyệt vời… Chỉ tiếc là ở đây không có cầu tàu để mọi người lên tham quan Hòn Khô…".
* Thăm làng chài Hải Giang
Buổi trưa, tàu ghé vào xóm Mới ở làng biển Hải Giang. Du khách tắm nước ngọt (giếng khơi), ăn trưa và nghỉ ngơi trên những chiếc võng dưới bóng mát của rừng cây. Cánh đàn ông của các nhóm khách thì tập trung lại, nhấm nháp ly rượu Bầu Đá, đàn hát tập thể rất vui vẻ. Ông Đoàn Thiết Đính - chủ nhà nơi đoàn khách ghé lại - cho biết: "Anh Dũng đưa khách du lịch sang đây thì càng có thêm nhiều người biết đến Nhơn Hải. Gia đình tôi cũng có thêm thu nhập nhờ làm một số dịch vụ như đưa đò đón khách từ tàu vào làng và đưa trở ra tàu, bán hải sản tươi do các con tôi đánh bắt ngoài biển…". Một du khách tâm sự: "Tôi thích cái vẻ nguyên sơ ở đây. Khung cảnh, con người, các hoạt động… đều là thật. Tôi đã tham dự nhiều tour ở một số nước, người ta tổ chức rất bài bản, nhưng cũng có nhiều hoạt động được "dàn dựng" nên nó không có được cái hồn của đất và người. Hơn nữa, tình cảm khi đi du lịch ở quê hương mình nó đậm đà lắm…".
Xế chiều, du khách được hướng dẫn thăm di tích chùa Phật Lồi, thăm làng chài Hải Giang… rồi lên tàu trở về Quy Nhơn, kết thúc một chuyến đi đầy thú vị.
. Thúy Vi |