Tại các làng nghề hiện nay, vấn đề môi trường đang trở nên đặc biệt nghiêm trọng, bởi tình trạng ô nhiễm nước thải, khí thải, chất thải rắn. Nó đòi hỏi cần phải có các biện pháp giải quyết kịp thời nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường. Tỉnh Bình Định cũng nằm trong tình hình chung đó.
Trong số các làng nghề đang hoạt động, nổi lên 2 dạng gây ô nhiễm môi trường phổ biến và nguy hại đến sức khỏe con người, đó là các cơ sở nấu đúc kim loại và chế biến tinh bột mì.
|
Mô hình xử lý khí thải bằng phương pháp lò nấu đúc nhôm |
Tại An Nhơn, do quy mô sản xuất của các làng nghề nấu đúc kim loại khá lớn và tập trung tại một vài xã nên trong quá trình sản xuất, các cơ sở đã gây ô nhiễm môi trường xung quanh một cách trầm trọng. Khu vực nấu đúc kim loại đã phát sinh các chất ô nhiễm chính của loại hình này là khí thải chứa bụi kim loại và các khí a-xít. Mặt khác, hiện nay, các cơ sở sản xuất chưa có hệ thống thu gom và xử lý khí thải, nên khí thải sinh ra phát tán vào khu vực lao động và dân cư, gây ngột ngạt, tác hại trực tiếp đến sức khỏe của người dân.
Còn làng nghề sản xuất tinh bột mì thuộc xã Hoài Hảo (huyện Hoài Nhơn) chủ yếu sản xuất, chế biến tinh bột mì kết hợp với chăn nuôi. Nước thải tinh bột mì với lưu lượng lớn và hàm lượng chất hữu cơ quá cao, khi chảy ra kênh rạch thì bốc mùi chua nồng. Độc tính của nước thải bột mì sẽ gây tác hại trực tiếp đến hệ thủy sinh vật, làm ảnh hưởng đáng kể đến đến hoạt động nuôi trồng thủy sản; gây ô nhiễm nước ngầm, ô nhiễm môi trường đất, làm thay đổi đặc tính đất và năng suất cây trồng.
Phó GS-TS Nguyễn Văn Phước, cùng các cộng sự ở Khoa Môi trường (trường Đại học bách khoa TP HCM), khi thực hiện đề tài "Đánh giá hiện trạng, đề xuất phương án giảm thiểu và xử lý ô nhiễm môi trường cho các làng nghề Bình Định" đã tiến hành khảo sát, điều tra hiện trạng môi trường, tình hình dân sinh, kinh tế và những vấn đề khác liên quan đến công nghệ sản xuất trong làng nghề, nhằm đánh giá hiện trạng chất lượng môi trường khu vực làng nghề.
Từ kết quả điều tra, khảo sát tại 31 cơ sở nấu đúc kim loại thuộc làng nghề thị trấn Đập Đá (An Nhơn), đề tài đã đưa ra quy trình công nghệ và trình diễn thành công mô hình "xử lý khí thải lò nấu nhôm" đạt hiệu quả cao, chi phí đầu tư không lớn, chi phí vận hành thấp, phù hợp với khả năng kinh doanh của loại hình sản xuất này. Đề tài đã xây dựng mô hình xử lý khí thải bằng phương pháp lò nấu đúc nhôm tại cơ sở của ông Phạm Văn Xây, thuộc cụm công nghiệp Gò Đá Trắng. Khí thải sau xử lý được thải qua ống khói cao 15m. Chi phí đầu tư cho hệ thống xử lý là 18 triệu đồng, chi phí xử lý cho 1 tấn sản phẩm chỉ có 36.500 đồng.
Với làng nghề chế biến tinh bột mì, sau khi tiến hành lấy mẫu phân tích các yếu tố vi khí hậu, chất lượng không khí, chất lượng nước mặt, nước ngầm, nước thải tại xã Hoài Hảo, đề tài đã đưa ra các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại những làng nghề này, bao gồm các biện pháp kiểm soát và xử lý ô nhiễm không khí, kiểm soát và xử lý nước thải, đồng thời đề xuất các biện pháp cải thiện và bảo vệ môi trường. Đề tài đã đưa ra các mô hình xử lý gồm: a-xít hóa, lọc sinh học kỵ khí, hiếu khí; kết quả xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn loại B. Đây là công nghệ mới chưa từng được áp dụng ở Việt Nam, nhưng hoàn toàn khả thi, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của làng nghề, cho phép đạt tiêu chuẩn nước thải theo quy định.
Đề tài đã đề xuất 2 phương án: Xử lý nước thải theo mô hình tập trung và xử lý theo mô hình cục bộ. Tuy nhiên, theo nhóm tác giả đề tài, nên chọn phương pháp xử lý cục bộ theo quy mô hộ gia đình. Đề tài đã xây dựng một mô hình xử lý cục bộ tại nhà ông Trần Thạc (ở thôn Tấn Thạnh 1, xã Hoài Hảo), diện tích xây dựng 21,7 m2, lưu lượng nước thải 12 m3/ngày, tương ứng 1 tấn bột/ngày, vốn đầu tư hơn 16,8 triệu đồng, chi phí xử lý nước thải 885 đồng/m3.
Có thể thấy, những giải pháp mà đề tài đưa ra là hoàn toàn khả thi, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của làng nghề. Nhưng vấn đề còn lại là, các hộ sản xuất ở làng nghề có chịu bỏ ra chi phí để đầu tư hệ thống xử lý theo mô hình mà đề tài đưa ra hay không? Theo Tiến sĩ Man Ngọc Lý, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bình Định, để các cơ sở và hộ sản xuất áp dụng được các công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường mà đề tài đưa ra, vấn đề trước mắt là các hộ và cơ sở phải tự thực hiện theo mô hình, bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ xây dựng hệ thống xử lý nước thải và khí thải, đồng thời cũng cần có biện pháp buộc các cơ sở và hộ gia đình sản xuất phải thực hiện công tác bảo vệ môi trường, bao gồm ban hành quy định về bảo vệ môi trường cho làng nghề và áp dụng các biện pháp chế tài.
. Khánh Hoàng |