Xã Phước Hiệp (Tuy Phước) có diện tích cây trồng cạn hàng năm trên 600ha, gồm các loại: mía, bắp, đậu, mè, khổ qua, dưa hấu và cây hoa huệ. Trong số này, cây hoa huệ cho hiệu quả cao nhất. Hơn 10 năm nay (1992-2004) nhiều gia đình trồng huệ đã thoát được nghèo, có của ăn, của để.
* Muốn giàu trồng huệ
|
Một góc chợ hoa Phước Hiệp - Tuy Phước |
Cây hoa huệ từ xã Phước Sơn "du nhập" về xã Phước Hiệp vào năm 1992 và ngày càng mở rộng diện tích. Đến năm 2003 xã đã có 186 ha và 5 tháng đầu năm nay mở rộng thêm 70 ha. Ông Bùi Minh Nhật - phụ trách khuyến nông xã Phước Hiệp - lý giải: "Diện tích trồng huệ liên tục tăng vì cây hoa huệ mang lại thu nhập gấp 5 lần so với trồng lúa. 1 sào (500m2) huệ cho thu nhập bình quân 3 triệu đồng; 1 ha cầm chắc 60 triệu đồng, trừ chi phí xong kiếm lãi 40 triệu đồng/ha. Cây huệ từ lúc xuống giống đến 90 ngày sau là cho bông. Bây giờ ở Phước Hiệp, trồng huệ đã trở thành phong trào".
Cây huệ (trắng) có 3 loại: huệ trâu bông to, không đẹp; huệ sẻ bông nhỏ, chóng tàn; huệ hương vừa cây, đẹp bông, lâu tàn, mùi thơm bền nên bà con nông dân Phước Hiệp trồng toàn huệ hương, cho bông rất đạt. Ông Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Hiệp bộc bạch: "Cây huệ hương trụ được lâu dài trên đất quê tôi nhờ giá cả ổn định, cho lãi cao không cây gì bằng. Hiện nay ở tất cả các thôn trong xã, bà con nông dân đều tận dụng đất vườn, đất thổ để trồng huệ. Cây hoa huệ thực sự là cây xóa đói, giảm nghèo cho bà con nông dân Phước Hiệp".
Đầu ra của hoa huệ rất "thoáng", chưa bao giờ bị ế, luôn tiêu thụ mạnh trên thị trường. Năm 2003 cả xã thu từ tiền bán hoa huệ gần 10 tỉ đồng, gấp 3 lần so năm 2002. Anh Huỳnh Văn Hùng, 35 tuổi, ở thôn Luật Chánh, "hít" cây huệ đã 10 năm nay, tâm sự: "Nhà tôi trước đây nghèo lắm. Thấy người ta trồng huệ có thu nhập khá, tôi học tập làm theo, lúc đầu trồng chừng 5-6 sào. Còn 2 năm nay (2002-2003) do nắm vững được kỹ thuật trồng và chăm sóc, tôi trồng 13 sào hoa huệ, toàn đất thuê. Vừa rồi tôi cùng 4 người trong xóm rủ nhau vào xã Phước Lộc thuê đất để trồng huệ. Tuy phải trả tiền thuê đất 300.000 đồng/sào/năm nhưng thu nhập rất khá, sau khi trừ chi phí, 1 mẫu hoa huệ ít nhất cũng cho lãi 20 triệu đồng".
* Hình thành chợ hoa
Với diện tích trồng hoa huệ khá lớn, việc hình thành chợ hoa làm nơi giao lưu, mua bán, tiêu thụ là điều hiển nhiên. Chợ hoa Tình Giang (Phước Hiệp) đã sớm ra đời, nhóm họp đông đúc, người mua kẻ bán nhộn nhịp từ 22 giờ đêm cho đến sáng. Mỗi ngày chợ hoa tiêu thụ hàng chục thiên huệ (1 thiên = 1.000 cành). Anh Phạm Văn Cường, ở thôn Huỳnh Mai, Phước Nghĩa, mua gom hoa với số lượng bình quân 10 thiên/ngày, cho hay: "Tôi vừa mua ở chợ, vừa đặt sẵn các nhà vườn. Bình thường giá 400 đồng - 450 đồng/cành. Ngày cao điểm (rằm, mùng một) giá cao hơn, 700 đồng/cành. Hoa huệ được đưa đi bán ở thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, lên tận Tây Nguyên…". Nhờ có chợ hoa, người trồng hoa huệ ở Phước Hiệp và các địa phương lân cận rất thuận lợi trong việc tiêu thụ.
Cây huệ đã tích cực góp phần xóa đói giảm nghèo cho người nông dân Phước Hiệp. Song việc trồng huệ ở đây hiện nay còn mang tính tự phát, chưa thành vùng chuyên canh với cơ sở hạ tầng kỹ thuật bảo đảm. Sản phẩm hoa huệ tuy được tiêu thụ mạnh nhưng không mang yếu tố bền vững, khi diện tích trồng hoa huệ đang tăng lên từng ngày.
. Xuân Thức
|