Có phải "con kiến đi kiện củ khoai"?
11:57', 28/5/ 2004 (GMT+7)

Sự kiện Công ty TNHH Asia Hawaii Ventures đặt trụ sở chính ở Phú Yên (và tổ chức nuôi tôm ở Bình Định) đã bỏ ra 200.000 USD để thuê luật sư chuẩn bị kiện Bộ Thương mại Mỹ (DOC), đang thu hút sự quan tâm của dư luận trong và ngoài nước, khi mà thời điểm DOC đưa ra quyết định sơ bộ về vụ kiện bán tôm phá giá - dự định đầu tháng 7 tới - đang đến gần. Nhiều người cho rằng Asia Hawaii Ventures đi kiện DOC, một cơ quan quyền lực có sức mạnh chi phối lớn nhất nền thương mại toàn cầu, chẳng khác nào như "con kiến đi kiện củ khoai".

Nuôi tôm trên cát ở Bình Định

Thế nhưng, phía Asia Hawaii Ventures thì khác, trả lời phỏng vấn báo chí, ông Trần Tony Phúc Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty rất tự tin cho rằng: "DOC chắc chắn sẽ rất e ngại việc khiếu kiện của các công ty, vì điều này ảnh hưởng không nhỏ đến danh dự và uy tín của DOC".

Asia Hawaii Ventures lập tức có ngay đồng minh. Tổng giám đốc Công ty công nghệ Việt - Mỹ (một doanh nghiệp nuôi tôm hàng đầu tại Việt Nam) ông Định Đức Hữu tái khẳng định: Chúng tôi cũng sẽ kiện DOC nếu họ phán quyết không công bằng.

Việt Nam không bán phá giá tôm vào thị trường Mỹ - đó là một sự thật không thể phủ nhận. Vì thế, đòi hỏi của Liên minh tôm miền Nam nước Mỹ (SSA) là một sự phi lý đến mức chính người Mỹ không thể không lên tiếng.

Ông Adam Sitkoff - Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ tại Hà Nội bày tỏ: "Chúng tôi, tổ chức với 700 doanh nghiệp thành viên, chủ yếu là từ Mỹ, ủng hộ Việt Nam và mong rằng Việt Nam sẽ dành thắng lợi trong vụ kiện. Rõ ràng ngành công nghiệp tôm của Mỹ đang kém sức cạnh tranh so với hàng nhập khẩu, đặc biệt là từ các nước châu Á".

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn của Đài Tiếng nói Việt Nam, sau khi khảo sát nhiều vùng nuôi tôm của Việt Nam, ông Stephan Newman - Chủ tịch tập đoàn công nghệ sinh học phát triển nuôi trồng thủy sản Mỹ cho rằng: "Về căn bản, nếu phán quyết về vụ kiện được đưa ra thì nó chỉ có lợi cho một nhóm nhỏ của Mỹ, đặc biệt là về lợi ích kinh tế, tài chính. Trong khi đó, có rất nhiều người phản đối vụ kiện này, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân các nước và ngay cả người Mỹ".

Còn ông Evik Autor - Phó Chủ tịch Liên đoàn bán lẻ quốc gia của Mỹ thẳng thừng tuyên bố: "Việc khởi kiện (của SSA) một cách vô lý, và vì lợi ích thiển cận của một nhóm các nhà đánh bắt tôm ở miền Nam thoạt đầu làm cho người ta để tưởng rằng mọi việc sẽ kết thúc theo kiểu "basa Việt Nam". Nhưng mọi việc không đơn giản như vậy, vì 250.000 việc làm, vì lợi ích của hàng triệu người tiêu dùng, đã đến lúc người Mỹ không thể làm ngơ trước một vụ kiện bất công".

Tưởng rằng không cần phải dẫn thêm nữa ý kiến phản đối của người Mỹ ra đây, bởi vụ việc này giờ đã trở thành "cuộc chiến trong lòng nước Mỹ". Không có gì bất ngờ khi mà việc chống lại SSA được hình thành có tổ chức. "Đội đặc nhiệm tôm" ra đời với sự liên kết của Liên minh hành động ngành công nghiệp tiêu thụ Mỹ (CITAC) và Hiệp hội Phân phối thủy sản Hoa Kỳ (ASDA) chính thức công bố website riêng tại địa chỉ: http://www.citae.info/shrimp để tập hợp người tiêu dùng và các tổ chức Mỹ chống lại vụ kiện.

Thế nhưng, chân lý không phải bao giờ cũng thắng kiện ở Mỹ (!).

Dư luận hẳn chưa quên vụ kiện Việt Nam bán phá giá cá basa của Hiệp hội chủ cá nheo Mỹ (CFA). Vụ kiện vô lý ấy đã kéo dài hơn một năm và kết thúc bằng phán quyết bất công là trừng phạt tài chính đối với cá ba sa Việt Nam bán vào thị trường Mỹ. DOC đã từng cử phái đoàn điều tra đến đồng bằng sông Cửu Long tận mắt chứng kiến quá trình nuôi, chế biến, và tất cả đều công nhận đó là một quy trình khép kín. Mặc dù vậy, DOC vẫn quyết định bất công cho cá basa Việt Nam. Có một điều ngược đời là, trong khi rao giảng tự do hóa thương mại, thay vì khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, các nhà chức trách Mỹ thường áp dụng các biện pháp như hạn ngạch và thuế cao nhằm bảo hộ các nhà sản xuất trong nước.

Người ta cũng chưa quên Mỹ đã từng áp thuế trừng phạt 30% trong vòng ba năm đối với thép nhập khẩu từ châu Âu. Tháng 11-2003, Mỹ cũng châm ngòi cho cuộc chiến thương mại với Trung Quốc về hàng điện tử. Trước đó, Mỹ cũng đã căng thẳng với Trung Quốc về hàng dệt may. Trong các vụ tranh chấp thương mại quốc tế, Mỹ luôn áp dụng chân lý của kẻ mạnh, đòi tự do hóa một chiều, hàng hóa Mỹ thoải mái vào thị trường nước khác trong khi hàng hóa nước khác vào Mỹ nếu ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, sẽ bị trừng phạt bằng luật chống phá giá.

Trở lại với vụ Asia Hawai Ventures kiện DOC. Trong một bối cảnh đã được phân tích như trên, thì đây là một phản ứng cần thiết và kịp thời. Có một điều chắc chắn rằng Asia Hawai Ventures không đơn độc, bởi bên cạnh họ không chỉ có các doanh nghiệp Việt Nam mà có cả doanh nghiệp các nước: Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Brazin và Ecuađo. Phản ứng đó cần được khuyến khích để tạo nên tiền lệ các doanh nghiệp sẵn sàng đấu tranh cho công bằng, cho tự do thương mại đúng nghĩa.

Asia Hawai Ventures kiện DOC không phải là "con kiến kiện củ khoai" mà nó đúng hơn với hình ảnh "châu chấu đá xe". Trong dân gian Việt Nam đã chẳng từng lưu truyền rằng: "Nực cười châu chấu đá xe - Tưởng rằng chấu ngã ai dè xe nghiêng" đó sao?.

. Huỳnh Hiếu

(Báo Phú Yên)

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Trăn trở ở Nhơn Hội  (27/05/2004)
Kà Xim - nước sạch đã về   (26/05/2004)
Phát triển vùng dứa nguyên liệu - Vì sao còn chậm?   (26/05/2004)
Đổi thay ở Nhơn Lý   (26/05/2004)
Nghề trồng hoa huệ ở Phước Hiệp   (25/05/2004)
Giải pháp giảm thiểu và xử lý ô nhiễm môi trường cho làng nghề Bình Định  (23/05/2004)
Bình Định nhìn từ cổng giao tiếp điện tử  (23/05/2004)
Du lịch biển Nhơn Hải  (21/05/2004)
Liệu có vượt qua được sức ép về nguyên liệu sản xuất?   (20/05/2004)
Nan giải dịch tôm  (19/05/2004)
Công ty TNHH Thương mại Ánh Việt: Gia tăng năng lực xuất khẩu   (19/05/2004)
Một số vướng mắc ở khu trang trại tập trung chăn nuôi bò sữa Nhơn Tân  (18/05/2004)
Hợp tác kinh tế Bình Định - TP.HCM góp phần để Bình Định phát triển  (18/05/2004)
Qua thanh tra hoạt động kinh doanh nhiên liệu trên địa bàn tỉnh: Người tiêu dùng đang bị móc túi   (17/05/2004)
Doanh nghiệp với công nghệ thông tin: Hai mặt của một vấn đề  (16/05/2004)