Hiện nay, trong khi một số người nuôi bò sữa (từ hộ cá thể đến trang trại tập thể) trong tỉnh đang gặp khó khăn thì ở HTX NN 1 Nhơn Lộc (An Nhơn), đàn bò sữa đang phát triển vững chắc và mang lại cho HTX một nguồn thu ổn định…
Vào tháng 11-2002, HTXNN 1 Nhơn Lộc (An Nhơn) đã vay của Quỹ Đầu tư - Phát triển hơn 300 triệu đồng để mua 14 con bò sữa về nuôi. Sau một năm rưỡi, hiện đàn bò của HTX đã tăng thêm 14 con và có thêm 10 con đang mang thai. Tổng giá trị đàn bò sữa của HTXNN Nhơn Lộc hiện nay được định giá khoảng 400 triệu đồng.
|
Trang trại bò sữa của HTX Nhơn Lộc |
Theo ông Cao Văn Nghĩa - Chủ nhiệm HTX: "Bình quân mỗi con bò cho từ 15-16kg sữa/ngày. Suốt chu kỳ cho sữa của 1 con bò (300 ngày) HTX thu được từ 4.000 - 4.200 kg sữa. Với giá bán 3.100đ/kg, sẽ thu được trên dưới 12 triệu đồng; trừ mọi khoản chi phí thức ăn, chăm sóc… còn lãi trên 5 triệu đồng". Khi chúng tôi hỏi "bí quyết" nào đã giúp HTXNN 1 Nhơn Lộc có được thành công này, ông Cao Văn Nghĩa cho biết: "Ngay từ đầu chúng tôi đã rất quan tâm đến khâu chọn giống. Rút kinh nghiệm từ những người đi tiên phong trong phong trào nuôi bò sữa trên địa bàn, chúng tôi nhận thấy khi chọn giống không tốt, bò sẽ bị vô sinh từ 20-30%. Nhưng nếu chọn được giống tốt thì bò sẽ đẻ 100% và sau khi đẻ chỉ chừng 2-3 tháng là chúng lại tiếp tục động dục. Tiếp đến, phải xác định bò sữa là một loại bò "quý tộc" nên chúng cần có một chế độ chăm sóc đặc biệt, nhất là chế độ ăn uống nhằm đáp ứng đủ nhu cầu bảo đảm việc duy trì năng lượng cơ thể và sức sản xuất sữa của chúng…".
Đàn bò của HTX Nhơn Lộc 1 được đáp ứng đủ thức ăn thô xanh (rơm và cỏ) với chế độ ăn: từ 30-35kg cỏ + 5-7kg rơm + 5-7 kg thức ăn tinh/con/ngày và một số chất khoáng khác (muối, mật… trong tảng liếm) nhằm bổ sung các chất trung vi lượng cho bò. Vấn đề tổ chức sản xuất cũng là một yếu tố quan trọng dẫn đến hiệu quả kinh tế của việc nuôi bò sữa. Tuy là "của tập thể" nhưng đàn bò của HTXNN 1 Nhơn Lộc được chăm sóc rất chu đáo. HTX hợp đồng 1 cán bộ thú y và một lao động chuyên trách việc chăm sóc đàn bò. Mỗi tháng HTX trả công chăm sóc từ 1 - 1,2 triệu đồng/ 2 người/tháng. Người chăm sóc bò còn được hưởng tiền thưởng trong việc vắt sữa (200đ/kg sữa) theo sản lượng sữa tiêu thụ. Ngoài ra họ còn được xem xét thưởng từ 5-7 ngàn đồng/1 kg tăng trọng của đàn bê sau khi cai sữa. Trong việc tiêu thụ, HTX cũng áp dụng một phương pháp rất linh hoạt. Sữa được bán đấu giá công khai tại trại bò cho những đại lý của Nhà máy sữa với giá bình quân 3.110đ/kg (trong khi đó tại trạm thu mua sữa An Nhơn giá sữa chỉ có 3.000đ/kg).
Ông Cao Văn Nghĩa cho biết thêm: "Nuôi bò mà không chủ động về đồng cỏ thì sẽ cầm chắc sự thất bại. Do đó trước khi đưa đàn bò về, chúng tôi đã thuê của UBND xã 3 ha đất để trồng cỏ. Về khoản rơm cho bò ăn thì không phải lo vì lượng phân chuồng sau khi dùng để bón cho đồng cỏ, số còn lại được hợp đồng bán cho một chủ trang trại nuôi cá nước ngọt trong xã với mức 250.000đ/tháng, đủ mua rơm cung ứng cho đàn bò".
Như vậy, nếu biết chọn giống và đầu tư chăm sóc đúng mức, nuôi bò sữa vẫn là một hướng làm ăn có hiệu quả kinh tế cao của người nông dân. Tuy nhiên, để phong trào chăn nuôi bò sữa phát triển mạnh hơn nữa, tỉnh Bình Định cần có thêm chính sách ưu đãi cho người nuôi bò sữa (ngoài những chính sách cho vay ưu đãi và hỗ trợ lãi suất). Đồng thời ngành chức năng cần tăng cường công tác tập huấn khoa học kỹ thuật để các hộ chăn nuôi bò sữa nắm vững và áp dụng có hiệu quả.
. Vũ Đình Thung
|