Nghề đan giỏ tre ở Đại Bình
11:53', 28/5/ 2004 (GMT+7)

Đời sống của nhân dân thôn Đại Bình, xã Nhơn Mỹ (An Nhơn) dựa vào sản xuất nông nghiệp là chính, nhưng đất đai ít, thời gian nông nhàn nhiều, vì vậy nghề đan giỏ tre do ông Nguyễn Công Minh ở xã Nhơn Hưng (An Nhơn) giới thiệu về đây đã thu hút nhiều lao động tham gia.

Ông Nguyễn Công Minh (bên trái) đang kiểm tra sản phẩm trước khi nhận hàng

Ông Nguyễn Công Minh cho biết: "Trước đây tôi sản xuất giỏ tre ở phạm vi gia đình. Công việc ngày càng phát triển và có nhiều người đến đặt hàng. Sản phẩm của gia đình tôi không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường, nên tôi mới tìm nơi phát triển nghề để thu mua lại sản phẩm cung cấp cho khách hàng. Sau khi khảo sát, tôi chọn thôn Đại Bình, vì địa phương này có nguồn nguyên liệu dồi dào và nhiều lao động nông nhàn có thể tham gia sản xuất giỏ tre. Lúc đầu công việc gặp không ít trở ngại, do bà con mới biết làm, sản phẩm chưa đạt chất lượng. Qua một thời gian được hướng dẫn kỹ thuật, tay nghề và kinh nghiệm của bà con đã được nâng cao, sản phẩm làm ra đẹp hơn và được khách hàng tín nhiệm…"

Khi đặt chân vào làng nghề đan giỏ tre Đại Bình, chúng tôi đã cảm nhận được sự phát triển của làng nghề. Từ đầu cho đến cuối làng, nhà nhà đan giỏ tre, cả người già và trẻ nhỏ cùng ngồi vót nan, đan giỏ… Ông Nguyễn Văn Tuấn, một nông dân ở địa phương làm thêm nghề đan giỏ, cho biết: "Ngày trước mọi chi tiêu trong gia đình tôi chỉ dựa vào mấy hột lúa, nhưng nay có thêm tiền công đan giỏ gánh bớt những khoản chi tiêu này. Một sào ruộng, nếu làm tốt thì sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi năm cho thu nhập hơn 700 ngàn đồng, đó là chưa kể công lao động của mình. Còn với nghề này, tuy ngày công không cao, khoảng 15 ngàn đồng, nhưng tranh thủ làm trong buổi trưa, buổi tối, lúc nông nhàn thì mỗi tháng cũng có thêm được mấy trăm ngàn". Không riêng gia đình ông Tuấn, ở đây còn có nhiều hộ gia đình xem nghề đan giỏ tre cùng với làm ruộng là nguồn thu nhập chính của gia đình.

Đánh giá về tác động của làng nghề đối với đời sống của người dân thôn Đại Bình, ông Trần Văn Tố, Bí thư Đảng ủy xã Nhơn Mỹ, cho biết: "Nghề đan giỏ tre tuy chỉ mới phát triển 4-5 năm nay, nhưng đã thu hút và giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở đây. Hiện toàn thôn có gần 50 hộ tham gia, gồm khoảng 200 lao động, với mức thu nhập ổn định 400 ngàn đồng/người/tháng".

Điều đáng nói là người dân trong làng nghề không phải lo việc tiêu thụ sản phẩm. Tất cả sản phẩm do họ làm ra đều đã được ông Minh nhận bao tiêu. Theo ông Minh, hiện nay ông có hơn 20 khách hàng trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là ở các tỉnh Tây Nguyên. Với số lượng hàng tiêu thụ như hiện nay, ông có thể bao tiêu hết sản phẩm của làng nghề đan giỏ tre Đại Bình.

. Ngọc Thái

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Kinh nghiệm nuôi bò sữa ở Nhơn Lộc 1   (27/05/2004)
Có phải "con kiến đi kiện củ khoai"?   (27/05/2004)
Trăn trở ở Nhơn Hội  (27/05/2004)
Kà Xim - nước sạch đã về   (26/05/2004)
Phát triển vùng dứa nguyên liệu - Vì sao còn chậm?   (26/05/2004)
Đổi thay ở Nhơn Lý   (26/05/2004)
Nghề trồng hoa huệ ở Phước Hiệp   (25/05/2004)
Giải pháp giảm thiểu và xử lý ô nhiễm môi trường cho làng nghề Bình Định  (23/05/2004)
Bình Định nhìn từ cổng giao tiếp điện tử  (23/05/2004)
Du lịch biển Nhơn Hải  (21/05/2004)
Liệu có vượt qua được sức ép về nguyên liệu sản xuất?   (20/05/2004)
Nan giải dịch tôm  (19/05/2004)
Công ty TNHH Thương mại Ánh Việt: Gia tăng năng lực xuất khẩu   (19/05/2004)
Một số vướng mắc ở khu trang trại tập trung chăn nuôi bò sữa Nhơn Tân  (18/05/2004)
Hợp tác kinh tế Bình Định - TP.HCM góp phần để Bình Định phát triển  (18/05/2004)