Vừa qua, đề tài khoa học "xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn (RAT) tại TP Quy Nhơn" do Kỹ sư Đoàn Quang Khải cùng các cộng sự của Phòng NN và PTNT TP Quy Nhơn thực hiện, đã được Hội đồng khoa học chuyên ngành của tỉnh nghiệm thu và xếp loại khá. Thế nhưng đằng sau những thành công của đề tài, đang đặt ra một số vấn đề.
* Thành công bước đầu
|
Báo cáo kết quả thực hiện mô hình RAT tại hiện trường |
Đề tài "Xây dựng mô hình sản xuất RAT tại TP Quy Nhơn" xây dựng mô hình sản xuất RAT, tạo tiền đề quan trọng cho vấn đề triển khai, nhân rộng các mô hình này trên địa bàn TP Quy Nhơn nói riêng và của tỉnh nói chung. Với mục tiêu: xác định đồng bộ các giải pháp công nghệ để xây dựng mô hình sản xuất RAT và tiêu thụ sản phẩm RAT; đề xuất các giải pháp quản lý sản xuất, tiêu thụ và dịch vụ sản phẩm để phát triển vùng RAT, trên quy mô phù hợp, đề tài đã xây dựng hoàn chỉnh các quy trình sản xuất 11 loại RAT, bảo đảm sản phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, bảo đảm năng suất, hiệu quả cho người trồng rau, đồng thời góp phần cải tạo đất và bảo vệ môi trường.
Ngay trong thời gian thực hiện đề tài, với những thành công bước đầu, cơ quan chủ trì đề tài là Phòng NN&PTNT TP Quy Nhơn đã triển khai mở rộng đề tài để tăng cường sản xuất và tiêu thụ RAT. Ngoài 33 hộ nông dân khu vực 8, phường Nhơn Phú tham gia mô hình của đề tài (trên diện tích canh tác 1 ha, trong đó 200m2 trong nhà lưới và 9.800 m2 ngoài trời), Phòng NN&PTNT thành phố đã mở 6 lớp tập huấn với sự tham gia của 328 hộ nông dân ở các phường Nhơn Phú, Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân; đồng thời tổ chức khảo sát địa điểm để các hộ nông dân này thực hiện cam kết sản xuất RAT. Đã có một số hộ, sau khi được tập huấn đã đăng ký sản xuất theo quy trình RAT với nhiều loại rau khác nhau.
Trong vòng 18 tháng thực hiện đề tài, kể từ tháng 9-2002, vườn rau 1 ha của mô hình đã cho thu hoạch hơn 100 tấn rau các loại, cung cấp cho cửa hàng RAT tại chợ Lớn Quy Nhơn, các hộ bán buôn và cung ứng theo địa chỉ, trước mắt là cung ứng RAT cho 10 trường mẫu giáo trên địa bàn thành phố.
Thành công của đề tài đã thúc đẩy TP Quy Nhơn và các phường Nhơn Phú, Nhơn Bình, Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân đưa chỉ tiêu phát triển sản xuất RAT vào Nghị quyết của Đảng ủy, HNND các cấp, phấn đấu đến năm 2010 nâng diện tích RAT của thành phố lên 227 ha. Trước mắt, trong năm nay, HTXNN Nhơn Phú 2 lập dự án phát triển 15 ha; hoạt động của HTX cũng chuyển dần sang hướng cung cấp dịch vụ sản xuất RAT. Ngoài ra, để nhân rộng mô hình trồng RAT, mới đây, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch cho 11 huyện thành phố, mỗi nơi tìm địa điểm thích hợp để trồng từ 1 - 2 ha RAT.
Như vậy, có thể thấy, thành công của đề tài đã bước đầu tạo ra một kết quả khả quan. Theo Hội đồng khoa học chuyên ngành của tỉnh tại buổi nghiệm thu, đề tài đã góp phần tăng thu nhập cho người trồng rau, bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất và tiêu dùng, và bảo vệ được môi trường sinh thái cho cộng đồng. Kết quả của đề tài tạo cơ sở ban đầu cho việc hình thành vùng RAT chuyên canh của thành phố, và cả của tỉnh nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu về RAT cho người tiêu dùng.
* Vấn đề đặt ra
Theo những người thực hiện đề tài, việc ứng dụng đề tài gặp những khó khăn nhất định. Khó khăn lớn nhất là hầu như phải thay đổi toàn bộ thói quen về canh tác, sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật tùy tiện của người nông dân ở một vùng đất mà người dân đã trồng rau từ lâu. Thứ hai là thói quen chỉ trồng một loại rau của bà con, không xen canh, luân canh cây trồng khác làm cho chủng loại rau nghèo nàn, chưa kể còn tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển trong đất.
Tuy vậy, có lẽ khó khăn lớn nhất là ở phía người tiêu dùng. Về tâm lý, người tiêu dùng nào cũng muốn ăn rau sạch, RAT. Nhưng một số người tiêu dùng mua rau ở cửa hàng RAT đã chê rau ở cửa hàng không đẹp, giá đắt (giá RAT cao hơn giá rau chợ khoảng 30-50%). Thậm chí một số người tỏ thái độ không tin tưởng rau bày bán trong cửa hàng là RAT. Ngoài ra, chi phí sản xuất RAT cũng khá cao, nếu tính hết các chi phí này vào giá thành rau thì người tiêu dùng không chấp nhận được.
Chính vì vậy, vấn đề đặt ra là phải đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động người trồng rau và người tiêu dùng thay đổi thói quen canh tác và tiêu dùng, để càng ngày càng có nhiều người sản xuất và sử dụng RAT hơn.
. Khánh Hoàng
|