Người giữ lửa cho làng nghề truyền thống
10:51', 1/6/ 2004 (GMT+7)

Làng nghề đúc đồng mỹ nghệ truyền thống Kim Châu ở thị trấn Bình Định (An Nhơn) có từ khá xưa và khá nổi tiếng. Những năm gần đây, dù làng nghề đang dần mai một nhưng vẫn có một người trẻ tuổi đang âm thầm quyết giữ nghiệp cha ông, góp phần giữ lửa cho làng nghề. Đó là anh Đỗ Văn Tuấn (32 tuổi), chủ cơ sở đúc đồng Đức Tuấn, hậu duệ thứ tư của dòng họ Đỗ - một dòng họ có truyền thống đúc đồng.

Anh Tuấn với những sản phẩm đã hoàn chỉnh

Năm 14 tuổi, anh Tuấn đã bắt đầu bước vào nghề đúc đồng. Đến năm 1995 anh mở lò đúc riêng tại nhà. Nhưng sản phẩm làm ra không được tiêu thụ mạnh, vì vậy anh quyết định khăn gói lên đường ra Hà Nội, vào TP Hồ Chí Minh để giới thiệu sản phẩm. Những nỗ lực đó đã giúp sản phẩm của anh dần được thị trường chấp nhận. Chính vì vậy năm 1997, anh mở rộng lò đúc, trang bị thêm các phương tiện sản xuất, cải tiến kỹ thuật, thuê thêm công nhân để tăng năng lực sản xuất. Đến năm 1999, anh đã nghiên cứu và sản xuất thành công nhiều bộ đèn thờ to quá kích cỡ, cao từ 1,1m trở lên, nặng trên 50 kg, mà không phải cơ sở đúc đồng nào cũng làm được. Anh còn tự mày mò đúc ra 6 bức tượng Chăm giả cổ mà khi đưa ra thị trường, khách hàng rất thích thú vì nó rất giống đồ cổ như thật.

Không dừng lại ở đó, năm 2003, anh Tuấn đã lập "Dự án đầu tư sản xuất nghề đúc đồng mỹ nghệ truyền thống Kim Châu", xin vay vốn 500 triệu đồng để mở rộng và đổi mới kỹ thuật đúc đồng. Với dự án này, anh sẽ đổi mới trang thiết bị đúc đồng với công nghệ hiện đại nhằm tạo ra những sản phẩm có thể xuất khẩu. Dự án của anh đã được UBND thị trấn Bình Định, UBND huyện An Nhơn và Sở Công nghiệp Bình Định phê duyệt, đánh giá rất cao. Nhưng khi đem trình Dự án với Quỹ đầu tư phát triển tỉnh để xin vay vốn, thì anh nhận được câu trả lời: "Nguồn vốn cho vay của Quỹ đầu tư phát triển tỉnh trong năm 2003 gặp nhiều khó khăn do phải phục vụ các dự án trọng điểm của tỉnh, nên Quỹ chưa cân đối được nguồn vốn cho vay đối với dự án đầu tư sản xuất của cơ sở Đức Tuấn". 

Vậy là ý định mở rộng cơ sở của anh Tuấn tạm dừng lại. Anh tâm sự: "Nếu được mở rộng, cơ sở sẽ giải quyết được một lượng lớn lao động tại địa phương. Đồng thời sẽ tạo ra những sản phẩm tinh xảo, có thể cạnh tranh được với những làng đúc đồng khác trong nước. Nâng sản phẩm làm ra từ 7-8 tấn sản phẩm lên 20-30 tấn sản phẩm/năm". Hiện tại, cơ sở của anh Tuấn đang sản xuất trong một nhà xưởng khá chật hẹp, nằm ở phía sau ngôi nhà của gia đình. Chính vì thế, sản phẩm làm ra không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường, chỉ giải quyết được hơn 10 lao động cho địa phương, với mức thu nhập 750 ngàn đồng/người/tháng. Cũng do hạn hẹp đồng vốn, nên sản phẩm làm ra không thể bán trực tiếp cho các đại lý, mà phải qua các con buôn, nên số tiền lời cũng chẳng được bao nhiêu.

Anh Tuấn cho biết: "Chưa vay được vốn, trước mắt tôi cứ tiếp tục sản xuất nhỏ lẻ như thế này cái đã, để giữ chân khách hàng và cũng là cách để mọi người biết làng nghề đúc đồng ở Kim Châu vẫn còn. Chờ có cơ hội là tôi khôi phục, phát triển mạnh hơn". Hy vọng là anh sẽ đạt được ước nguyện của mình, góp phần làm cho làng nghề đúc đồng Kim Châu khôi phục và phát triển trở lại.

. Nguyễn Phúc

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Những nghịch lý trong chăn nuôi heo   (31/05/2004)
Hội chợ - Triển lãm "Hỗ trợ kinh tế biển Bình Định 2004": Một cơ hội cho các doanh nghiệp Bình Định   (31/05/2004)
Vì sao Dự án nuôi tôm Nhơn Phước tạm dừng thi công?  (30/05/2004)
Sản xuất và tiêu thụ rau an toàn: Những vấn đề đặt ra sau thành công của một đề tài khoa học   (28/05/2004)
Nghề đan giỏ tre ở Đại Bình  (28/05/2004)
Kinh nghiệm nuôi bò sữa ở Nhơn Lộc 1   (27/05/2004)
Có phải "con kiến đi kiện củ khoai"?   (28/05/2004)
Trăn trở ở Nhơn Hội  (27/05/2004)
Kà Xim - nước sạch đã về   (26/05/2004)
Phát triển vùng dứa nguyên liệu - Vì sao còn chậm?   (26/05/2004)
Đổi thay ở Nhơn Lý   (26/05/2004)
Nghề trồng hoa huệ ở Phước Hiệp   (25/05/2004)
Giải pháp giảm thiểu và xử lý ô nhiễm môi trường cho làng nghề Bình Định  (23/05/2004)
Bình Định nhìn từ cổng giao tiếp điện tử  (23/05/2004)
Du lịch biển Nhơn Hải  (21/05/2004)