Ngày môi trường Thế giới 5-6-2004: "Chúng ta muốn Biển và Đại dương sống hay chết?"
10:49', 4/6/ 2004 (GMT+7)

Đại Hội Đồng LHQ đã sáng lập Ngày Môi trường Thế giới vào năm 1972, đánh dấu ngày khai mạc Hội nghị Stockholm về Môi trường và Con người (5-6-1972). Đây cũng là ngày Chương trình Môi trường của LHQ (UNEP) ra đời. Ngày 5-6 hàng năm là dịp quan trọng để nâng cao nhận thức toàn cầu về môi trường.

Xóm nhà rầm, nơi trực tiếp thải rác bẩn xuống biển

Chương trình Môi trường LHQ đã chọn chủ đề Ngày Môi trường Thế giới năm nay là "Chúng ta muốn Biển và Đại dương sống hay chết?" (Wanted! Seas and Oceans - Dead or Alive?), thể hiện mối quan ngại sâu sắc về sự ô nhiễm của biển và đại dương và đặt con người trước sự lựa chọn mang tính chất sống còn của phần diện tích quan trọng này của trái đất (71% diện tích hành tinh).

Như chúng ta đã biết, biển đóng góp một phần quan trọng đối với đời sống của con người và xã hội. Sinh vật biển là nguồn lợi quan trọng nhất của con người, gồm hàng trăm ngàn loài động vật, thực vật và vi sinh vật. Sản lượng khai thác thủy sản từ biển và đại dương toàn thế giới liên tục gia tăng trong thời gian qua. Theo đánh giá của FAO, lượng thủy sản đánh bắt tối đa từ biển là 100 triệu tấn. Biển và đại dương là kho chứa hóa chất vô tận. Tổng lượng muối tan chứa trong biển là 48 triệu km3, trong đó có muối ăn, I ốt và 60 nguyên tố hóa học khác. Các loại khoáng sản khai thác chủ yếu từ biển như dầu khí, quặng Fe, Mn, quặng sa khoáng. Năng lượng sạch từ biển và đại dương khai thác từ gió, nhiệt độ nước biển, các dòng hải lưu và thủy triều… hiện đang được khai thác phục vụ vận tải biển, chạy máy phát điện và nhiều lợi ích khác của con người. Mặt biển và vùng thềm lục địa là đường giao thông thủy, biển là nơi chứa đựng tiềm năng cho phát triển du lịch, tham quan, nghỉ ngơi, giải trí... Bên cạnh đó, biển còn có tác dụng điều hòa khí hậu.

Bình Định có bờ biển dài 134km, diện tích vùng nội thủy 2.420km2 và nhiều đầm phá ven biển. Các vùng đất ngập nước này là kho lưu giữ nguồn tài nguyên sinh học to lớn của tỉnh. Biển Bình Định có 500 loài cá và 35 loài tôm cùng nhiều sản phẩm quý hiếm như yến sào, chình mun, hải sâm, tôm hùm, cua huỳnh đế... Biển còn mang lại cho tỉnh lợi thế về du lịch, kinh tế cảng biển. Vùng ven biển là vùng kinh tế tập trung, có mật độ dân cư đông đúc.

Tuy nhiên, biển và đại dương đang chịu nhiều sức ép về môi trường, do đã và đang được xem là "bãi rác khổng lồ" của con người. Công ước Luật biển năm 1982 đã chỉ ra 5 nguồn gây ô nhiễm biển:

- Các hoạt động trên đất liền: chất thải do hoạt động sinh hoạt và sản xuất (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ,..) của con người theo các dòng chảy sông suối ra biển.

- Do hoạt động thăm dò và khai thác tài nguyên (dầu khí, thủy sản,..) trên thềm lục địa và đáy đại dương.

- Thải các chất độc hại ra biển một cách có hoặc không có ý thức: Trong nhiều năm, biển sâu là nơi đổ các chất thải độc hại như chất thải phóng xạ, đạn, dược, bom mìn… của nhiều quốc gia trên thế giới.

- Hoạt động giao thông vận tải biển: rò rỉ dầu, sự cố tràn dầu của các tàu thuyền trên biển thường chiếm 50% nguồn ô nhiễm dầu trên biển. Bên cạnh đó, các tàu thuyền thường xuyên thải dầu cặn trực tiếp xuống biển.

- Ô nhiễm không khí: Nồng độ CO2 cao trong không khí sẽ làm lượng CO2 hòa tan trong nước biển tăng. Nhiều chất độc hại và bụi kim loại nặng được không khí mang ra biển. Sự gia tăng nhiệt độ không khí do hiệu ứng nhà kính sẽ gây tan băng ở 2 cực, làm dâng cao mực nước biển, thay đổi môi trường sinh thái biển.

Tại Bình Định, trong một thời gian dài, thủy sản ven bờ đã bị khai thác quá mức, thậm chí khai thác bằng các phương tiện hủy diệt. Trữ lượng hải sản của vùng biển Bình Định vào khoảng 60.000 tấn, khả năng khai thác khoảng 21.230 tấn mỗi năm. Hiện nay, sản lượng hải sản ngư dân Bình Định khai thác hằng năm tại ngư trường trong tỉnh ở khoảng 30.000 tấn.

Hoạt động nuôi trồng thủy sản không theo quy hoạch và không đảm bảo tuân thủ các yêu cầu về kỹ thuật cũng đã gây ảnh hưởng lớn đến vấn đề môi trường: như chặt phá rừng ngập mặn để nuôi tôm, đắp hồ nuôi thủy sản tràn lan, thải nước nuôi tôm không qua xử lý, gây dịch bệnh lớn cho thủy sản trong thời gian gần đây.

Hiện nay, ven biển Bình Định có nhiều cảng đang hoạt động: cảng Quy Nhơn, Thị Nại, Đống Đa, Đề Gi, Tam Quan... Trong đó, cảng Quy Nhơn là một cảng lớn, công suất 2 triệu tấn hàng hóa/năm. Trong khu vực cảng còn có kho xăng dầu cung ứng cho địa bàn cả tỉnh. Do vậy, ô nhiễm dầu do xả thải của các tàu thuyền, và nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu là khó tránh khỏi. Hoạt động khai thác tài nguyên ven biển (khoáng sản, vật liệu xây dựng, san hô) cũng là một tác nhân gây nên xói lở, sa bồi, làm thay đổi chất lượng môi trường. Mỗi ngày có hàng trăm ngàn m3 nước thải sinh hoạt và sản xuất từ các hộ gia đình, các cơ sở CN-TTCN, cơ quan… thải ra sông, biển.

Hậu quả tất yếu là môi trường biển nói chung cũng như môi trường biển ven bờ ngày càng bị ô nhiễm. Và chính sự ô nhiễm này lại tác động trở lại với con người chúng ta qua quá trình tích tụ các chất độc hại trong sinh vật biển và trở lại gây hại cho con người.

Do đó, chủ đề về Ngày Môi trường Thế giới năm nay càng có ý nghĩa thiết thực đối với một tỉnh ven biển miền Trung như Bình Định. Chủ đề này như một lời cảnh báo đối với cộng đồng đối với công cuộc bảo vệ môi trường biển, bảo vệ và biết sử dụng hợp lý món quà vô giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho chúng ta.

. Hà Hương

(Sở Tài nguyên - Môi trường Bình Định)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Dịch vụ roaming quốc tế - Cũ mà mới  (03/06/2004)
Công ty Cổ phần khoáng sản Bình Định: Hiệu quả sản xuất kinh doanh ngày càng tăng   (02/06/2004)
Cảng Thị Nại trong xu thế hội nhập  (01/06/2004)
Người giữ lửa cho làng nghề truyền thống   (01/06/2004)
Những nghịch lý trong chăn nuôi heo   (31/05/2004)
Hội chợ - Triển lãm "Hỗ trợ kinh tế biển Bình Định 2004": Một cơ hội cho các doanh nghiệp Bình Định   (31/05/2004)
Vì sao Dự án nuôi tôm Nhơn Phước tạm dừng thi công?  (30/05/2004)
Sản xuất và tiêu thụ rau an toàn: Những vấn đề đặt ra sau thành công của một đề tài khoa học   (28/05/2004)
Nghề đan giỏ tre ở Đại Bình  (28/05/2004)
Kinh nghiệm nuôi bò sữa ở Nhơn Lộc 1   (27/05/2004)
Có phải "con kiến đi kiện củ khoai"?   (28/05/2004)
Trăn trở ở Nhơn Hội  (27/05/2004)
Kà Xim - nước sạch đã về   (26/05/2004)
Phát triển vùng dứa nguyên liệu - Vì sao còn chậm?   (26/05/2004)
Đổi thay ở Nhơn Lý   (26/05/2004)