Hưởng ứng ngày Môi trường thế giới (5-6): Hãy giữ lấy biển
16:0', 4/6/ 2004 (GMT+7)

Biển và đại dương ngày nay phải chịu sức ép lớn về môi trường, gánh chịu sự khai thác đến cạn kiệt các nguồn lợi thủy sản của con người. Ở Bình Định, nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường biển còn thấp, nhiều hành vi phá hoại môi trường sinh thái biển đang từng ngày diễn ra. Ngày Môi trường thế giới năm nay với chủ đề: "Chúng ta muốn biển và đại dương sống hay chết", cũng là dịp để chúng ta nghiêm túc nhìn lại và suy ngẫm về những cách thức mà chúng ta đã ứng xử với biển.

* Nguồn tài nguyên biển ở Bình Định có gì?

Phương tiện xung điện xiếc máy trên đầm Thị Nại

Bình Định có bờ biển dài 134 km, với diện tích vùng nội thủy 2.420 km2 và nhiều đầm phá ven biển, rất nhiều lợi thế về khai thác kinh tế biển; có cảnh quan thiên nhiên đẹp để phát triển du lịch của tỉnh; có cảng biển quan trọng của miền Trung và Tây Nguyên; các vùng đất ngập nước ven biển, ven sông là kho lưu trữ nguồn tài nguyên sinh học vô giá của tỉnh. Biển Bình Định có trên 500 loài cá và 35 loài tôm và nhiều sản phẩm quý hiếm như: yến sào, hải sâm, tôm hùm, cua huỳnh đế… mà không phải địa phương nào cũng có. Ngoài ra, biển Bình Định còn tiềm ẩn nhiều nguồn lợi từ biển và đại dương hết sức đa dạng và phong phú như: nguồn hóa chất và khoáng chất chứa trong khối nước và đáy biển; có tiềm năng phát triển du lịch; nguồn cung cấp thực phẩm và dược phẩm quý giá cho con người… Nói chung chúng ta đang có trong tay một tài sản vô giá mà biển và đại dương đã dành tặng.

* Hãy dừng ngay những hành vi xâm hại biển

Theo nghiên cứu của Viện Quy hoạch và kinh tế thủy sản, thì trữ lượng hải sản của vùng ven biển Bình Định chỉ khoảng 60 nghìn tấn, để đảm bảo tính bền vững trong việc cân bằng sinh thái biển, chỉ nên khai thác khoảng hơn 20 nghìn tấn mỗi năm; nhưng ngư dân Bình Định đã khai thác hàng năm tại ngư trường trong tỉnh đến 30 nghìn tấn. Chúng ta chưa thực hiện tốt việc quản lý vùng cấm khai thác, những phương tiện cấm sử dụng như giã cào, lưới mắt nhỏ hoặc các dụng cụ đánh bắt mang tính hủy diệt như xiếc máy, xung điện, hóa chất, thuốc nổ vẫn còn diễn ra trên ngư trường toàn tỉnh (nhiều nhất là ở đầm Đề Gi và đầm Thị Nại). Việc khai thác vượt ngưỡng cho phép, chắc chắn sẽ đẩy vùng biển Bình định đi vào tình trạng suy thoái, khó hồi phục.

Các cá nhân, đơn vị nuôi trồng thủy sản không tuân theo quy hoạch và những yêu cầu kỹ thuật; chặt phá rừng ngập mặn (khu đông Tuy Phước) để nuôi thủy sản tràn lan, thải nước nuôi thủy sản không qua xử lý vào môi trường biển… đã gây suy thoái môi trường, nhiễm mặn một số vùng đất ven biển dẫn đến tình trạng ô nhiễm, dịch bệnh thủy sản lớn trong thời gian qua. Dễ nhận thấy nhất là sự ô nhiễm từ chất thải sinh hoạt hàng ngày của nhân dân, nhất là các khu đô thị ven biển (eo biển Quy Nhơn, khu Ghềnh Ráng, đầm Thị Nại), những nhà rầm. Ngay cả nguồn nước thải từ các bệnh viện mang theo nhiều vi trùng dịch bệnh, dễ lây nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường sống cũng được thải chung vào hệ thống thoát nước mưa, nước thải sinh hoạt. Đến nay mới chỉ có 5/16 bệnh viện ở Bình Định có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn. Ô nhiễm biển còn do hàng chục nghìn tấn hóa chất sử dụng trong nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu thải ra. Đồng thời mỗi ngày cũng có hàng chục nghìn khối nước thải ra chưa được xử lý, từ các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chảy ra lưu vực sông và ra biển. Giao thông đường thủy với các cảng biển: Quy Nhơn, Thị Nại, Đống Đa, Đề Gi, Tam Quan… với khoảng 6.000 ghe thuyền các loại, và nguy cơ ô nhiễm từ đội tàu ngày càng rõ ràng hơn. Sự cố tràn dầu ngày 10-8-1989 với hơn 200 tấn dầu FO tràn ra vịnh Quy Nhơn đã để lại sự ô nhiễm và hậu quả nặng nề cho vùng biển này. Và còn rất nhiều tác nhân khác làm phương hại đến môi trường sinh thái biển.

Đã đến lúc trách nhiệm cộng đồng cần phải được nâng cao hơn nữa trước sự sống còn của môi trường, của tài nguyên thiên nhiên biển và đại dương. Mấy năm qua, Bình Định đã và đang xúc tiến một số biện pháp mang tính chiến lược như xây dựng các đề tài: "Điều tra, khảo sát, nghiên cứu phục hồi hệ sinh thái và bảo tồn nguồn lợi vùng ngập mặn Cồn Chim" (2001-2004, của Sở Thủy sản), hoặc "Xây dựng mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học, quản lý hệ sinh thái dựa vào cộng đồng - đầm Thị Nại tỉnh Bình Định" (2003- Bộ Tài nguyên Môi trường và Sở Thủy sản Bình Định). Hoặc một đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, được Viện Hải dương học thực hiện ở Bình Định như: "Phục hồi hệ sinh thái rạn san hô và thảm cỏ biển"… và một số đề tài khác nhằm bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái biển. Tuy nhiên để cho "biển xanh" vấn đề quan trọng là mỗi tổ chức, mỗi cá nhân phải coi trọng việc thực hiện nghiêm chỉnh Luật Bảo vệ môi trường, là điều kiện tiên quyết để "biển và đại dương sống".

. Ngọc Diên

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Ngày môi trường Thế giới 5-6-2004: "Chúng ta muốn Biển và Đại dương sống hay chết?"  (04/06/2004)
Dịch vụ roaming quốc tế - Cũ mà mới  (03/06/2004)
Công ty Cổ phần khoáng sản Bình Định: Hiệu quả sản xuất kinh doanh ngày càng tăng   (02/06/2004)
Cảng Thị Nại trong xu thế hội nhập  (01/06/2004)
Người giữ lửa cho làng nghề truyền thống   (01/06/2004)
Những nghịch lý trong chăn nuôi heo   (31/05/2004)
Hội chợ - Triển lãm "Hỗ trợ kinh tế biển Bình Định 2004": Một cơ hội cho các doanh nghiệp Bình Định   (31/05/2004)
Vì sao Dự án nuôi tôm Nhơn Phước tạm dừng thi công?  (30/05/2004)
Sản xuất và tiêu thụ rau an toàn: Những vấn đề đặt ra sau thành công của một đề tài khoa học   (28/05/2004)
Nghề đan giỏ tre ở Đại Bình  (28/05/2004)
Kinh nghiệm nuôi bò sữa ở Nhơn Lộc 1   (27/05/2004)
Có phải "con kiến đi kiện củ khoai"?   (28/05/2004)
Trăn trở ở Nhơn Hội  (27/05/2004)
Kà Xim - nước sạch đã về   (26/05/2004)
Phát triển vùng dứa nguyên liệu - Vì sao còn chậm?   (26/05/2004)