Ngày 4-6, tại Quảng Ngãi, Bộ Thủy sản và Bộ Tài nguyên - Môi trường đã tổ chức hội thảo khoa học "Nuôi tôm trên cát: các vấn đề về môi trường và giải pháp". Bên cạnh những ưu điểm từ việc nuôi tôm trên cát mang lại, các báo cáo cũng đưa ra lời cảnh báo về hiểm họa môi trường từ các hồ tôm này. Các hồ tôm trên cát tại Phù Mỹ - Bình Định cũng không nằm ngoài lời cảnh báo đó.
* Đánh thức vùng cát
|
Một mô hình nuôi tôm trên cát |
Ở Bình Định đang sở hữu một diện tích cát khổng lồ với hàng ngàn ha, trong đó, số diện tích có khả năng nuôi tôm khoảng 1.000-1.300ha. Phần lớn số diện tích cát nói trên đều trong tình trạng hoang hóa, một số rất ít được trồng rừng. Lợi ích mang lại từ vùng cát này gần như không có gì. Từ năm 1999, thấy một số mô hình nuôi tôm trên cát ở Ninh Thuận và Quảng Ngãi mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số cư dân ở Bình Định đã tiến hành nuôi tôm trên cát ở Nhơn Lý (Quy Nhơn) nhưng thời tiết không ủng hộ nên các hồ tôm trên bị phá sản. Sau đó, phong trào nuôi tôm trên cát được triển khai rộng ở Tam Quan (Hoài Nhơn) nhưng tập trung nhiều nhất là ở Mỹ Thắng và Mỹ An (Phù Mỹ).
Qua hai năm triển khai các dự án nuôi tôm trên cát ở Phù Mỹ cho thấy, hiệu quả kinh tế từ các hồ tôm mang lại là rất lớn. Mặc dù chi phí đầu tư khá cao, bình quân một ao 3.000 mét vuông phải đầu tư từ 120-160 triệu đồng, song mỗi ha tôm thu lợi 250 triệu. Nếu không gặp các sự cố thì chỉ cần nuôi 2-3 vụ tôm là có thể lấy lại vốn và bắt đầu có lãi. Ưu thế nổi bật nhất từ việc nuôi tôm trên cát là môi trường nước biển ở đây khá trong sạch, người nuôi tôm chủ động trong việc bơm, tháo nước từ hồ, tránh được dịch bệnh cho tôm. Đây cũng là nơi không bị ảnh hưởng do lũ lụt như ở các cửa sông, do đó có thể nuôi tôm 3 vụ/năm mà không sợ thiên tai.
Những ưu thế kể trên đã khiến cho nhiều doanh nghiệp đổ xô vào đầu tư nuôi tôm trên cát. Vùng cát vốn ngủ quên từ ngàn đời, nay bỗng chốc sôi động hẳn lên.
* Cảnh báo
|
Thu hoạch tôm trên cát |
Cảnh báo trước tiên đối với vùng nuôi tôm trên cát ở Phù Mỹ theo báo cáo được trình bày tại cuộc hội thảo nói trên do Giáo sư Đặng Trung Thuận - Đại học Quốc gia Hà Nội soạn thảo là việc mâu thuẫn cộng đồng. Mâu thuẫn này phát sinh trong việc sử dụng diện tích cát để nuôi tôm giữa nhóm người nghèo và nhóm người giàu. Dân Mỹ Thắng, Mỹ An rất nghèo nên chỉ có thể đầu tư chừng một ao tôm (3.000 mét vuông) là cụt vốn, trong khi đó các "đại gia" ở Quy Nhơn ra Phù Mỹ đầu tư thì họ có thể "chiếm" từ 30 đến 100 ha! Điều đáng nói là, các "đại gia" này, sau khi đầu tư xây dựng cơ bản xong các hồ tôm thì sang nhượng lại để lấy chênh lệch. Thực chất họ không nuôi tôm nhưng vẫn có lãi!
Tuy nhiên, cảnh báo thu hút sự quan tâm của nhiều người dân vùng cát Phù Mỹ nằm trong dự án nuôi tôm là chuyện ô nhiễm môi trường và suy thoái nguồn nước. Theo tính toán của các nhà khoa học, mỗi ha tôm trên cát cần đến 50.000 mét khối nước ngọt. Trong khi đó, toàn bộ số diện tích cát đều nằm ở vùng khô hạn, quanh năm thiếu nước. Nguồn nước ngọt phục vụ cho các hồ tôm trên cát đều được lấy từ các giếng khoan tại chỗ. Trong khi đó, trữ lượng nước ngầm tại vùng cát Phù Mỹ rất hạn chế vì chỉ được bổ cấp hàng năm vào mùa mưa rồi tiêu thoát dần trong năm về phía đông ra biển và về phía tây vào dải đất trũng ven đầm Trà Ổ. Vào mùa khô, các mạch rỉ từ cồn cát cũng cạn nước. Nếu phát triển diện tích nuôi tôm trên cát ồ ạt, khai thác nước ngọt vượt quá khối lượng nước bổ cấp thì nguồn nước ngọt sẽ bị cạn kiệt là điều không tránh khỏi. Nguy hiểm hơn nữa là, một khi nguồn nước ngầm bị cạn kiệt thì cư dân Xuân Thạnh - Mỹ An sẽ không còn nước để dùng!
Bên cạnh đó, các ao nuôi tôm tại đây đều không có hệ thống xử lý nước thải chuẩn mực mà phần lớn là xả ra những chỗ đất trũng. Việc thẩm lậu từ các chất thải rắn này sẽ gây ô nhiễm nguồn nước trong vùng. Thống kê của các nhà khoa học cho thấy, bình quân mỗi ha tôm sẽ thải ra 8 tấn chất thải/vụ. Đây là thứ chất thải bao gồm cả những loại hóa chất, gây không tốt cho sức khỏe con người nếu nó thẩm lậu vào nguồn nước ăn của người dân.
Trên đây mới chỉ là những cảnh báo, song nếu tiếp tục phát triển nuôi tôm trên cát tại Phù Mỹ một cách ồ ạt, thiếu sự kiểm soát và quy hoạch bài bản thì sẽ mang lại hậu quả khó lường. Giáo sư Thuận cũng đưa ra những kiến nghị như: Lập quy hoạch tổng thể sử dụng đất cồn cát ven biển Phù Mỹ và quy hoạch chi tiết các khu vực phát triển nuôi tôm với hệ thống ao nuôi, cấp thoát nước và xử lý nước thải để đảm bảo môi trường ao nuôi, phòng chống dịch bệnh cho tôm đồng thời bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt của cư dân trong vùng. Tiến hành khoan một vài lỗ khoan địa chất thủy văn ngay trên cồn cát Mỹ Thắng - Mỹ An để xác định trữ lượng khai thác của nước ngọt trong cồn cát, tạo cơ sở khoa học cho việc điều tiết sử dụng nước ngọt và ngăn ngừa nguy cơ cạn kiệt nguồn nước.
Có lẽ những kiến nghị trên đây sẽ làm cơ sở cho các nhà quản lý tiến hành quy hoạch vùng nuôi tôm trên cát ở Phù Mỹ cũng như của Bình Định một cách bài bản hơn.
. Trần Đăng |