Hoài Ân: Ba hồ chứa nước đang… hấp hối
16:58', 7/6/ 2004 (GMT+7)

Đối với một huyện thuần nông như Hoài Ân thì các hồ chứa nước chính là "sự sinh tồn" của hàng vạn hộ nông dân. Vậy mà tại huyện này có 3 hồ chứa nước đang bị xâm hại nghiêm trọng do việc khai thác vàng ở khu vực rừng đầu nguồn.

Một góc hồ chứa nước Kim Sơn đã bị bồi lấp

Trước tiên phải kể đến hồ chứa nước Kim Sơn nằm trên địa bàn xã Ân Nghĩa, được xây dựng vào năm 1988. Hồ có sức chứa 1,8 triệu khối nước, cung cấp nước cho 60ha lúa 3 vụ và 20 ha đất màu trên địa bàn thôn Kim Sơn. Hồ chứa nước này đã góp phần tạo nên cuộc sống ổn định cho 560 hộ nông nghiệp ở đây. Ấy vậy mà trong nhiều năm qua, nạn khai thác vàng tại khu đầu nguồn Hố Cọp đã gây tác hại nghiêm trọng đến sức chứa của hồ chứa nước này. Nhất là trong 4 năm gần đây, việc cho phép khai thác vàng tại khu vực rừng bảo vệ đầu nguồn, với quy mô trên diện tích 20 ha, thì hồ chứa nước Kim Sơn đã phải chịu thêm một sự tàn phá lớn hơn. Ông Nguyễn Thành Công - Chủ nhiệm HTXNN Ân Nghĩa 1 - cho biết: "Lượng đất thải ra trong hoạt động khai thác vàng tại Hố Cọp là rất lớn. Do chỉ được ngăn chắn thô sơ bằng cây rừng nên vào mùa mưa, đất đá theo nước mưa trôi theo những con suối đổ xuống lấp hồ, hiện sức chứa của hồ đã giảm xuống chỉ còn khoảng 1,2 triệu khối. Do đó, những diện tích lúa ăn nước hồ gần đây thường xuyên bị thiếu nước vào vụ hè và vụ 3. Riêng trong vụ 3 năm 2003, vì không có nước để sản xuất nên bà con nông dân đã phải bỏ hoang hóa đến 1/2 diện tích (khoảng 30 ha). Không những thế, hóa chất thải ra trong hoạt động khai thác vàng theo đất tràn xuống hồ cắt đứt nguồn nước uống cho trâu bò làm ảnh hưởng không ít đến chăn nuôi, năm 2003 cá chết nổi trắng hồ. Chúng tôi đã phản ánh tình trạng này lên đến tỉnh, với các đại biểu Quốc hội về tiếp xúc cử tri nhưng mãi đến nay vẫn chưa có cấp nào can thiệp".

Tình trạng này cũng xảy ra tương tự tại hồ Đồng Quang nằm trên địa bàn HTXNN 2 Ân Nghĩa. Hồ này có sức chứa 1 triệu khối nước, cung cấp nước sản xuất cho 16 ha thuộc thôn Hương Quang (Ân Nghĩa). Đây cũng là nguồn sống chính của 120 hộ dân kinh tế mới. Nhiều năm qua, nạn đào đãi vàng trên đồi Hố Cốm cũng đã gây bồi lấp nghiêm trọng hồ này. Ông Dương Dạ Lâm - Chủ nhiệm HTXNN Ân Nghĩa 2 - cho biết: "Lúc cao điểm, trên đồi Hố Cốm có đến hàng trăm người tập trung về đào đãi vàng. Vào mùa mưa, lượng đất trôi xuống bồi lấp hồ rất lớn. Với tốc độ này thì chỉ 5 năm nữa thôi là hồ bị lấp cạn, theo đó 16 ha ruộng của thôn Hương Quang ắt cũng sẽ bị "xóa sổ" theo. Hiện nay, vụ hè đã không còn bảo đảm được nước tưới và hóa chất trôi xuống hồ đã làm ảnh hưởng đến năng suất lúa, từ 5 tấn/ha/vụ xuống còn khoảng 4 tấn/ha/vụ…". Về tình hình khai thác vàng trái phép tại khu vực Đồng Quang, ông Nguyễn Văn Bổ - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Hoài Ân - cho biết: "Mặc dù chúng tôi thường xuyên kiểm tra ngăn chặn, nhưng lực lượng khai thác vàng trong khu vực này chỉ làm thủ công nhỏ lẻ nên dễ lẩn tránh. Khi có lực lượng kiểm lâm đi kiểm tra thì chúng lẫn vào rừng, yên ắng rồi chúng lại tiếp tục. Ngăn chặn được chúng là rất nan giải…".

Còn hồ chứa nước Thạch Khê, mặc dù không bị bồi lấp như 2 hồ nói trên nhưng nguồn nước chứa của hồ này cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do nạn chặt phá rừng đầu nguồn. Ông Phạm Minh Tấn - Trưởng ban Quản lý Công trình thủy lợi Thạch Khê - Hóc Sim - cho biết: "Hồ Thạch Khê được xây dựng vào năm 1976, có dung tích 6 triệu m3 nước. Ảnh hưởng trực tiếp đến hồ này là hơn 500 ha rừng đầu nguồn. Mặc dù diện tích rừng này đã được giao khoán hết cho dân của 2 xã Ân Tường Đông và Ân Tường Tây quản lý nhưng chỉ mới hạn chế được nạn phá rừng làm rẫy, chứ nạn chặt cây, đốn gỗ vẫn còn diễn ra làm ảnh hưởng đến nguồn nước của hồ. Hiện hồ này đã mất đi một lượng nước bổ sung đáng kể, chỉ còn trông cậy cả vào lượng nước tích sẵn. Trong tình hình nắng hạn kéo dài như năm nay thì nước tưới cho vụ 3 e là không đáp ứng đủ…!". Ông Nguyễn Ngọc Tề - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân - bức xúc: "Trước thực trạng trên, huyện đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp tháo gỡ".

Xem ra ba hồ chứa nước nói trên sẽ không tránh khỏi "cái chết được báo trước" nếu không có các biện pháp cứu kịp thời.

. Vũ Đình Thung

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
ISO 14000 cho các doanh nghiệp Bình Định, tại sao không?   (07/06/2004)
Cảnh báo từ các hồ nuôi tôm trên cát tại Phù Mỹ  (06/06/2004)
Hưởng ứng ngày Môi trường thế giới (5-6): Hãy giữ lấy biển  (04/06/2004)
Ngày môi trường Thế giới 5-6-2004: "Chúng ta muốn Biển và Đại dương sống hay chết?"  (04/06/2004)
Dịch vụ roaming quốc tế - Cũ mà mới  (03/06/2004)
Công ty Cổ phần khoáng sản Bình Định: Hiệu quả sản xuất kinh doanh ngày càng tăng   (02/06/2004)
Cảng Thị Nại trong xu thế hội nhập  (01/06/2004)
Người giữ lửa cho làng nghề truyền thống   (01/06/2004)
Những nghịch lý trong chăn nuôi heo   (31/05/2004)
Hội chợ - Triển lãm "Hỗ trợ kinh tế biển Bình Định 2004": Một cơ hội cho các doanh nghiệp Bình Định   (31/05/2004)
Vì sao Dự án nuôi tôm Nhơn Phước tạm dừng thi công?  (30/05/2004)
Sản xuất và tiêu thụ rau an toàn: Những vấn đề đặt ra sau thành công của một đề tài khoa học   (28/05/2004)
Nghề đan giỏ tre ở Đại Bình  (28/05/2004)
Kinh nghiệm nuôi bò sữa ở Nhơn Lộc 1   (27/05/2004)
Có phải "con kiến đi kiện củ khoai"?   (28/05/2004)