Cây sầu đâu thường mọc tự nhiên ở rừng hay trong vườn nhà, được dùng làm cột, sườn nhà hoặc đồ mộc gia dụng, nhưng không phổ biến lắm. Hiện nay gỗ sầu đâu bán chạy, nên nhiều người dân ở An Lão đã phát triển trồng loại cây này.
Anh Trần Văn Toàn, ở xã An Hòa - An Lão, một trong những người chuyên thu mua gỗ sầu đâu trong vườn của người dân ở huyện An Lão và vận chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh bán lại, cho biết: "Vài năm nay, từ khi gỗ sầu đâu được sử dụng để đóng các loại vật dụng như bàn, ghế, tủ để ti vi… thì tôi bắt đầu thực hiện việc mua gom gỗ và đã bán hơn 500m3. Trung bình, tôi mua một khối gỗ tại An Lão với giá 1,5 triệu đồng và vào trong kia bán lại được hơn 2 triệu đồng. Sản phẩm làm ra từ gỗ sầu đâu được các doanh nghiệp chế biến lâm sản ở Bình Định và thành phố Hồ Chí Minh xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Hiện tại, gia đình tôi có khoảng 7ha đất trồng hơn 1.000 cây sầu đâu ở tại xã An Quang".
Qua mấy năm trồng sầu đâu, một số người dân An Lão cho biết: Cây sầu đâu có ưu thế hơn so với các loại cây gỗ bản địa và cây nguyên liệu giấy về thời gian sinh trưởng cũng như hiệu quả kinh tế mang lại. Trung bình một cây sầu đâu khoảng 7 năm tuổi ở An Lão có đường kính gốc 50cm được bán với giá 500.000 đồng, có cây lớn hơn bán được cả triệu đồng. Dưới tán cây sầu đâu có thể tận dụng trồng xen mì và dứa theo hình thức lấy ngắn nuôi dài… Trung bình một ha trồng 500 cây sầu đâu. Theo giá sầu đâu tại An Lão thì một hộ gia đình trồng 1ha sầu đâu sau bảy - tám năm sẽ có thu nhập hơn 100 triệu đồng - một con số mà khó có loại cây trồng nào trên đất An Lão theo kịp. Việc trồng sầu đâu lại không tốn công chăm sóc nhiều, đây là cây bản địa, nên chỉ cần làm cỏ chăm bón chút ít lúc cây còn nhỏ, sau đó cây sinh trưởng và phát triển rất nhanh. Do đó, không chỉ riêng anh Toàn mà nhiều hộ khác đã thấy được điều này và tập trung trồng cây sầu đâu với hy vọng nó sẽ đem lại sự thay đổi tích cực về đời sống sau này. Cũng theo anh Trần Văn Toàn, với hiệu quả kinh tế của cây sầu đâu hiện nay thì nếu huyện không khuyến khích, hỗ trợ người dân vẫn phát triển mạnh loại cây này.
Theo ông Phạm Minh Dựng - Chủ tịch UBND huyện An Lão: Phong trào trồng sầu đâu trên địa bàn huyện phát triển mạnh trong khoảng 2 năm trở lại đây - khi mà giá trị kinh tế của nó mang lại cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác. Hiện nay, toàn huyện có khoảng 80ha cây sầu đâu được người dân trồng ở nương rẫy và trong vườn nhà. Nếu như trước đây, người dân chỉ chăm sóc và thu hoạch cây sầu đâu mọc tự nhiên thì nay đã có một bước chuyển mới là họ đã phát triển trồng đại trà. Đây là một sự chuyển biến về nhận thức trong cách làm ăn của bà con nông dân An Lão. Thay vì chỉ khai thác theo kiểu được chăng hay chớ thì họ đã có những tính toán để phát triển lâu dài và mang lại hiệu quả ổn định hơn. Cứ 1 ha người dân trồng các loại cây bản địa, sau khi kiểm tra, nếu tỷ lệ sống được 80% thì huyện hỗ trợ 1 triệu đồng. Chỉ tính riêng trong năm nay, An Lão đã hỗ trợ 40 triệu đồng để người dân trồng các loại cây bản địa như mây, sầu đâu, muồng đen… trong đó, tiền hỗ trợ trồng sầu đâu là 27 triệu đồng. Song song với việc hỗ trợ vốn, huyện tiếp tục thực hiện việc giao khoán đất theo Nghị định 163 để người dân tập trung phát triển kinh tế vườn rừng, nhất là cây sầu đâu.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm thế nào tìm đủ nguồn giống sầu đâu để người dân trồng tập trung. Do thói quen lâu nay, người dân chỉ nhổ giống sầu đâu trên rừng đem về trồng nên số lượng ít. Mặt khác, cây sầu đâu bản địa khi nhiều năm tuổi sẽ dễ bị rỗng ruột, hiệu quả kinh tế mang lại sẽ thấp hơn. Nói về vấn đề này, ông Phạm Minh Dựng cho biết: "Huyện An Lão đã đưa cây sầu đâu vào chiến lược phát triển lâm nghiệp của huyện từ nay cho tới những năm tiếp theo. Và chúng tôi sẽ hình thành một vườn nhân giống cây sầu đâu có khả năng cung cấp hàng chục nghìn cây giống mỗi năm để người dân trong huyện trồng đại trà".
Bên cạnh hiệu quả kinh tế, việc trồng cây sầu đâu cũng rất có lợi đối với việc bảo vệ môi trường. Trước mắt nó hạn chế được tình trạng người dân lên rừng khai thác trái phép loại cây này. Việc trồng cây sầu đâu cũng đã góp phần phủ xanh diện tích đất trống đồi trọc và chống xói mòn ở những vùng đất triền dốc...
. Minh Quân |