Tái định cư hồ Định Bình: Cuộc sống mới đã lên màu
16:46', 8/6/ 2004 (GMT+7)

Đến thời điểm này, hàng trăm hộ dân vùng lòng hồ Định Bình (huyện Vĩnh Thạnh) đã chuyển đến các khu tái định cư. Tại đây, chúng tôi cảm nhận một nhịp sống mới náo nức đã bắt đầu...

* 70% công việc đã hoàn thành

Một góc khu tái định cư Suối Sem - Định Nhì 

Đường từ Định Bình vào khu tái định cư Suối Sem - Định Nhì (xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Thạnh) khá thuận. Con đường tuy chưa được bê tông hóa nhưng đã khá rộng rãi, bằng phẳng. Từ xa nhìn lại, trước mắt chúng tôi, những dãy nhà lợp tôn đỏ au, hãy còn nguyên màu vôi mới, như đang làm sáng lên cả một góc rừng. Gặp chúng tôi ở trung tâm khu tái định cư, ông Nguyễn Đức Chánh, Phó Ban Quản lý Dự án Di dân và Tái định cư hồ Định Bình, cho biết: "Theo quy hoạch, sẽ có 220 hộ đến tái định cư ở đây, hiện nay có 210 hộ đã di dời. Khu tái định cư này hiện đã được đầu tư khá hoàn chỉnh. Đấy, anh xem: điện, đường, rồi trường học, trạm xá, cả nhà làm việc UBND xã, cửa hàng nữa… nghĩa là đủ cả, chỉ chờ ráp vô là vận hành được thôi".

Làm việc với ông Nguyễn Thanh Tùng, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Thạnh, chúng tôi được biết, đến thời điểm này, 70% công việc ở những khu tái định cư đã hoàn thành. Ngoài Suối Sem - Định Nhì, các khu tái định cư khác ở Đồng Binh - Hà Nhe (Vĩnh Thịnh và Tây Thuận), Thạnh Quang (Vĩnh Hiệp) đều đã đón những cư dân lòng hồ về tái định cư. Theo Ban Quản lý Dự án, có 670 hộ dân lòng hồ hai xã Vĩnh Hảo, Vĩnh Kim sẽ được di dời xuống các khu tái định cư. Trong đó, theo quy hoạch khu tái định cư Suối Sem - Định Nhì (xã Vĩnh Quang) đã tiếp nhận 210 hộ; hai khu Đồng Binh và Hà Nhe đã có khoảng hơn 140 hộ đến tái định cư; riêng Thạnh Quang thì chỉ có 21 hộ. Hiện nay, các khu tái định cư này tuy chưa hoàn chỉnh hạ tầng bằng Suối Sem - Định Nhì nhưng đều đã có điện, đường, nước giếng… Ngoài ra, trong năm nay, 9km đường tại các khu tái định cư này sẽ được bê tông hóa.

* Cuộc sống đã lên màu

Theo chân ông Chánh, chúng tôi đi dọc cung đường chính khu tái định cư Suối Sem - Định Nhì. Bên những ngôi nhà xây khang trang, có gác lỡ, lát gạch men bóng loáng và những cần ăng-ten đang tủa lên bầu trời, đập vào mắt chúng tôi là sự khẩn trương của những hộ dân vẫn còn đang tất bật dựng nhà mới hay dựng thêm nếp nhà sàn phía sau. Những ngôi nhà, không khác nhau mấy về kiểu cách, quy mô, cách trang trí. Và chủ nhân những ngôi nhà mới cũng vậy, đều giống nhau ở ánh mắt đang ánh lên niềm vui.

Các hộ gia đình ở đây cho biết, họ được cấp 500m2/hộ nếu ở khu trung tâm, 1000m2/hộ đất ở với các khu khác và được tạm giao 1 ha sản xuất. Hiện nay, Ban Quản lý Dự án đang quy hoạch thêm vùng đất dưới 200 dốc để giao thêm đất sản xuất, đảm bảo cho mỗi hộ gia đình có từ 1 đến 3 ha đất sản xuất tùy theo nhân khẩu và quỹ đất. Hiện nay, 210 hộ gia đình đã đến tái định cư ở Suối Sem - Định Nhì đều đã ổn định chỗ ở và đang bắt tay vào sản xuất trên diện tích đất đã tạm giao.

Rẽ vào nhà bá Đinh Trung. Gia đình bá chuyển từ làng L6 xã Vĩnh Hòa từ tháng 9 năm 2003 và đã khánh thành nhà mới vào tháng 12 năm ngoái. Lúc chúng tôi đến, bá đang ở trên rẫy để chuẩn bị cho mùa trồng tỉa mới. Chờ mãi mới thấy bá túc tắc về. Tôi hỏi: "Bá còn luyến tiếc khi dời về nơi ở mới không?". Bá nói: "Tiếc lắm chứ. Đất đai buôn làng mình, ông bà mình mà. Nhưng phải di dời thôi. Được cái xuống đây đất cũng tốt lắm. Mình sẽ trồng điều, gieo đậu, và trồng để lại làm rượu cần nữa".

Bá kể, tiền đền bù được chừng 150 triệu, bá dồn vào xây ngôi nhà mới hết 85 triệu. Trông ngôi nhà mới 60m2 của gia đình bá khá khang trang, rộng rãi. Nghe tôi nhận xét vậy, bá cười và nói: "Tất nhiên là nhà mới phải khang trang, đàng hoàng hơn nhà cũ rồi. Nhưng phải làm thêm bếp rồi dựng thêm một mái nhà sàn nhỏ phía sau để tiếp khách, uống rượu ghè nữa mới gọi là hoàn chỉnh được". Nói rồi, bá giải thích thêm: "Cái nếp nhà sàn của người Bahnar mình, của ông bà mình, quên sao được. Đi đâu cũng phải dựng lại chớ".

Còn tại gia đình anh Đinh Bơ, một người dân làng K93, xã Vĩnh Kim, dọn về khu tái định cư này từ trước tết, lúc chúng tôi vào, hai bạn trẻ đang xem ca nhạc trên chiếc đầu đĩa VCD. Đinh Toàn, con anh Bơ, đang học lớp 9, vui vẻ: "Xuống khu tái định cư mới này, tụi trẻ lũ em vui lắm. Mua đĩa VCD rất tiện. Ra Định Bình là có ngay. Đấy, em đã sưu tập được một đống đĩa VCD nhạc trẻ rồi đây này. Còn ban đêm, thích đi chơi thì chỉ mất vài phút chạy xe ra Định Bình thôi". Ông nội Toàn, bá Hươu, thì cũng vừa chuyển từ Vĩnh Kim xuống được vài ngày. Bá tâm sự: "Tiếc cái rẫy của ông bà mình, với lại, mình còn sinh hoạt chi bộ trên ấy, nên chưa chuyển xuống. Chứ cũng muốn xuống đây, sớm ổn định, rồi giúp con, giúp cháu dựng cái nhà, dọn cái rẫy, chuẩn bị đất để trồng tỉa chớ".

Ngoài tiền đền bù, trung bình mỗi hộ dân tái định cư được Nhà nước hỗ trợ thêm khoảng 10 triệu đồng tiền vận chuyển, ổn định sản xuất, bắc công tơ điện và tiền gạo trong 1 năm (30kg/người/tháng trong 6 tháng đầu và 15kg/người/tháng trong 6 tháng sau)... Bên cạnh đó, Nhà nước cũng có chính sách hỗ trợ giống mới cho các hộ tái định cư để ổn định sản xuất.

Tạm biệt khu tái định cư Suối Sem - Định Nhì, chúng tôi chạy xe dọc theo triền núi thấp. Ngước mắt lên, những khu sản xuất đã lên xanh. Màu xanh của những đậu, màu của những cây mì, cây keo lá tràm đang chịu đất... Và trên hết, vẫn là màu của hy vọng, của tương lai đang ánh lên trên mỗi nếp nhà.

. Lê Viết Thọ

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
An Lão: Phát triển trồng sầu đâu lấy gỗ  (08/06/2004)
Hoài Ân: Ba hồ chứa nước đang… hấp hối   (07/06/2004)
ISO 14000 cho các doanh nghiệp Bình Định, tại sao không?   (07/06/2004)
Cảnh báo từ các hồ nuôi tôm trên cát tại Phù Mỹ  (06/06/2004)
Hưởng ứng ngày Môi trường thế giới (5-6): Hãy giữ lấy biển  (04/06/2004)
Ngày môi trường Thế giới 5-6-2004: "Chúng ta muốn Biển và Đại dương sống hay chết?"  (04/06/2004)
Dịch vụ roaming quốc tế - Cũ mà mới  (03/06/2004)
Công ty Cổ phần khoáng sản Bình Định: Hiệu quả sản xuất kinh doanh ngày càng tăng   (02/06/2004)
Cảng Thị Nại trong xu thế hội nhập  (01/06/2004)
Người giữ lửa cho làng nghề truyền thống   (01/06/2004)
Những nghịch lý trong chăn nuôi heo   (31/05/2004)
Hội chợ - Triển lãm "Hỗ trợ kinh tế biển Bình Định 2004": Một cơ hội cho các doanh nghiệp Bình Định   (31/05/2004)
Vì sao Dự án nuôi tôm Nhơn Phước tạm dừng thi công?  (30/05/2004)
Sản xuất và tiêu thụ rau an toàn: Những vấn đề đặt ra sau thành công của một đề tài khoa học   (28/05/2004)
Nghề đan giỏ tre ở Đại Bình  (28/05/2004)