Giải tỏa đường Xuân Diệu: Nỗi lo của người dân làm nghề biển
17:19', 9/6/ 2004 (GMT+7)

Theo thống kê của UBND phường Trần Phú, TP Quy Nhơn, toàn phường có 2.005 hộ nằm trong diện giải tỏa làm đường Xuân Diệu, trong đó có 484 hộ là chủ thuyền, 767 hộ đi bạn và nghề có liên quan đến biển. Họ đã sống và gắn bó với nghề biển từ bao đời nay. Chính vì vậy, khi di dời đến nơi ở mới trong lòng họ thấp thỏm với nỗi lo liệu có được tiếp tục làm nghề?

Tàu thuyền neo đậu tại bãi biển phường Trần Phú (ảnh: Viết Hiền)

Đường Xuân Diệu chính thức khởi công xây dựng từ tháng 3 năm 2003. Có chiều dài hơn 3 km, kinh phí 246 tỉ đồng, do UBND TP Quy Nhơn làm chủ đầu tư, nhằm giải phóng khu dân cư ven biển và tạo cảnh quan du lịch cho TP Quy Nhơn. Sau hơn một năm khởi công, công trình này chỉ mới thi công được gần 1 km nền đường và kè chắn sóng. Tiến độ thi công chậm do "vấp" phải khâu giải tỏa, bởi đa số hộ dân nằm trong diện giải tỏa là các chủ thuyền và những người làm nghề biển, nên khi chuyển họ đến nơi ở mới cũng cần phải tìm nơi phù hợp với nghề này.

Gia đình ông Bùi Tý ở tổ 15, khu vực 2, phường Trần Phú, có tổng cộng 14 người, đã gắn với nghề biển trên 30 năm. Khi được tin gia đình nằm trong diện giải tỏa phải di dời đến nơi ở mới, ông Tý không khỏi lo âu: "Không biết chúng tôi đến nơi ở mới có được tiếp tục làm nghề biển không? Sợ nhất là cái cảnh người dân làm nghề biển mà đưa lên núi sống thì có mà chết đói. Gia đình tôi cũng đã nhận tiền đền bù giải tỏa từ năm trước, nhưng đến nay vẫn chưa nhận đất vì chưa biết thế nào". Nỗi lo đó không riêng của ông Tý, mà còn là nỗi lo chung của 484 chủ thuyền ở phường Trần Phú nằm trong diện giải tỏa để làm đường Xuân Diệu. Ông Nguyễn Thi ở khu vực 3, phường Trần Phú, người đã có trên 50 năm gắn với nghề biển, tâm sự: "Vì sự phát triển chung của thành phố, chúng tôi sẽ ra đi. Nhưng ở nơi nào phải thuận tiện cho chúng tôi tiếp tục làm nghề".

Nỗi lo đó cũng là của những người đi bạn, những người sống "bám" vào biển. Ông Nguyễn Năm, ở khu vực 5, phường Trần Phú, một người đi bạn lâu năm giãi bày: "Nếu chuyển đi nơi ở mới, mỗi người một nơi thì rất khó cho việc ra khơi đánh bắt. Giống như một số anh em chuyên đi bạn giờ chuyển lên ở Xóm Tiêu, mỗi khi ra khơi phải đi xe ôm xuống, vừa tốn tiền, vừa mất thời gian. Có thuyền nhưng không có bạn thì cũng đành neo đậu thuyền ở nhà".

Ông Trần Thanh Lân, Chủ tịch UBND phường Trần Phú, cho biết: "Đối với các hộ không có thuyền, khi chuyển đến nơi ở mới ít khó khăn hơn. Còn đối với các hộ có thuyền, chúng tôi phải cân nhắc thật kỹ, nên đến nay chỉ mới di dời được 778 hộ vào Xóm Tiêu, trên tổng số 2.005 hộ. Hầu hết những hộ di dời vào Xóm Tiêu là không có thuyền. Còn 484 hộ có thuyền đang phải chờ khu tái định cư Bắc sông Hà Thanh xây dựng xong cơ sở hạ tầng". Nói như vậy nhưng những hộ di dời lên Xóm Tiêu không phải không gặp khó khăn nhưng họ đã biết vượt qua để ổn định cuộc sống nơi ở mới.

Để giảm bớt phần nào nỗi lo của người dân làm nghề biển nằm trong diện giải tỏa, các cơ quan chức năng của TP Quy Nhơn cũng đã có sự tính toán. Ông Lê Chánh, Giám đốc Ban quản lý Dự án Đầu tư và Xây dựng TP Quy Nhơn, đơn vị trực tiếp chịu trách nhiệm đền bù giải tỏa, cho biết: "Đối với các hộ có thuyền, chúng tôi rất trăn trở. Sau khi khảo sát nhiều nơi thì khu tái định cư Bắc sông Hà Thanh là phù hợp nhất. Hiện nay, chúng tôi cho tiến hành nạo vét dọc theo tuyến sông này để cho thuyền dời về đây neo đậu. Dự kiến đến cuối năm sẽ có 300 đến 400 hộ có thuyền được cấp đất đợt 1 tại đây. Sang năm 2005, chúng tôi tiếp tục giao đất cho các hộ còn lại".

Đó chỉ là một trong những giải pháp để giải tỏa nỗi lo âu cho bà con. Theo chúng tôi, để cho những người dân nằm trong diện giải tỏa, nhất là các hộ dân có thuyền đến nơi ở mới được yên tâm, tỉnh và TP Quy Nhơn nên có chính sách ưu đãi cũng như tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để họ tiếp tục gắn bó với nghề biển như bao đời nay.

. Nguyễn Phúc

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nghề chăn nuôi cừu có triển vọng   (09/06/2004)
Đi lên từ nghề đúc kim loại   (09/06/2004)
Tái định cư hồ Định Bình: Cuộc sống mới đã lên màu   (08/06/2004)
An Lão: Phát triển trồng sầu đâu lấy gỗ  (08/06/2004)
Hoài Ân: Ba hồ chứa nước đang… hấp hối   (07/06/2004)
ISO 14000 cho các doanh nghiệp Bình Định, tại sao không?   (07/06/2004)
Cảnh báo từ các hồ nuôi tôm trên cát tại Phù Mỹ  (06/06/2004)
Hưởng ứng ngày Môi trường thế giới (5-6): Hãy giữ lấy biển  (04/06/2004)
Ngày môi trường Thế giới 5-6-2004: "Chúng ta muốn Biển và Đại dương sống hay chết?"  (04/06/2004)
Dịch vụ roaming quốc tế - Cũ mà mới  (03/06/2004)
Công ty Cổ phần khoáng sản Bình Định: Hiệu quả sản xuất kinh doanh ngày càng tăng   (02/06/2004)
Cảng Thị Nại trong xu thế hội nhập  (01/06/2004)
Người giữ lửa cho làng nghề truyền thống   (01/06/2004)
Những nghịch lý trong chăn nuôi heo   (31/05/2004)
Hội chợ - Triển lãm "Hỗ trợ kinh tế biển Bình Định 2004": Một cơ hội cho các doanh nghiệp Bình Định   (31/05/2004)