Làm gì để có vùng nguyên liệu mía ổn định?
11:13', 10/6/ 2004 (GMT+7)

Không phải chỉ có nhà máy đường, mà bất cứ một nhà máy chế biến nông sản nào muốn tồn tại được, cần phải có một vùng nguyên liệu ổn định. Nhà máy đường Bình Định có nhiều thuận lợi so với các nhà máy đường trong cả nước là chưa năm nào phải thiếu nguyên liệu. Song, nếu như không có các biện pháp thích ứng để duy trì, sự thuận lợi đó rồi sẽ mất đi, khi còn có một số cây trồng mang lại hiệu quả cao hơn cây mía.

* Hiện trạng cây mía

Thu hoạch mía (ảnh: Duy Quyên)

Nhờ có một số chính sách hỗ trợ của tỉnh nhằm khuyến khích người nông dân trồng mía, nên đã có lúc, diện tích cây mía ở Bình Định tăng lên gần 12.000ha. Song, qua nhiều đợt tiêu thụ mía cây khó khăn, cộng với hiệu quả kém nên diện tích mía cứ giảm dần, và đến nay toàn tỉnh chỉ còn trên dưới 4.000ha. Bên cạnh đó, năng suất mía hiện nay còn rất thấp. Chỉ một ít diện tích đất màu mỡ, thường là nằm ven sông, có nước tưới, năng suất đạt từ 120 đến 140 tấn/ha. Hiện nay, diện tích mía được đầu tư thâm canh để có năng suất cao vẫn còn quá ít. Phần lớn diện tích đất đang trồng mía là vùng đồi, gò, thiếu nước tưới, năng suất chỉ đạt từ 30 đến 35 tấn/ha. Thậm chí có vùng, năng suất chỉ đạt từ 25 đến 27 tấn/ha. Theo số liệu của ngành Nông nghiệp, năng suất mía bình quân trong toàn tỉnh đạt từ 40 đến 42 tấn/ha. Với giá thu mua hiện nay của Công ty cổ phần đường Bình Định (CTCPĐBĐ) thì một ha mía, sau một năm trồng, chăm sóc, người nông dân chỉ thu được hơn 8 triệu đồng. Trừ mọi chi phí sản xuất (khoảng từ 50 đến 55%), trên một sào đất trồng mía, người nông dân lãi ròng được 200.000 đồng.

Mấy năm trước, khi giá đường trong nước và trên thế giới hạ thấp, các nhà máy đường chỉ thu mua và ép cầm chừng vì sản xuất ra càng nhiều đường càng lỗ. Thế nhưng, trong vụ ép vừa qua, giá đường tăng cao, đã xảy ra tình trạng tranh mua mía nguyên liệu giữa các nhà máy trong khu vực.

Thông thường, Nhà máy Đường Bình Định thu mua mía nguyên liệu ở ngoài tỉnh đạt từ 60 đến 65% trong tổng lượng mía của một vụ ép. Thế nhưng trong vụ mía vừa qua, nhà máy mua ở ngoài tỉnh chưa được 50% trong 230.000 tấn mía cây mà nhà máy đã sử dụng. Điều này nói lên rằng: đã đến lúc CTCPĐBĐ phải dựa vào vùng nguyên liệu ở "sân nhà" là chính chứ không thể dựa vào vùng nguyên liệu ngoài tỉnh như những năm trước.

* Những giải pháp

Ông Phan Lâm Tường, Phó Tổng giám đốc CTCPĐBĐ cho biết: "CTCPĐBĐ sẽ ký hợp đồng bảo hiểm giá mía cho người nông dân. Khi thị trường tăng giá thì công ty cũng tăng giá thu mua để người nông dân không bị thiệt thòi. Công ty còn tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nông dân trồng mía bằng cách đầu tư vốn ngay từ đầu vụ với mức từ 4 triệu đồng đến 8 triệu đồng trên 1ha. Ngoài ra, chúng tôi còn tiến hành đầu tư một số công trình giao thông, thủy lợi nhằm giảm chi phí vận chuyển, nâng cao năng suất và tăng thu nhập cho người trồng mía. Hiện giờ, chúng tôi cũng đang đầu tư các giống mía mới cho năng suất cao và có khả năng chịu hạn rất tốt. Trong vụ trồng mía năm nay, công ty sẽ đầu tư vốn cho 1.500ha đất trồng mía với tổng số tiền là 8 tỉ đồng". Một số giống mía cũ như F134, F156… đến nay đã thoái hóa, năng suất thấp, sẽ được thay thế bằng các giống mới nhập từ Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc để nâng cao năng suất cây mía. Các giống mía như ROC 18, R570, R579, K84-200 đang được CTCPĐBĐ nhân giống để đưa ra trồng đại trà. Trong số này có giống chịu được khô hạn như R570, trồng trên đất gò không tưới nước nhưng năng suất vẫn cao. Riêng giống K84-200, công ty cùng Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ triển khai trồng 15ha trong năm nay để nhân giống cho những năm tới. Giống mía này hiện được ươm trong túi bầu và đã trồng xong 6ha. Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm sẽ trồng 9ha còn lại.

Ông Thái Vĩnh Trường, Giám đốc Xí nghiệp nguyên liệu thuộc CTCPĐBĐ cho biết: "Giống mía K84-200 có hai ưu điểm lớn là: cho năng suất rất cao, khoảng 120 đến 140 tấn/ha nếu như thâm canh tốt. Đây là giống mía dài ngày nên có thể trồng rải vụ, tránh áp lực mía chín cùng một lúc, nhà máy phải thu mua quá nhiều trong một thời gian ngắn, vượt công suất hoạt động của nhà máy, và sau đó lại thiếu nguyên liệu". Như vậy, cùng với việc ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, đầu tư vốn cho nông dân để có điều kiện trồng, chăm sóc… việc chuyển giao các giống mới có năng suất cao cũng là một giải pháp để giúp cho người nông dân trồng mía nâng cao thu nhập.

Với nhiều biện pháp tổng hợp của CTCPĐBĐ nhằm tiếp sức cho người trồng mía trong tỉnh, hy vọng trong một vài vụ tới, năng suất cây mía ở Bình Định sẽ tăng cao, giúp cho người trồng mía có nguồn thu nhập khá hơn hiện giờ. Đây là việc làm cần thiết để duy trì vùng nguyên liệu mía không bị sút giảm, và cũng để cho lợi ích của nhà máy hòa quyện với lợi ích của người nông dân.

. Nguyễn Văn

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Giải tỏa đường Xuân Diệu: Nỗi lo của người dân làm nghề biển  (09/06/2004)
Nghề chăn nuôi cừu có triển vọng   (09/06/2004)
Đi lên từ nghề đúc kim loại   (09/06/2004)
Tái định cư hồ Định Bình: Cuộc sống mới đã lên màu   (08/06/2004)
An Lão: Phát triển trồng sầu đâu lấy gỗ  (08/06/2004)
Hoài Ân: Ba hồ chứa nước đang… hấp hối   (07/06/2004)
ISO 14000 cho các doanh nghiệp Bình Định, tại sao không?   (07/06/2004)
Cảnh báo từ các hồ nuôi tôm trên cát tại Phù Mỹ  (06/06/2004)
Hưởng ứng ngày Môi trường thế giới (5-6): Hãy giữ lấy biển  (04/06/2004)
Ngày môi trường Thế giới 5-6-2004: "Chúng ta muốn Biển và Đại dương sống hay chết?"  (04/06/2004)
Dịch vụ roaming quốc tế - Cũ mà mới  (03/06/2004)
Công ty Cổ phần khoáng sản Bình Định: Hiệu quả sản xuất kinh doanh ngày càng tăng   (02/06/2004)
Cảng Thị Nại trong xu thế hội nhập  (01/06/2004)
Người giữ lửa cho làng nghề truyền thống   (01/06/2004)
Những nghịch lý trong chăn nuôi heo   (31/05/2004)