Sau nhiều năm sử dụng các biện pháp hóa học, thủ công để diệt trừ bọ cánh cứng nhưng hiệu quả mang lại không cao. Năm nay, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh tiếp tục sử dụng phương pháp sinh học: đưa ong ký sinh để tiêu diệt bọ cánh cứng hại dừa…
|
Một cây dừa hai năm tuổi đang bị bọ cánh cứng gây hại |
Tháng 8-2000, bọ dừa bắt đầu xuất hiện và gây hại ở một số vườn dừa tại Quy Nhơn, sau đó lây lan ra các huyện khác. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 600.000 cây dừa bị bọ cánh cứng gây hại, tập trung chủ yếu ở huyện Hoài Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ … Ngoài cây dừa, bọ cánh cứng còn gây hại trên cả những cây thuộc họ dừa như: cau cảnh, dừa kiểng… Từ đó đến nay, hàng năm, UBND tỉnh đều đã phát động tháng đồng loạt ra quân phòng trừ bọ cánh cứng hại dừa, hỗ trợ tiền thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân 1.000 đồng/cây dừa; các địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động và tổ chức tập huấn chuyển giao các biện pháp phòng trừ bọ cánh cứng cho nông dân, nhưng hiệu quả của việc phòng trừ chưa cao, hàng ngàn cây dừa sau khi được phun thuốc phòng trừ năm trước, năm sau bị bọ cánh cứng gây hại trở lại.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên đã được bàn luận khá nhiều ở các cuộc hội nghị chuyên đề từ tỉnh đến cơ sở. Bọ dừa là một loại côn trùng có vòng đời khá dài, sinh trưởng và phát triển mạnh vào mùa nắng nóng, hoạt động chủ yếu vào ban đêm nên rất khó tiêu diệt. Bên cạnh đó, có một số địa phương xem nhẹ hiệu quả kinh tế cây dừa, không tổ chức phòng trừ, có nơi thì triển khai nhưng làm qua loa, đại khái… Mặt khác, ngành Nông nghiệp cũng chưa tìm được loại thuốc đặc trị bọ cánh cứng. Lâu nay nông dân đã dùng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật để phun lên những cây dừa bị bọ gây hại, có người kết hợp việc dọn vệ sinh trên cây dừa, chặt, đốt những lá dừa bị nhiễm bọ…, sau đó mới phun thuốc bảo vệ thực vật, nhưng vẫn không thể tiêu diệt hết được loài côn trùng gây hại này. Đã thế, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật còn gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, vật nuôi và môi trường xung quanh. Mất công, tốn tiền nhưng không đạt hiệu quả, nhiều nông dân không còn màng đến chuyện phòng trừ bọ cánh cứng nữa.
Năm 2004, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã phối hợp với Trường Đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh tiến hành nuôi cấy ong ký sinh vào con bọ cánh cứng, tạo thành một loại thiên địch nhằm tiêu diệt bọ cánh cứng. Ông Nguyễn Mạnh Thắng, cán bộ kỹ thuật Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: "Phương pháp này đã được các tỉnh Bến Tre, Phú Yên, Tiền Giang… áp dụng và bước đầu mang lại hiệu quả cao. Sử dụng phương pháp này sẽ mang lại nhiều lợi ích: không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, môi trường xung quanh, không tốn tiền và công sức của nông dân mà công tác phòng trừ bọ cánh cứng vẫn đạt hiệu quả cao hơn các phương pháp trước đây đã sử dụng. Hiện nay, Chi cục đã trình phương án sử dụng ong ký sinh để diệt trừ bọ cánh cứng lên UBND tỉnh xem xét, đồng thời tiếp tục nuôi cấy ong ký sinh vào bọ cánh cứng. Nếu được UBND tỉnh phê duyệt thì khoảng đầu tháng 7-2004, chúng tôi sẽ thả một đợt ong ký sinh đầu tiên vào một số vườn dừa ở huyện Hoài Nhơn, sau đó nhân ra diện rộng".
Dừa là cây trồng mang lại nhiều lợi ích cho nông dân, bên cạnh thu nhập trực tiếp từ quả dừa, những sản phẩm khác của cây dừa còn phục vụ cho sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ… góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng nghìn nông dân. Với việc đưa ong ký sinh vào các vườn dừa để diệt bọ cánh cứng, hy vọng công tác diệt trừ bọ cánh cứng sẽ mang lại kết quả khả quan hơn.
. Phạm Tiến Sỹ
|