Làng vôi Trường Úc: Tồn tại hay không tồn tại?
16:6', 14/6/ 2004 (GMT+7)

Làng vôi Trường Úc nằm ven sông Hà Thanh, thuộc thôn Phong Thạnh - thị trấn Tuy Phước (Tuy Phước), là nơi sản xuất vôi nổi tiếng. Tuy nhiều lúc thăng trầm, nhưng làng vôi Trường Úc vẫn tồn tại theo thời gian, vì nó đã gắn với cuộc sống của nhiều gia đình. Hiện nay, do nguồn nguyên liệu ngày càng trở nên khan hiếm, làng nghề đang đứng trước sự lựa chọn: Tồn tại hay không tồn tại?

* Cung không đủ cầu

 San hô vẫn từ biển về lò nung

Những năm 80 của thế kỷ trước có thể coi là thời hoàng kim của nghề sản xuất vôi ở Trường Úc, với sản lượng khá dồi dào, từ 25 nghìn đến 30 nghìn tấn vôi/năm. Sản phẩm vôi Trường Úc được phân thành 3 loại theo nhu cầu thị trường, gồm: vôi quét tường; vôi dùng cho công nghệ chế biến đường thủ công; và vôi cải tạo đất, ao hồ. Hiện tại 3 loại vôi này vẫn được duy trì sản xuất, tuy sản lượng có thấp hơn. Chị Đỗ Thị Điệp, chủ một lò vôi ở đây cho biết: "Năm 1991- 1992 Hợp tác xã vôi Trường Úc giải thể, chúng tôi mua lại cơ sở này và duy trì hoạt động cho đến nay. Cả làng nghề có 22 lò vôi xây dựng tập trung nằm dưới chân núi Trường Úc. Hiện nay làng nghề có 110 lao động làm việc thường xuyên, với mức thu nhập bình quân 540 nghìn đồng/người/tháng". Còn ông Trần Phú, 69 tuổi, có 46 năm gắn bó nghề làm vôi, tâm sự: "Bây giờ vôi sản xuất ra đến đâu, người ta đến mua hết ngay đến đó. Thị trường vôi rất lớn, làng vôi Trường Úc đáp ứng không đủ. Hơn nữa nguyên liệu sản xuất ra vôi bây giờ khan hiếm lắm".

Quan sát làng nghề, tuy nghe nói nguyên liệu khan hiếm nhưng chúng tôi thấy san hô vẫn còn chất đầy các bãi. Cứ 5 lao động phụ trách 1 lò chừng 3 tấn sản phẩm san hô đã nung xong, họ dùng dao chặt gọt bỏ chất đen bám bên ngoài, chỉ lấy lõi trắng bên trong, rồi cho vào máy xay ra vôi quét tường. Số san hô còn lại không được trắng dùng làm vôi cải tạo đất bán cho các nhà vườn. Còn vôi dùng chế biến đường thì sử dụng vỏ ốc, vỏ sò để nung. Bình quân 1 lò vôi một tháng sản xuất ra chừng 20 tấn vôi, tùy theo từng loại mà bán với giá 320 nghìn đồng/tấn vôi cải tạo đất, 450 nghìn đồng/tấn vôi quét tường, và 1,5 triệu đồng/tấn vôi làm mía đường. Chị Đỗ Thị Điệp cho biết thêm: "Giá vỏ sò, vỏ ốc, san hô mua vào quá cao, nên mỗi tấn sản phẩm sau khi trừ chi phí chỉ kiếm lời khoảng 50 nghìn đồng". Anh Nguyễn Tiến, người làm công cho các chủ lò vôi, bộc bạch: "Chúng tôi làm quanh năm không hết việc. Nghề này không nhọc nhằn lắm, cứ đưa san hô vào lò rồi cho than đá và trấu vào nung. Thu nhập tuy không cao nhưng có việc làm thường xuyên, bảo đảm đời sống".

Ước tính với 22 lò vôi hiện có thì mỗi năm Trường Úc sản xuất và bán ra thị trường trên 5 nghìn tấn vôi thương phẩm, thấp hơn nhiều so với trước. Trong khi đó nhu cầu vôi cho cải tạo hồ tôm hàng năm chỉ tính riêng 1.000 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản ở huyện Tuy Phước đã "ngốn" không dưới 3 nghìn tấn. Bên cạnh đó, vôi còn được bà con nông dân sử dụng nhiều trong sản xuất nông nghiệp, ở những vùng ruộng, vùng đất bị nhiễm phèn. Có thể nói sản lượng của làng vôi Trường Úc hiện nay không đủ đáp ứng thị trường.

* Tương lai làng nghề?

Nguyên liệu cho các lò vôi ở Trường Úc duy trì sản xuất như hiện nay, mỗi năm phải cần đến 7-8 nghìn tấn san hô, vỏ ốc, vỏ sò lấy từ biển. Do vậy nguy cơ phá vỡ môi trường sinh thái biển không thể tránh khỏi. Bà con làm nghề vôi rất hiểu điều đó nhưng vì cuộc sống nên không thể bỏ nghề. Giá 1 mét khối san hô biển trước đây từ 100-120 nghìn, thì nay lên tới 160-170 nghìn đồng. Chị Nguyễn Thị Minh Sen, ở thị trấn Sông Cầu (Phú Yên) chuyên bán san hô cho các lò vôi Trường Úc, cho biết: "San hô biển bây giờ không khai thác được vì đã có lệnh cấm. San hô mà tôi bán ra đây là mua của những người khai thác, cải tạo đìa tôm ở vịnh Xuân Đài (Phú Yên)". Tuy nhiên, có thể thấy rõ rằng nguyên liệu san hô mua từ Phú Yên không thể đáp ứng nhu cầu sản xuất hiện nay của làng vôi Trường Úc, nên các chủ lò vôi ở đây vẫn phải mua thêm nguyên liệu của những người khai thác san hô lén lút trên biển, với số lượng không phải là nhỏ.

Các chủ lò và những lao động chuyên sống bằng nghề này đều hiểu Nhà nước đang đầu tư khá nhiều công sức và kinh phí để khôi phục rạn san hô ở biển, đồng thời nghiêm cấm khai thác san hô. Nhưng một khi vẫn còn người bán nguyên liệu san hô thì họ vẫn làm, và khi nào mua không ra san hô nữa mới thôi. Cứ như vậy, có cung thì có cầu, có người mua san hô thì vẫn có những người lén lút khai thác san hô để bán, nên môi trường sinh thái biển luôn bị xâm hại.

Trước tương lai bấp bênh của nghề sản xuất vôi ở Trường Úc, các chủ lò vôi mong muốn với cơ sở hạ tầng sẵn có, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tạo điều kiện giúp họ chuyển nghề mới, một khi nghề sản xuất vôi không còn tồn tại, để họ có công ăn việc làm, ổn định cuộc sống. Và đó là một mong muốn chính đáng.

. Xuân Thức

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Dùng ong ký sinh để tiêu diệt bọ cánh cứng hại dừa   (14/06/2004)
Bình Định gần hơn trong mắt nhà đầu tư   (13/06/2004)
Nước trái cây: Hàng nội hấp dẫn người tiêu dùng  (11/06/2004)
"Tôi có cảm giác rất thoải mái khi ở Quy Nhơn"  (11/06/2004)
KCN Long Mỹ: Đang có "dịch" sang nhượng đất trái phép  (10/06/2004)
Làm gì để có vùng nguyên liệu mía ổn định?  (10/06/2004)
Giải tỏa đường Xuân Diệu: Nỗi lo của người dân làm nghề biển  (09/06/2004)
Nghề chăn nuôi cừu có triển vọng   (09/06/2004)
Đi lên từ nghề đúc kim loại   (09/06/2004)
Tái định cư hồ Định Bình: Cuộc sống mới đã lên màu   (08/06/2004)
An Lão: Phát triển trồng sầu đâu lấy gỗ  (08/06/2004)
Hoài Ân: Ba hồ chứa nước đang… hấp hối   (07/06/2004)
ISO 14000 cho các doanh nghiệp Bình Định, tại sao không?   (07/06/2004)
Cảnh báo từ các hồ nuôi tôm trên cát tại Phù Mỹ  (06/06/2004)
Hưởng ứng ngày Môi trường thế giới (5-6): Hãy giữ lấy biển  (04/06/2004)