Để thực hiện có hiệu quả chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích nông dân như: hỗ trợ giống, kỹ thuật, cho vay vốn với lãi suất ưu đãi… Nhờ vậy, sản xuất nông nghiệp Bình Định đã tạo được một số mô hình luân canh cây trồng đạt năng suất, hiệu quả cao.
|
Bắp lai, một loại cây trồng có hiệu quả kinh tế khá cao |
Theo Sở NN-PTNT, từ năm 2001 đến nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi được 26.537 ha đất sản xuất lúa ở chân ruộng cao, thiếu nước tưới, sang sản xuất các loại cây trồng cạn như: bắp lai, mì, đậu tương và các loại cây rau màu có giá trị kinh tế cao hơn. Để hỗ trợ nông dân tại các địa phương đã tổ chức tập huấn kỹ thuật, xây dựng các điểm trình diễn, các mô hình thâm canh, xen canh…
Hiện nay toàn tỉnh đã có 15 mô hình trồng trọt cho thu nhập đạt 50 triệu đồng/ha/năm trở lên. Đó là các mô hình: trồng xen canh ớt - đậu phộng vụ đông - xuân (ĐX) và hè - thu (HT), bắp lai vụ thu đông được thực hiện trên diện tích 120 ha ở xã Cát Minh, Cát Tài (Phù Cát); Mỹ Cát, Mỹ Hiệp, Mỹ Tài (Phù Mỹ). Thu nhập 72 triệu đồng/ha/năm; sau khi trừ chi phí còn lãi 51 triệu đồng. Mô hình trồng bông vải xen đậu phụng vụ ĐX và HT, hành vụ hè, bắp lai vụ đông thực hiện ở xã Cát Tài, Cát Hải (Phù Cát); Bình Tường, thị trấn Phú Phong (Tây Sơn); Mỹ An (Phù Mỹ) có giá trị thu nhập đạt 62,25 triệu đồng/ha/năm. Mô hình trồng thuốc lá sợi vàng vụ ĐX, dưa hấu vụ hè, bắp lai vụ 3 thực hiện trên qui mô 120 ha ở các xã Cát Lâm, Cát Tài (Phù Cát); Mỹ Cát, Mỹ Chánh (Phù Mỹ); Vĩnh Quang (Vĩnh Thạnh); Ân Tín, Ân Thạnh (Hoài Ân); An Tân, An Hòa (An Lão) cho mức thu nhập 93 triệu đồng/ha/năm. Cá biệt có mô hình trồng dưa hấu vụ ĐX, đậu nành vụ xuân - hè, dưa hấu vụ hè, bắp lai vụ 3 thực hiện ở xã Bình Nghi (Tây Sơn) đã cho mức thu nhập 259 triệu đồng/ha/năm. Đối với các vùng trũng dễ bị ngập úng, mô hình sản xuất lúa ĐX, trồng đậu nành hoặc dưa, mè vụ hè và trồng lúa hoặc bắp lai vụ 3, thu nhập từ 30 đến 60 triệu đồng/ha/năm.
Có thể nói, mục tiêu hướng đến cánh đồng cho thu nhập cao trên một đơn vị diện tích đã được nông dân Bình Định tích cực thực hiện. Ngành Nông nghiệp cũng đã có các giải pháp quy hoạch các vùng chuyên canh tập trung sản xuất các loại cây trồng như: mía, mì, dứa; gắn các vùng chuyên canh cây trồng với nhà máy chế biến để giải quyết đầu ra ổn định. Bước đầu đã hình thành vùng nguyên liệu dứa trên 500 ha gắn với nhà máy chế biến tại các huyện Hoài Ân, Hoài Nhơn, An Lão và khu vực bắc Phù Mỹ. Còn tại các huyện phía nam tỉnh, Công ty cổ phần Đường Bình Định đang xúc tiến xây dựng vùng mía thâm canh 4.000 ha có nước tưới tại các huyện Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, An Nhơn và Vân Canh…
Tuy nhiên việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Bình Định trong thời gian qua vẫn còn những hạn chế. Diện tích làm lúa bấp bênh có giảm, nhưng chưa đạt kế hoạch. Nhiều địa phương chưa chủ động thực hiện phương án chuyển đổi. Việc xác định các loại cây trồng để chuyển đổi chưa thật sự vững chắc và thiếu ổn định... Đây là các hạn chế cần sớm được khắc phục để tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng trên qui mô toàn tỉnh.
. Nguyễn Hân
|