|
Một hộ dân ở Mỹ An đang chế biến mặt hàng cá cơm xuất khẩu |
Thôn Xuân Bình thuộc xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ hiện có gần 17 cơ sở sơ chế cá cơm xuất khẩu, sản lượng tiêu thụ hàng năm trên 300 tấn cá cơm tươi các loại. Trung bình mỗi hộ thu nhập từ 10-20 triệu đồng/tháng, giải quyết trên 300 lao động với mức thu nhập 40.000-50.000đồng/người/ngày, đã góp phần cải thiện đời sống cho người dân địa phương, làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền biển này. Tuy nhiên, đằng sau những khoản thu nhập ấy, nghề chế biến cá cơm ở Xuân Bình đã gây ra những tác động xấu về môi trường nông thôn.
Do nghề sơ chế cá cơm hiện nay làm ăn được nên có nhiều hộ đầu tư mở rộng cơ sở với quy mô ngày một lớn hơn. Chính tình trạng tự phát ấy đã trở thành "lợi bất cập hại", đặc biệt là việc ô nhiễm môi trường. Nước thải từ nghề chế biến cá cơm được thải vô tội vạ, ô nhiễm cả một vùng quê. Ông Đinh Văn Tiên - Phó Giám đốc Sở Thủy sản - cho biết: "Quy hoạch làng nghề sơ chế cá cơm xuất khẩu tại thôn Xuân Bình là một việc làm hết sức cấp bách và cần thiết, vì tình trạng ô nhiễm môi trường tại đây đã quá nặng, không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của người dân địa phương mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi của các cơ sở sản xuất, do chất lượng vệ sinh không được đảm bảo".
Sau nhiều đợt kiểm tra tại địa phương, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án quy hoạch làng nghề sơ chế cá cơm Xuân Bình của Sở Thủy sản với tổng số vốn đầu tư là 825 triệu đồng dùng vào việc san ủi mặt bằng và xây dựng hệ thống cấp thoát nước… trên diện tích 6 ha, trung bình mỗi cơ sở được cấp 3.000m2. Mỗi cơ sở sản xuất phải tự đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và hệ thống điện nước. Đa số, những hộ làm nghề sơ chế cá cơm đều nhận thức được việc ô nhiễm môi trường tại địa phương, có nhiều hộ đã không thể sử dụng nguồn nước ngầm tại nhà để dùng trong sinh hoạt gia đình, nhưng nhắc đến vấn đề di dời cơ sở thì ai cũng lắc đầu.
Chị Nguyễn Thị Quyên - chủ một cơ sở sơ chế cá cơm ở thôn Xuân Bình - cho biết: "Để xây dựng một cơ sở mới tại nơi quy hoạch, thì gia đình tôi cần ít nhất là 40-50 triệu đồng. Trong khi đó nghề này đòi hỏi phải có nguồn vốn lưu động khá lớn, chúng tôi còn phải đang vay "nóng" để sản xuất thì rất khó cho việc di dời cơ sở".
Thôn Xuân Bình được thành lập năm 1994, gần 140 hộ sinh sống tại đây được nhà nước cấp đất và hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng nhà ở. Đa số các hộ đều chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đất, nên cũng rất khó trong việc thế chấp vay vốn ngân hàng. Ông Nguyễn Trọng Yến - Chủ tịch UBND xã Mỹ An cho biết: "Chúng tôi đang cố gắng hoàn thành tất cả các thủ tục để cấp sổ sở hữu nhà đất cho các hộ ở thôn Xuân Bình, để các hộ có cơ sở sản xuất có thể thế chấp, vay vốn đầu tư xây dựng. Khi dự án quy hoạch làng nghề sơ chế cá cơm tại thôn Xuân Bình hoàn thành, chúng tôi buộc các chủ hộ phải chấp hành theo yêu cầu. Nếu cơ sở nào không di dời cơ sở sản xuất vào khu quy hoạch thì sẽ buộc ngừng sản xuất".
Vấn đề khó khăn trong việc di dời các cơ sở chế biến về nơi quy hoạch đã dần được tháo gỡ. Sau khi dự án này được hoàn thành, làng nghề sơ chế cá cơm tại thôn Xuân Bình sẽ có hướng phát triển mới hơn. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần có những biện pháp sắp xếp, quản lý việc thu mua nguyên liệu để góp phần đảm bảo trật tự và công bằng trong sản xuất kinh doanh ở làng biển này.
. Hải Yến
|