Vì sao việc chuyển đổi mô hình quản lý điện nông thôn còn quá chậm?
11:32', 17/6/ 2004 (GMT+7)

Công nhân Điện lực Bình Định đang tu sửa đường dây tải điện tại xã Mỹ Thành (Phù Mỹ)

Đến nay, Bình Định đã có 100% số xã có điện, với trên 95% số hộ dân ở nông thôn được sử dụng điện. Thực hiện Nghị định của Chính phủ về chấn chỉnh các mô hình quản lý, kinh doanh điện, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công nghiệp phối hợp các ngành chức năng, các địa phương tiến hành khảo sát, điều tra thực trạng các mô hình quản lý, kinh doanh điện trên địa bàn tỉnh. Điều tra số HTX NN đang hoạt động hiệu quả để làm cơ sở xác định đủ điều kiện tiếp quản mô hình Ban quản lý điện hoạt động theo hình thức mới. Đồng thời, tổ chức quán triệt các nguyên tắc, phổ biến cách thức kiểm tra xác định giá trị tài sản và nguồn vốn hình thành của lưới điện hạ áp nông thôn, cách thức quản lý điện nông thôn cho phù hợp với qui định của Chính phủ…

Do mỗi địa phương có mỗi cách tổ chức quản lý điện nông thôn khác nhau, điều kiện thực tế khác nhau, nên UBND tỉnh đã có tổ chức cuộc họp giữa các ngành để tìm phương án chuyển đổi khả thi và có thông báo số 158/TB-UB ngày 8-1-2003 về phương hướng xây dựng các mô hình quản lý điện nông thôn mới như sau: Đối với Trạm điện - nước của 3 huyện miền núi hoạt động theo hình thức đơn vị sự nghiệp có thu, chưa đủ điều kiện đăng ký kinh doanh cấp giấy phép hoạt động điện lực sẽ được tổ chức sắp xếp lại thành loại hình công ty hoạt động theo luật doanh nghiệp. Đối với Ban quản lý điện của các HTX NN không cần phải chuyển đổi hình thức hoạt động, thực hiện theo mô hình HTX đa ngành nghề, bổ sung ngành nghề phân phối kinh doanh điện nông thôn, hoạt động theo luật HTX. Đối với Ban quản lý điện trực thuộc UBND xã, quản lý hoạt động như lâu nay là không phù hợp, bắt buộc phải thành lập các HTX kinh doanh dịch vụ điện, hoặc chuyển giao cho ngành Điện trực tiếp quản lý.

Kế hoạch là vậy, song sau hơn 7 tháng triển khai, đến nay toàn tỉnh mới chỉ có 83/123 xã thực hiện xong việc chuyển đổi, được UBND tỉnh cấp giấy phép hoạt động điện lực; số còn lại vẫn chưa thực hiện được. Trong khi đó, theo qui định của Bộ Công nghiệp, đến 30-6-2004 là thời hạn cuối cùng để các địa phương thực hiện việc chuyển đổi mô hình quản lý điện nông thôn.

Giải thích nguyên nhân việc chuyển đổi mô hình quản lý điện nông thôn ở Bình Định thực hiện chậm so với kế hoạch đề ra, ông Nguyễn Văn Thắng, Phó giám đốc Sở Công nghiệp, cho biết: "Chuyển đổi mô hình quản lý điện nông thôn là chủ trương mới của Chính phủ, nên trong công tác triển khai nhiều địa phương còn gặp khá nhiều lúng túng. Bên cạnh đó, trong thời gian qua các địa phương trong tỉnh bận rộn với công tác bầu cử HĐND 3 cấp, sau đó có sự thay đổi về nhân sự nên chưa chỉ đạo chặt chẽ việc chuyển đổi. Mặt khác, một số Ban quản lý điện nông thôn trước đây hoạt động quản lý điện có lãi nên không muốn thực hiện chuyển đổi vì sợ bị mất quyền lợi. Một vài địa phương hiện không đủ điều kiện để chuyển đổi mô hình do thiếu cán bộ quản lý; lưới điện trong thời gian dài không được đầu tư nâng cấp nên đã bị xuống cấp nghiêm trọng…".

Với những khó khăn, vướng mắc như đã nêu, Bình Định khó có khả năng thực hiện công tác chuyển đổi mô hình quản lý điện nông thôn theo đúng thời hạn mà Bộ Công nghiệp quy định.

. Nguyễn Hân

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nạn ô nhiễm môi trường ở làng nghề Xuân Bình   (16/06/2004)
Công ty TNHH sữa Bình Định: Chất lượng sản phẩm là yếu tố nâng cao sức cạnh tranh   (15/06/2004)
Hướng đến những cánh đồng cho thu nhập cao   (15/06/2004)
Làng vôi Trường Úc: Tồn tại hay không tồn tại?  (14/06/2004)
Dùng ong ký sinh để tiêu diệt bọ cánh cứng hại dừa   (14/06/2004)
Bình Định gần hơn trong mắt nhà đầu tư   (13/06/2004)
Nước trái cây: Hàng nội hấp dẫn người tiêu dùng  (11/06/2004)
"Tôi có cảm giác rất thoải mái khi ở Quy Nhơn"  (11/06/2004)
KCN Long Mỹ: Đang có "dịch" sang nhượng đất trái phép  (10/06/2004)
Làm gì để có vùng nguyên liệu mía ổn định?  (10/06/2004)
Giải tỏa đường Xuân Diệu: Nỗi lo của người dân làm nghề biển  (09/06/2004)
Nghề chăn nuôi cừu có triển vọng   (09/06/2004)
Đi lên từ nghề đúc kim loại   (09/06/2004)
Tái định cư hồ Định Bình: Cuộc sống mới đã lên màu   (08/06/2004)
An Lão: Phát triển trồng sầu đâu lấy gỗ  (08/06/2004)