. Ghi chép của Lê Viết Thọ
Từ trên cao nhìn xuống, cung đường Nhơn Hội đến Tam Quan vẽ một nét lượn tuyệt đẹp trên bờ cát vàng ven biển đầy gợi cảm. Một cung đường nối những ước mơ của bao đời làng chài ven biển. Một cung đường mở hướng tiềm năng du lịch cho cả một dải biển. Chúng tôi đi mà như bay bổng trên nét lượn ven biển ấy, chạm ngõ với một tương lai đang đến thật gần…
1.
Tốc độ 50 - 60km/h, chiếc xe máy thẳng hướng từ xã Cát Tiến qua xã Cát Hải (Phù Cát). Ngang qua những con đèo Vĩnh Hội, Tân Thanh, Chánh Oai - từng là nỗi ám ảnh của người ven biển khi xưa - nay đã trải nhựa, phẳng lì.
|
Thi công đoạn đường qua xã Cát Khánh |
Đi trên tuyến đường mới, mà tôi như hãy còn nghe thủ thỉ bên tai câu chuyện mà một người Cát Hải kể cho tôi nghe từ trước. Rằng xưa, có hai người Cát Hải đi làm thuê nơi xa. Họ bị bọn địa chủ cường hào đánh đập đuổi về. Leo đến đèo Vĩnh Hội thì họ kiệt sức mà chết. Mộ hai ông, giờ chính là hai gò đống lớn còn nằm trên đỉnh đèo. Thương người đi lại khó khăn, thần Sơn Tinh sai một ông tướng từ vùng sông Đà núi Tản về đây. Ông tướng đi đến đâu thì cát bay đá chạy, làm kinh thiên động địa. Ông tướng ngày đêm quảy đá trên núi đem ra biển, có đường đi, có đèo cao từ đó.
Vậy mà ông tướng rồi cũng chẳng cất được gánh nặng trên đôi vai người dân những vùng cát nghèo này. Đèo Vĩnh Hội vẫn là một miền núi dốc thẳng đâm ra biển. Đèo Tân Thanh đá sỏi dựng như một bức tường. Đèo Chánh Oai vẫn toàn là đá ngầm. Những ngọn đèo của đá và nắng, những cung đường cát ngập bàn chân, vẫn là những trở ngại chính trong sự thông thương, giao lưu của cư dân vùng bãi dọc bãi ngang này.
Và ngay trong ký ức của người dân Cát Hải, hình ảnh của ba đèo gió cát tưởng như chỉ vừa mới hôm qua. Day tay về phía ngọn núi trước mặt, chỉ cho chúng tôi dấu tích của con đường đèo um tùm lau lách, anh Trần Cừ, Trưởng thôn Tân Thanh, nói: "Đấy, anh thử tưởng tượng, trước, người dân đi chợ cũng phải vượt qua những ngọn đèo cheo leo như vậy. Phương tiện duy nhất để đem những sản phẩm ruộng, vườn nhà ra thị trường hồi đó duy nhất chỉ có đôi thúng oằn trên vai những người phụ nữ. Nhưng cái sợ nhất với người dân quê tôi vẫn là gió". Gió Cát Hải, phải, người ta đã định danh cho nó như vậy. Những ngọn gió trái tính trái nết như người đàn bà luống tuổi không chồng, làm khổ bao đời dân quê. Tháng sáu, là mùa gió Nam. Gió như gào lên, như muốn lật đổ nhà. Tháng tám, phủ kín bầu trời là những cơn mưa dầm. Sang tháng chín, tháng mười, lại đến mùa gió đông bắc hun hút, cái lạnh xát vào người, vào cánh đồng, ngã bao nhiêu lúa đang độ trổ bông. Gió rối tung tóc mẹ già mù cát/ Da sạm vàng rát khô/ Gió hú mòn đỉnh vọng phu/ Bãi vũng Tô xoáy cát/ Rừng cỏ tranh núi Bà rần rật bốc cháy… một nhà thơ đã viết về gió Cát Hải như vậy. Còn chủ một doanh nghiệp nuôi tôm ở Cát Hải thì định lượng cái tác hại của gió Cát Hải một cách cụ thể hơn, bằng những ao nuôi tôm mùa trước vừa đào, mùa sau đã bị cát phủ đầy, những khúc đê bao ven biển, lúc mới đắp cao là vậy, nhưng chỉ mùa sau là mặt ngoài đã choài xuống cát như có ai vừa đắp thêm.
Ước vọng "bắt núi cúi đầu, giải phóng đôi vai" hẳn đã âm ỉ trong lòng mỗi người dân ven biển, từ khi còn là một cậu bé nhắc đôi bàn chân trên bờ cát nóng, đến lúc trưởng thành, nghe người con gái thủ thỉ, rằng: Anh về em cũng muốn theo/Sợ truông cát nóng, sợ đèo đá dăm. Nay, những ước vọng đó đã thành hiện thực. Cả tuyến đường từ Cát Tiến sang đến tận cửa Đề Gi (Cát Khánh), trừ vài đoạn ngắn dài chừng vài trăm mét mới cấp phối, còn lại thảy đều đã trải nhựa.
2.
Đường Đông đã mở. Đi dọc đường Đông, giữa một bên là biển xanh và cát trắng, một bên là những cánh đồng xanh mướt. Màu của lúa, của hành, của những cây trái đang mùa. Từ những đỉnh đồi nhìn xuống, đường Đông như một nét đậm màu mà ai đó vừa vẽ ngang qua trên mặt đất, nổi bật giữa lúa xanh và cát trắng, đầm ấm lạ. Đường mới, nhà nhà cũng mới. Ở điểm đầu, thị tứ của xã Cát Tiến, đã thoáng bóng những ngôi nhà mới đang xây, dọc hai bên đường, những bãi biển cát trắng phẳng lì, những ghềnh đá, những khúc quanh khá ngoạn mục, rồi những cánh đồng ủ mùi thơm rơm rạ. Xuôi khúc nữa, qua Cát Thành, trước mắt tôi là một đầm sen đang mùa, một hình ảnh khá hiếm hoi, thật khó có thể bắt gặp hiện nay. Đến chợ Đồng Lâm (xã Cát Khánh), cách đây vài tháng hãy là một con đường cấp phối, bụi bay mù mịt, nay thay áo, hiển hiện một con đường nhựa.
"Đường mới sẽ mở ra cho người dân ven biển một con đường thông thương thuận lợi. Hãy lấy ngay thứ cây trồng chủ lực ở Cát Hải bây giờ làm ví dụ. Trước, hành sản xuất ra, dễ bị ép giá. Nay có con đường này, nhiều thương lái đến tận ruộng mua, nếu bán không được cho người này, mình bán cho người khác; thậm chí, tự sản tự tiêu, chở ra chợ bán. Giá cả do vậy, dễ chấp nhận hơn"- anh Cừ vui vẻ.
Đường đến đâu là văn minh đến đó. Nhưng đường đến đâu thì cũng có nghĩa là đất đai có "giá" đến đó. Như ở Cát Tiến, theo anh Nguyễn Trung Kiên, cán bộ địa chính xã, thì 3, 4 năm nay, từ khi có dự án đường ven biển, giá đất ở đây đã lên gấp 3, 4 lần. Thời giá hiện nay, đất trung tâm xã là 25 triệu đồng/m ngang, còn dọc bên tuyến đường Cát Tiến - Kẻ Thử, giá nằm khoảng 15 triệu đồng/m ngang. Nhưng "giá" ở đây còn có nghĩa là những vùng biển nghèo, vốn giàu tiềm năng, nay đã có thể được đánh thức để phát triển. Bãi biển Cát Tiến hiện có hai nhà đầu tư đăng ký để phát triển du lịch. Bãi Vĩnh Hội (Cát Hải) thì đã có 3 nhà đầu tư đăng ký. Ngoài ra, dọc tuyến đường ngang qua khu Chánh Oai (Cát Hải), những khu nuôi tôm trên cát đang hình thành.
Tạt vào khu nuôi tôm trên cát của DNTN An Kim (Phù Cát). DN này đã đầu tư nuôi thí điểm 2 ha vào năm 2001. Sau 3 vụ tôm, trung bình mỗi vụ cho thu hoạch từ 3 đến 3,5 tấn/ha. Ông Huỳnh Giảng, phụ trách dự án nuôi tôm của DNTN An Kim, cho biết: "Mức thu như vậy là có hiệu quả nên chúng tôi hiện đang triển khai tiếp 10 ha nữa trong tổng số 32 ha của DN. Hiện nay, chúng tôi đã đầu tư hơn 4 tỉ". 32 ha này nằm trong dự án nuôi tôm trên cát được Nhà nước đầu tư về hạ tầng, như làm đê bao, điện… 10 ha còn lại được chia cho một số hộ dân. Ngoài dự án trên, còn có 2 DN khác đang triển khai thi công nuôi tôm trên cát với tổng diện tích khoảng 16 ha. Cả một vùng tôm đang hình thành như vậy. Cùng với vùng tôm này, sẽ là hàng trăm lao động được giải quyết việc làm vào mùa tôm thu hoạch.
3.
Sau khi hoàn chỉnh, tuyến đường Nhơn Hội - Cát Tiến và Cát Tiến - Tam Quan sẽ là trục giao thông bắc - nam huyết mạch thứ hai (sau quốc lộ 1A) của tỉnh. Ngoài ra, còn có một tuyến đường từ Nhơn Hội sang Nhơn Lý, nối thông xã bán đảo này với khu kinh tế Nhơn Hội tương lai. Cùng với con đường có tổng chiều dài 110 km này, tiềm năng của vùng đất với 15 xã với 200.000 dân sẽ được khai thác hiệu quả. Vậy là, không chỉ thỏa cái ước vọng thông thương của người dân, đường Đông còn mở ra vận hội mới cho những làng chài nghèo ven biển đi lên, phát triển, cũng là mở ra những bước đột phá mới cho Bình Định tăng tốc.
Cùng với tuyến đường ven biển của Bình Định, trước đó, Đà Nẵng đã hoàn thành đường ven biển Sơn Trà - Thuận Phước và tiếp tục xây dựng đường Liên Chiểu - Thuận Phước, đường Bạch Đằng Đông. Tuyến Sơn Trà - Non Nước, nối với Hội An, cũng sẽ hoàn thành vào năm 2005. Đà Nẵng, Quảng Nam, rồi đây là Bình Định và cả miền Trung sẽ hình thành một tuyến đường ven biển. Và thay vào những bãi dọc, bãi ngang nghèo khó như một định mệnh, sẽ là những khu du lịch tiềm năng, những bãi tắm trong tuyến du lịch Bờ biển mặt trời mọc đầy sức hấp dẫn.
4.
Tôi hình dung, rồi đây, trên đầm Thị Nại, chiếc cầu Quy Nhơn - Nhơn Hội hiện lên sừng sững, vững chắc và tin cậy, nối Quy Nhơn với bán đảo Phương Mai. Nơi đầu cầu ấy, cung đường ven biển sẽ như đôi cánh tay dài, ôm lấy các xã ven biển. Trên những bãi cát ven biển, sẽ là những khu du lịch, những vùng nuôi tôm được quy hoạch, những thị tứ, thị trấn… mở ra. Nàng Vọng phu sẽ không đơn độc ngóng về khơi xa trên một ngọn núi cao ở Chánh Oai (Cát Hải), mà sẽ thành một địa chỉ tìm đến của du khách...
Tôi đã thử ướm giấc mơ của mình như vậy khi một lần đi dọc đường ven biển đang nên hình.
. L.V.T |