Tuy Phước nỗ lực khắc phục hậu quả cơn bão số 2
15:32', 21/6/ 2004 (GMT+7)

Cơn bão số 2 với sức gió mạnh cấp 8-9 đã gây thiệt hại nặng nề cho huyện Tuy Phước. Toàn huyện có 157 ngôi nhà sập hoàn toàn, 80 ngôi nhà tốc mái, 1 người dân bị chết, hơn 3.400 ha lúa đổ ngã, ngập nước, khả năng giảm năng suất đến 50-60%. Ngoài ra, còn có gần 700 ha hồ nuôi tôm bị sóng đánh vỡ, cuốn trôi 130 tấn tôm đã 70 ngày tuổi ra biển. Hệ thống đê sông, đê biển, đường giao thông bị sạt lở hàng chục cây số… ước tính thiệt hại trên 39 tỉ đồng.

Một hộ dân ở Tuy Phước đang dọn dẹp trước ngôi nhà bị sập do bão số 2

Sau bão, các địa phương trong huyện đã khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả, ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất. Lãnh đạo huyện đã phân công thành viên trong Ban Phòng chống lụt bão xuống từng xã, thị trấn nắm tình hình thiệt hại, chủ động đề xuất hướng khắc phục. Ông Nguyễn Đình Huệ - Chủ tịch UBND huyện - cho biết: "Chúng tôi đã chỉ đạo UBND 14 xã, thị trấn ứng ngân sách giúp bà con có nhà bị sập hoàn toàn ổn định chỗ ở, vận động bà con xung quanh giúp thu dọn vật liệu đổ nát sau cơn bão. Trên lĩnh vực nông nghiệp, tập trung hàn khẩu các đê sông bị vỡ, hạn chế tối đa tình trạng ngập úng, động viên bà con thu hoạch lúa hè chín sớm bị đổ ngã. Với số diện tích lúa hè muộn và vụ thu, nước rút tới đâu tập trung chăm sóc tới đó để cây lúa hồi phục và phát triển. Về nuôi trồng thủy sản, huyện chỉ đạo ngành chức năng cùng bà con ngư dân khắc phục ngay số bờ vùng, bờ bao bị vỡ, xử lý môi trường sinh thái để phòng tránh dịch bệnh tôm…".

Sự chỉ đạo kịp thời của UBND huyện đã giúp các địa phương trong huyện tổ chức tốt việc khắc phục hậu quả của cơn bão số 2. Ở xã Phước Sơn, hậu quả của cơn bão để lại không nhỏ. Đến thôn Vinh Quang 2 chúng tôi vẫn còn thấy cảnh tượng nhà sập, bờ tôm bị sóng đánh vỡ chưa khắc phục kịp, nhiều gia đình vẫn còn thu dọn vật liệu đổ ngã còn sót lại những gì sau bão, để dùng làm vật liệu che chắn tạm nhà ở. Chị Nguyễn Thị Dung, 32 tuổi đứng trên nền nhà trơ trọi chỉ còn chân móng, bộc bạch "Khi bão lại nồm, sóng to, nhà tôi bị đánh sập. Đồ đạc lúa gạo ướt hết, rất may 4 mạng người không sao". Hiện tại, chị Dung che chắn lại túp lều rộng chừng 9m2 để có chỗ chui ra, chui vào. Hoàn cảnh của chị Dung cũng như 18 hộ có nhà bị sập ở thôn Vinh Quang 2 đang rất khó khăn, cần sự trợ giúp. Ông thôn trưởng Trần Đức An, tâm sự: "71 nhân khẩu có nhà bị sập đang thiếu lương thực, thôn đang vận động bà con lá lành đùm lá rách, kẻ ít người nhiều góp gạo tiền hỗ trợ các hộ nhà sập vượt qua hoạn nạn".

Ông Nguyễn Ngọc Tiến, Chủ tịch UBND xã Phước Sơn, cho biết: "Thường trực UBND xã thống nhất trích ngân sách hỗ trợ tạm thời 1 tháng lương thực cho số hộ trong diện nhà sập thiếu đói, chuyển 12 bộ bạt dựng lều cho các hộ nhà sập ở tạm. Kiểm tra đôn đốc 2 HTX nông nghiệp hàn và đắp xong các đoạn đê sông bị lở, không cho nước lũ tràn vào đồng ruộng, tiêu úng kịp thời, giảm tối đa thiệt hại. Các hồ nuôi tôm bà con ngư dân đã đắp lại các đoạn sạt lở, chăm sóc số tôm còn lại trong ao, các hồ mất trắng thì cải tạo thả tôm nuôi trở lại. Khó khăn của xã hiện giờ không có vốn đầu tư thả tôm giống vào nuôi tiếp, cũng như mua giống lúa để gieo sạ số diện tích ngập lâu ngày ở vùng ven đê. Mặt khác, chúng tôi đề nghị tăng mức hỗ trợ kinh phí gia cố lại đê ngăn mặn bị sạt lở, vì mức hỗ trợ 7.000 đồng/m3 là quá thấp, trong khi địa phương phải bỏ ra 30.000 đồng thuê đắp 1m3 đất".

Gắng gượng vượt qua thử thách nghiệt ngã của thiên tai, vùng rốn lũ Tuy Phước đang nỗ lực khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.

. Xuân Thức

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Quản lý dịch vụ Internet công cộng: Muôn nỗi khó khăn   (21/06/2004)
Đi dọc đường Đông  (18/06/2004)
Cách làm mới của các HTXNN huyện An Nhơn   (17/06/2004)
Vì sao việc chuyển đổi mô hình quản lý điện nông thôn còn quá chậm?   (17/06/2004)
Nạn ô nhiễm môi trường ở làng nghề Xuân Bình   (16/06/2004)
Công ty TNHH sữa Bình Định: Chất lượng sản phẩm là yếu tố nâng cao sức cạnh tranh   (15/06/2004)
Hướng đến những cánh đồng cho thu nhập cao   (15/06/2004)
Làng vôi Trường Úc: Tồn tại hay không tồn tại?  (14/06/2004)
Dùng ong ký sinh để tiêu diệt bọ cánh cứng hại dừa   (14/06/2004)
Bình Định gần hơn trong mắt nhà đầu tư   (13/06/2004)
Nước trái cây: Hàng nội hấp dẫn người tiêu dùng  (11/06/2004)
"Tôi có cảm giác rất thoải mái khi ở Quy Nhơn"  (11/06/2004)
KCN Long Mỹ: Đang có "dịch" sang nhượng đất trái phép  (10/06/2004)
Làm gì để có vùng nguyên liệu mía ổn định?  (10/06/2004)
Giải tỏa đường Xuân Diệu: Nỗi lo của người dân làm nghề biển  (09/06/2004)