Chương trình 135 An Lão
10:22', 22/6/ 2004 (GMT+7)

Sau 5 năm thực hiện chương trình 135 hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK), bộ mặt nông thôn, miền núi của huyện vùng cao An Lão đã có nhiều thay đổi. Đời sống mọi mặt của đồng bào nghèo vùng cao ĐBKK đã được từng bước cải thiện…

Thi công đường bê tông theo chương trình 135 tại xã An Vinh

Huyện vùng cao An Lão có 7/9 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, với 1.983 hộ và 8.769 nhân khẩu đồng bào Hre và Bana sinh sống. Sau 5 năm thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các xã ĐBKK, huyện An Lão đã được đầu tư hơn 17,3 tỉ đồng, trong đó đầu tư cho giao thông hơn 11,7 tỉ đồng, thủy lợi gần 2 tỉ đồng, xây dựng hệ thống điện 776 triệu đồng, các công trình nước sạch 183 triệu đồng, khai hoang 43 triệu đồng và xây dựng các công trình dân dụng khác gần 2,7 tỉ đồng. Nhờ đó mà đến nay An Lão có 100% số xã có đường giao thông đến trung tâm xã. 5/7 xã có đường ô tô đến trụ sở xã bất kỳ vào mùa nào trong năm. 5/7 xã có điện lưới quốc gia, trên 95% số hộ được sử dụng điện, trên 86% số hộ được xem truyền hình và nghe đài phát thanh. 7/7 xã có công trình nước sạch, với 96% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt. 100% số xã thuộc chương trình 135 đều có trường tiểu học được ngói hóa và trạm y tế xây dựng kiến cố. Các công trình thủy lợi xây dựng mới đều phát huy tác dụng. Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại các xã ĐBKK ở An Lão còn phải kể đến sự hỗ trợ vốn của 14 công ty, xí nghiệp đỡ đầu các xã theo sự phân công của lãnh đạo tỉnh. Tính đến nay, các xã đã tiếp nhận số vốn trợ giúp gần 800 triệu đồng, đầu tư xây dựng các công trình nước sạch, kéo điện thắp sáng cho dân và mua vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất…

Qua 5 năm thực hiện chương trình 135, An Lão còn chú trọng chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, hướng dẫn nhân dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện tốt công tác định canh - định cư để thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo một cách bền vững. Tính riêng từ năm 2002 đến nay, từ nguồn vốn hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số ĐBKK, huyện An Lão đã sử dụng 215 triệu đồng mua 18,3 tấn giống lúa cấp I, 7,2 tấn phân bón các loại, 117 bình bơm thuốc trừ sâu, 101 máy tuốt lúa và gần 30 tấn gạo hỗ trợ cho 726 hộ nghèo đầu tư sản xuất và ổn định đời sống. Bước đầu trong sản xuất nông nghiệp, các xã ĐBKK ở An Lão đã phá được thế độc canh cây lúa nước, thực hiện đa dạng hóa một số cây trồng trên vườn đồi, đất bãi bồi ven sông như: cây cau, quế, đào, cây hồ tiêu, dứa… Nhiều hộ dân có thu nhập khá từ các loại cây trồng này. Ngoài ra, các xã còn đẩy mạnh chương trình lai tạo đàn bò, nạc hóa đàn heo, nuôi cá nước ngọt, phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, đặc biệt là phát huy thế mạnh kinh tế vườn rừng, kinh tế trang trại. Đã có 284 hộ được UBND huyện giao 2.025 ha đất lâm nghiệp để làm kinh tế và giao khoán 6.000 ha rừng để quản lý bảo vệ. Thành công nhất là mô hình thâm canh 2 vụ lúa nước ở xã An Toàn và thôn An Hậu (xã An Quang), năng suất lúa mô hình đạt từ 45 đến 50 tạ/ha đã khuyến khích nhân dân vùng này đưa diện tích lúa nước sản xuất 1 vụ lâu nay vào sản xuất 2 vụ/năm.

Với những cố gắng nêu trên, trong 5 năm An Lão đã giảm mạnh tỷ lệ hộ đói nghèo từ 30% xuống còn 19,3% vào cuối năm 2003. Phấn đấu đến năm 2005, An Lão giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xuống còn dưới 9%. Nhiều xã ĐBKK đã từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, vượt qua tình trạng tự cấp tự túc, đời sống của đồng bào đã được cải thiện rõ rệt, góp phần rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa miền ngược và miền xuôi. Hệ thống chính trị cơ sở trên địa bàn huyện được tăng cường, an ninh, quốc phòng vùng đồng bào dân tộc được giữ vững. Trình độ cán bộ cơ sở được nâng lên một bước, tạo được niềm tin vững chắc của đồng bào dân tộc thiểu số đối với Đảng và Nhà nước ta.

. Hoàng Nam Quốc

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tuy Phước nỗ lực khắc phục hậu quả cơn bão số 2  (21/06/2004)
Quản lý dịch vụ Internet công cộng: Muôn nỗi khó khăn   (21/06/2004)
Đi dọc đường Đông  (18/06/2004)
Cách làm mới của các HTXNN huyện An Nhơn   (17/06/2004)
Vì sao việc chuyển đổi mô hình quản lý điện nông thôn còn quá chậm?   (17/06/2004)
Nạn ô nhiễm môi trường ở làng nghề Xuân Bình   (16/06/2004)
Công ty TNHH sữa Bình Định: Chất lượng sản phẩm là yếu tố nâng cao sức cạnh tranh   (15/06/2004)
Hướng đến những cánh đồng cho thu nhập cao   (15/06/2004)
Làng vôi Trường Úc: Tồn tại hay không tồn tại?  (14/06/2004)
Dùng ong ký sinh để tiêu diệt bọ cánh cứng hại dừa   (14/06/2004)
Bình Định gần hơn trong mắt nhà đầu tư   (13/06/2004)
Nước trái cây: Hàng nội hấp dẫn người tiêu dùng  (11/06/2004)
"Tôi có cảm giác rất thoải mái khi ở Quy Nhơn"  (11/06/2004)
KCN Long Mỹ: Đang có "dịch" sang nhượng đất trái phép  (10/06/2004)
Làm gì để có vùng nguyên liệu mía ổn định?  (10/06/2004)