Do gặp khó khăn về đầu ra nên nông dân Bình Định không còn mặn mà với việc trồng cây bông vải. Vụ đông xuân 2003-2004, cây bông vải được trồng trở lại bởi đã có cam kết bao tiêu sản phẩm của Công ty bông miền Trung (CJC).
Thực tế sản xuất trong nhiều năm qua cho thấy, bông vải là loại cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng của nhiều nơi trong tỉnh và có khả năng mang lại hiệu quả kinh tế tương đối khá. Đặc biệt là có thể trồng bông vải xen với nhiều loại cây trồng cạn khác để nâng cao giá trị kinh tế.
|
Một hộ nông dân ở Phước Hiệp (Tuy Phước) đang thu hoạch bông vải |
Phù Cát là một trong những địa phương áp dụng phương pháp canh tác trên vào sản xuất và đã có hiệu quả bước đầu. Vụ đông xuân 2003-2004, nông dân huyện Phù Cát đã trồng được 64 ha bông vải xen với đậu phụng, tập trung ở 2 xã Cát Hanh và Cát Tài. Hiện nay, nông dân đã thu hoạch xong đậu phụng và đang thu hoạch bông vải trà đầu. Ông Nguyễn Ba, ở thôn Tân Xuân, xã Cát Tài cho biết: Tôi trồng 3 sào bông vải xen đậu phụng. Đến nay, đã thu hoạch đậu phụng, năng suất đạt 1tạ/sào, còn bông vải thì bắt đầu thu hoạch. Dự kiến bình quân mỗi sào, có thể thu nhập trên 1 triệu đồng". Ông Nguyễn Thành Tự, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phù Cát cho biết: "Cây bông vải sinh trưởng và phát triển tốt ở chân đất cát pha, đất thịt pha ở các xã nằm ven sông Kôn, sông La Tinh như: Cát Tài, Cát Hanh, Cát Hiệp…Bên cạnh việc tổ chức hướng dẫn kỹ thuật trồng bông vải cho nông dân, chúng tôi đã xây dựng mô hình 50 triệu đồng/ha tại 2 xã Cát Tài và Cát Hanh, lựa chọn cây bông trồng xen với cây đậu phụng vụ đông xuân, vụ hè trồng hành, vụ thu đông trồng bắp lai để làm cơ sở đánh giá, sau đó nhân ra diện rộng".
Không riêng gì huyện Phù Cát, các huyện khác như: Phù Mỹ, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh…cũng đã khuyến khích nông dân phát triển cây bông vải. Theo số liệu thống kê của Sở NN-PTNT thì vụ đông xuân 2003-2004, toàn tỉnh đã trồng được trên 320 ha bông vải, chủ yếu là trồng xen với các loại cây trồng cạn.
Sở dĩ các địa phương trong tỉnh đưa cây bông vải vào sản xuất trở lại, một phần do Công ty CJC cam kết bao tiêu nông sản, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân yên tâm đầu tư sản xuất. Ông Lê Kim Hỷ, Giám đốc CJC cho biết: "Hiện nay, nhu cầu bông vải của ngành dệt may rất lớn, nông dân không lo về đầu ra nông sản. Công ty sẵn sàng cho nông dân ứng trước hạt giống, vật tư nếu nông dân yêu cầu, đồng thời cam kết bao tiêu hết nông sản cho nông dân, với giá sàn 5.200 đồng/kg, trả bằng tiền mặt, chậm nhất là 7 ngày. Ngoài ra, công ty còn tổ chức hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc bông vải cho nông dân".
Có thể nói, việc cam kết thu mua bông vải của Công ty CJC đã mở hướng phát triển mới cho cây bông vải ở Bình Định.
. Phạm Tiến Sỹ
|