An Lão: Hẩm hiu cây quế!
16:28', 27/6/ 2004 (GMT+7)

Như tin đã đưa, hiện nay cây quế ở An Lão không có đầu ra nên nhiều người trồng quế ở địa phương này đành phải phá bỏ vườn quế của mình. Vì đâu nên nỗi…?

* Nỗi niềm người trồng quế

Chúng tôi tìm đến nhà ông Trần Văn Chỉnh - Phó Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ huyện An Lão, là một trong những người đi đầu trong phong trào trồng quế ở An Lão cách đây 10 năm. Gia đình ông hiện còn 1 ha quế với hơn 2.000 cây đến tuổi khai thác, nhưng chưa tiêu thụ được. Ông Chỉnh xót xa cho biết: "Ngày xưa, người ta thường nói, sâm, nhung, trầm, quế là 4 loại dược liệu có giá trị cao. Thế nhưng hiện nay, có nhiều hộ trồng quế ở An Lão đã dùng cây quế để làm củi đốt, rồi làm giàn giáo, làm hàng rào… Thật xót xa cho công sức của mình bỏ ra nhiều mà không đạt được hiệu quả như mong muốn. Bây giờ, tôi chỉ muốn chặt và bán số cây quế này đi, lấy lại được đồng nào hay đồng nấy và dùng đất để trồng loại cây khác".

Năm 1993, để phát triển kinh tế gia đình, ông Chỉnh đã đi đầu trong việc phát triển trồng quế. Vào thời điểm đó cây quế có giá trị kinh tế khá cao và đã đem lại cuộc sống khấm khá cho nhiều hộ dân ở huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) và Trà My (Quảng Nam). Trong điều kiện đất đai thổ nhưỡng ở An Lão, để tìm một loại cây trồng phù hợp và mang lại hiệu quả kinh tế cao rất là khó. An Lão có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tương đối giống hai địa phương nói trên nên cây quế thực sự là niềm hy vọng của nhiều hộ gia đình. Ông Chỉnh đã dồn hết sức lực cũng như của cải cho việc trồng và chăm sóc cây quế, gởi gắm vào đó bao hy vọng về sự đổi đời trong tương lai. Không có nước tưới ổn định, ông dùng xi măng đúc thành tấm bê tông rồi khuân vác lên trên núi để làm bồn chứa nước, rồi mua ống nước dẫn nước xuống tưới cho cây quế. Người có công, đất không phụ, 3.000 cây quế do ông trồng đã phát triển xanh tốt và hy vọng đổi đời của ông cũng tăng dần theo. Vườn quế nhà ông trở thành một mô hình điểm để người dân trong và ngoài huyện đến tham quan, học tập. Tuy nhiên, hy vọng càng lớn thì thất vọng càng nặng nề. Hiện nay, cây quế đã đến tuổi khai thác nhưng lại không có đầu ra. Để gỡ gạc lại công sức của mình bỏ ra, đồng thời lấy đất để sản xuất, ông Chỉnh cũng như hàng trăm hộ trồng quế ở An Lão đã chặt cây quế để làm hàng rào, bán cây làm giàn giáo với giá khoảng gần 20.000 đồng/cây. Như vậy, mười năm trồng quế, tính ra, mỗi năm người dân chỉ thu được gần 2.000 đồng đối với một cây quế (!)

* Vì đâu nên nỗi…?

Theo chúng tôi được biết, cây quế được trồng trên địa bàn huyện An Lão vào năm 1983, thời điểm Lâm trường An Lão vẫn còn hoạt động. Đến những năm 1990, cây quế mới được người dân trồng rộng rãi, diện tích lên đến khoảng 300ha. Kết quả xét nghiệm lần đầu cho thấy lượng tinh dầu trong cây quế ở An Lão cũng tương đương với chất lượng tinh dầu của cây quế ở Trà Bồng, Trà My, càng củng cố niềm tin của người dân An Lão đối với loại cây trồng này. Tuy nhiên, sau đó mấy năm, không hiểu tại sao khi tái xét nghiệm lại có kết quả là lượng tinh dầu thấp, không đáp ứng đủ tiêu chuẩn làm dược liệu. Và từ đó đến nay, cây quế An Lão chỉ còn nhiệm vụ phủ xanh đất vườn, rừng. Để không phung phí công sức mình bỏ ra, nhiều hộ trồng quế ở An Lão đã mang sản phẩm chào bán cho các tiệm thuốc Bắc ở các nơi, nhưng vẫn chưa có kết quả. Và cũng đã có công ty dược liệu ở phía Bắc vào đặt vấn đề tiêu thụ quế với giá 5.000 đồng một ký vỏ quế tươi, nhưng huyện An Lão có chủ trương không bán, do giá quá thấp, chưa đủ tiền công khai thác chứ đừng nói đến công trồng và chăm sóc.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng phòng Kinh tế huyện An Lão cho biết: "Hiện tại, trên địa bàn huyện còn hơn 140 ha quế vẫn chưa có nơi tiêu thụ. Chủ trương của huyện là vận động bà con nông dân cố gắng giữ lại số diện tích quế hiện còn." Đối với vấn đề chất lượng tinh dầu cây quế ở An Lão không đảm bảo để làm dược liệu, ông Nguyễn Thanh Tùng cho rằng, vào thời điểm năm 1996, khi thực hiện việc tái xét nghiệm lượng tinh dầu thì cây quế ở An Lão vẫn còn nhỏ. Và mẫu xét nghiệm chỉ được lấy tại một điểm cho nên chưa thể khẳng định cây quế có đảm bảo chất lượng tinh dầu hay không. Trong thời gian tới, huyện sẽ cho lấy mẫu trên diện rộng và xét nghiệm lại để thông báo cho người dân.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, một nguyên nhân nữa là vào thời điểm phát động trồng cây quế, ngành chức năng chủ yếu chỉ khuyến khích người dân trồng quế mà không tính đến đầu ra của sản phẩm. Riêng số tiền giống mà Nhà nước bỏ ra để hỗ trợ giống quế cho người dân trồng vào thời điểm đó, trung bình một cây giống từ 200-500 đồng, mỗi ha trồng khoảng 2.000 cây thì với diện tích 300 ha quế trồng ban đầu, số tiền bỏ ra đã tốn mấy trăm triệu đồng. Nếu cộng với công sức người dân chăm sóc thì mức đầu tư cho loại cây này lên tới cả tỉ đồng. Quan trọng hơn, nếu cây quế không tiêu thụ được sẽ ảnh hưởng đến việc đưa chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng đến với người dân.

Lâu nay, tâm lý của nông dân nói chung là ăn chắc mặc bền, và một phần do không có nguồn vốn lớn để đầu tư lâu dài, nên với họ, làm cái gì thì phải có hiệu quả cụ thể. Đối với cây quế, đã qua 10 năm trồng chăm sóc mà hiệu quả không có thì họ chặt đi, tuy biết là phí phạm nhưng họ không thể làm gì hơn vì cần đất và vốn để trồng cây khác. Hiện nay, sản phẩm quế ở Trà Bồng, Trà My cũng "đứng" nên người trồng quế ở An Lão càng âu lo. Theo chúng tôi, vấn đề quan trọng lúc này là các ngành chức năng liên quan và huyện An Lão cần tiến hành nhanh việc lấy mẫu và xét nghiệm lại lượng tinh dầu của cây quế ở An Lão để trả lời cho người dân là chất lượng loại cây họ trồng có đảm bảo hay không? Và, huyện cần xúc tiến việc tìm thị trường cho cây quế để tránh tình trạng cây quế bị phá bỏ vô bổ như hiện nay.

. Minh Quân

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Bình Định những ngày đầu sau khi giá xăng dầu tăng  (25/06/2004)
Bình Định những ngày đầu sau khi giá xăng dầu tăng  (25/06/2004)
Sự trở lại của cây bông vải   (24/06/2004)
Cuối tháng 12-2004, Chi nhánh Sacombank tại Bình Định sẽ đi vào hoạt động  (23/06/2004)
Công ty TNHH Tân Bình Minh: Năng động trong ngành may mặc   (23/06/2004)
KCN Phú Tài - cái nhìn toàn cảnh   (22/06/2004)
Chương trình 135 An Lão   (22/06/2004)
Tuy Phước nỗ lực khắc phục hậu quả cơn bão số 2  (21/06/2004)
Quản lý dịch vụ Internet công cộng: Muôn nỗi khó khăn   (21/06/2004)
Đi dọc đường Đông  (18/06/2004)
Cách làm mới của các HTXNN huyện An Nhơn   (17/06/2004)
Vì sao việc chuyển đổi mô hình quản lý điện nông thôn còn quá chậm?   (17/06/2004)
Nạn ô nhiễm môi trường ở làng nghề Xuân Bình   (16/06/2004)
Công ty TNHH sữa Bình Định: Chất lượng sản phẩm là yếu tố nâng cao sức cạnh tranh   (15/06/2004)
Hướng đến những cánh đồng cho thu nhập cao   (15/06/2004)