Kinh tế dân doanh: Phát triển đa dạng nhưng vẫn còn nhiều hạn chế
11:11', 28/6/ 2004 (GMT+7)

Trên địa bàn Bình Định hiện có hơn 900 doanh nghiệp (DN) tư nhân với tổng số vốn đăng ký hơn 1.228 tỉ đồng và hơn 50.000 hộ kinh doanh cá thể đăng ký hoạt động. Lực lượng này đã và đang góp phần tích cực vào sự khởi sắc của nền kinh tế, giải quyết việc làm cho nhiều lao động và đóng góp một nguồn thu tương đối lớn cho ngân sách Nhà nước.

* Trên đường phát triển

Chế biến gỗ xuất khẩu tại một DNTN trong KCN Phú Tài

Ông Phạm Đình Tòng, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch - Đầu tư) cho biết: "Nếu như trước đây, kinh tế tư nhân chỉ hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực thương mại-dịch vụ, thì nay đã mở rộng thêm nhiều loại hình mới như: sản xuất công nghiệp, xây dựng, vận tải, chế biến nông-lâm-thủy sản… Do đó hiện nay khu vực kinh tế này chiếm số lượng lớn trong tổng số các đơn vị sản xuất-kinh doanh của tỉnh và phân bổ gần như khắp các địa phương". Chỉ cần nhìn vào tốc độ tăng trưởng về số lượng của các DN tư nhân và các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh thời gian qua cũng đã thấy rõ được sự phát triển của loại hình kinh tế này. So với thời điểm trước năm 2000, số lượng DN tư nhân và cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn Bình Định tăng gấp 4 lần. Hiện nay hoạt động của khu vực kinh tế này đã góp phần tích cực trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là huy động vốn cho đầu tư phát triển, mở rộng quy mô ngành nghề kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động.

Hiện nay khu vực kinh tế dân doanh đã chiếm đến 44,1% giá trị sản xuất công nghiệp trên toàn tỉnh, tăng 27,9% so với cùng kỳ, đồng thời khu vực kinh tế này cũng đã đóng góp tích cực vào việc tăng kim ngạch xuất khẩu, nhất là các nhóm hàng lâm sản, nông sản, hải sản và khoáng sản… chiếm đến 46,6% tổng số kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh, tăng 43,6% so với cùng kỳ. Ngoài ra, khu vực kinh tế dân doanh cũng góp phần rất lớn và chiếm tỷ trọng cao trong các lĩnh vực khác như: giải quyết việc làm, nộp ngân sách Nhà nước …

Sở dĩ có được kết quả nêu trên là nhờ Luật Doanh nghiệp ra đời đã tạo ra môi trường đầu tư và kinh doanh thông thoáng. Bên cạnh đó, Bình Định cũng đã ban hành nhiều chính sách kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư để phát triển sản xuất kinh doanh. Trong đó, đáng chú ý là chính sách khuyến khích đầu tư phát triển vùng nguyên liệu cho nhà máy, chế độ khen thưởng xuất khẩu, phát triển làng nghề, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại… tạo đòn bẩy cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh hơn.

* Tiếp tục khơithông dòng chảy…

Bên cạnh những yếu tố thuận lợi và những kết quả đạt được, hiện nay khu vực kinh tế dân doanh ở Bình Định vẫn còn bộc lộ nhiều yếu kém, chưa thật sự phát triển mạnh. Cụ thể, phần lớn DN tư nhân có quy mô nhỏ, thiếu vốn đầu tư, thiết bị sản xuất chưa đồng bộ và hiện đại; khả năng nghiên cứu và phát triển sản phẩm còn hạn chế. Trong tổng số hơn 900 DN tư nhân đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, số DN có quy mô vốn hơn 10 tỉ đồng chỉ chiếm khoảng 10%, số DN có quy mô vốn từ 5-10 tỉ đồng chỉ chiếm hơn 20%, phần đông là DN có quy mô vốn trên dưới 1 tỉ đồng. Với nguồn vốn như vậy, các đơn vị rất khó khăn trong việc đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, đa phần các DN tư nhân rất khó tiếp cận tín dụng đầu tư. Chính điều này đã làm cản trở cho sự phát triển sản xuất của khu vực kinh tế dân doanh. Khó khăn tiếp theo của khu vực kinh tế này là mặt bằng sản xuất. Hiện nay phần lớn các cơ sở tư nhân đều tận dụng diện tích mặt bằng nhà ở làm cơ sở sản xuất kinh doanh.

Ngoài 2 khó khăn trên, khả năng quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh của một số chủ DN còn yếu kém, số giám đốc, kế toán có trình độ đại học còn rất ít, dẫn đến sự khó khăn, lúng túng và hiệu quả đạt được trong công việc ở mức thấp. Bên cạnh đó, nhận thức và hiểu biết về pháp luật của một số nhà đầu tư, người quản lý DN cũng còn thấp. Một số DN chưa xác định rõ phương hướng kinh doanh của mình, vẫn còn làm theo kiểu gặp gì làm đó. Đây chính là thách thức và lực cản đối với sự phát triển của khu vực kinh tế dân doanh ở Bình Định.

Để nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế dân doanh, tỉnh và các ngành chức năng cần tăng cường đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, quy hoạch và xây dựng nhanh các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; tăng cường hỗ trợ DN bằng chính sách, cơ chế thích hợp như cho vay vốn ưu đãi; cung cấp thông tin thị trường, giúp DN tìm đầu ra cho sản phẩm … Tuy nhiên, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, bản thân các chủ DN phải năng động, sáng tạo và thực sự có đủ trình độ để điều hành, quản lý sản xuất kinh doanh thì khu vực kinh tế này mới phát triển đa dạng và mạnh mẽ hơn.

. Ngọc Thái

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
An Lão: Hẩm hiu cây quế!   (27/06/2004)
Bình Định những ngày đầu sau khi giá xăng dầu tăng  (25/06/2004)
Bình Định những ngày đầu sau khi giá xăng dầu tăng  (25/06/2004)
Sự trở lại của cây bông vải   (24/06/2004)
Cuối tháng 12-2004, Chi nhánh Sacombank tại Bình Định sẽ đi vào hoạt động  (23/06/2004)
Công ty TNHH Tân Bình Minh: Năng động trong ngành may mặc   (23/06/2004)
KCN Phú Tài - cái nhìn toàn cảnh   (22/06/2004)
Chương trình 135 An Lão   (22/06/2004)
Tuy Phước nỗ lực khắc phục hậu quả cơn bão số 2  (21/06/2004)
Quản lý dịch vụ Internet công cộng: Muôn nỗi khó khăn   (21/06/2004)
Đi dọc đường Đông  (18/06/2004)
Cách làm mới của các HTXNN huyện An Nhơn   (17/06/2004)
Vì sao việc chuyển đổi mô hình quản lý điện nông thôn còn quá chậm?   (17/06/2004)
Nạn ô nhiễm môi trường ở làng nghề Xuân Bình   (16/06/2004)
Công ty TNHH sữa Bình Định: Chất lượng sản phẩm là yếu tố nâng cao sức cạnh tranh   (15/06/2004)