Nỗ lực chăn nuôi gia cầm sau đại dịch cúm
16:17', 29/6/ 2004 (GMT+7)

Ngay sau khi UBND tỉnh công bố hết dịch cúm gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh, ngành Nông nghiệp đã phối hợp cùng với các địa phương trong tỉnh triển khai các biện pháp khôi phục chăn nuôi gia cầm. Đến nay, hầu hết các địa phương đã hoàn thành việc hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi; nhiều trang trại, gia trại đã bắt đầu khôi phục, phát triển chăn nuôi gia cầm trở lại.

* Giúp dân khôi phục chăn nuôi

Chăm sóc đàn gà giống ở cơ sở Minh Dư

Trong trận dịch cúm gia cầm vừa qua, Tuy Phước là một trong những địa phương bị thiệt hại khá nặng nề. Sau khi UBND tỉnh công bố hết dịch cúm, các ngành chức năng của huyện này đã có nhiều biện pháp tích cực giúp người chăn nuôi khôi phục đàn gia cầm. Ông Nguyễn Đình Huệ, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước cho biết: "Chúng tôi đã chỉ đạo cho phòng Nông nghiệp và Trạm Thú y huyện trực tiếp giúp các hộ chăn nuôi gia cầm triển khai các biện pháp phòng, chống dịch cúm tái phát; đồng thời tăng cường các biện pháp khôi phục đàn gia cầm. Mặt khác, vận động các chủ trang trại gà giống tăng cường chăm sóc đàn gà giống để đáp ứng nhu cầu con giống cho người chăn nuôi. Các hội, đoàn thể của huyện đã tiến hành lập các dự án vay vốn để giúp người chăn nuôi được vay vốn tái sản xuất." Đến nay, 63 hộ gia đình chăn nuôi gia cầm ở Tuy Phước bị thiệt hại do dịch cúm gây ra đã nhận được tiền hỗ trợ với tổng số tiền là 182 triệu đồng, phần lớn các hộ gia đình chăn nuôi đã bắt tay vào việc gầy dựng lại đàn gia cầm của mình.

Thời gian qua, huyện An Nhơn cũng đã triển khai các biện pháp tích cực khôi phục chăn nuôi gia cầm. Ông Nguyễn Thành Minh, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện An Nhơn cho biết: "Đến nay, huyện đã chi 220 triệu đồng hỗ trợ cho 64 hộ có gia cầm bị dịch bệnh và tiêu hủy. Để giúp các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn khôi phục chăn nuôi, huyện cũng đã trích 25 triệu đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp nông nghiệp hỗ trợ mua con giống cung cấp cho nông dân. Bên cạnh đó, ngành Thú y cũng đã thường xuyên phun thuốc tiêu độc, sát trùng tại các ổ dịch cũ nhằm ngăn ngừa dịch cúm tái phát. Đồng thời, khuyến cáo người chăn nuôi trên địa bàn nên chọn mua con giống gia cầm tại các cơ sở sản xuất giống đã được cơ quan thú y kiểm dịch…". Nhờ những biện pháp tích cực, đến thời điểm hiện nay tuy chưa bằng so với thời gian trước dịch, nhưng đàn gia cầm của huyện An Nhơn đã tăng đáng kể. Nhiều trang trại chăn nuôi đã tiến hành thả nuôi với số lượng lớn, điển hình như trang trại chăn nuôi của ông Bùi Xuân Dương ở xã Nhơn An, hiện đang nuôi 2.000 con gà giống Cargill. Các trang trại chăn nuôi ở các xã Nhơn Hậu, Nhơn Thọ, Nhơn Tân cũng đã bắt đầu khôi phục chăn nuôi trở lại.

Đến thời điểm hiện nay, Công ty chăn nuôi CP cũng đã đưa gà giống về các trại chăn nuôi gia công trên địa bàn Bình Định. Ông Võ Ngọc Lâm, cán bộ phụ trách kỹ thuật của công ty cho biết: "Công ty CP đã đưa về các trang trại chăn nuôi ở các xã: Nhơn Tân, Nhơn Hậu (An Nhơn) và Phước Thành (Tuy Phước) khoảng 24.000 con giống. Để đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn gà, công ty đã triển khai nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch cúm. Con giống trước khi đưa đến các trang trại chăn nuôi đều được tiến hành lấy mẫu máu xét nghiệm để đảm bảo an toàn dịch bệnh. Ngoài ra, công tác tiêm phòng dịch bệnh và các biện pháp tiêu độc, sát trùng phòng chống dịch bệnh tái phát được cơ quan thú y và các chủ trang trại thực hiện thường xuyên."

* Đáp ứng nhu cầu con giống

Từ sau khi hết dịch cúm đến nay, Trạm Thực nghiệm giống vật nuôi Diêu Trì đã cung cấp được 16.000 con vịt giống hướng trứng Kaki Campbell và CV-2000 cho nông dân trong tỉnh và trên 20.000 quả trứng cho các cơ sở ấp trứng trên địa bàn huyện Tuy Phước. Cơ sở gà giống Minh Dư ở thôn Huỳnh Mai - Phước Nghĩa cũng đã sản xuất và cung cấp được 5.000 con gà giống. Nhờ vậy, đã đáp ứng được nhu cầu con giống cho người chăn nuôi trong và ngoài huyện.

Trại gà giống An Nhơn thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền Trung (Viện Chăn nuôi) hiện nay đang hoạt động hết công suất để đáp ứng nhu cầu con giống cho người chăn nuôi. Ông Hoàng Văn Trường, Trại trưởng Trại gà giống An Nhơn cho biết: "Từ đầu tháng 5 đến nay, nhu cầu con giống của người chăn nuôi rất lớn, trại phải hoạt động liên tục để đáp ứng nhu cầu. Mấy tháng qua, trại đã cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh hơn 60.000 con gà giống Sac-sô và gà Hoa Lương Phượng. Tuy nhu cầu con giống hiện nay tăng cao nhưng trại vẫn giữ mức giá ổn định từ 3.000-3.500 đồng/con giống. Với đàn gà giống 1.600 con hiện có, mỗi tuần trại gà giống An Nhơn cung cấp cho thị trường từ 3.000-3.500 con giống".

Nghề chăn nuôi gia cầm đã và đang phát triển ở Bình Định, góp phần cải thiện cuộc sống cho người dân. Trong dịch cúm gia cầm hồi đầu năm, người chăn nuôi đã chịu nhiều thiệt hại. Hiện nay việc khôi phục chăn nuôi đang trên đà tiến triển, song không phải là không có khó khăn. Tình hình giá thức ăn gia cầm đang tăng cao là một trở ngại lớn nhất. Bên cạnh đó, việc đề phòng tái dịch cũng đang là vấn đề đáng quan tâm.

. Nhóm PV Kinh tế

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Kinh tế dân doanh: Phát triển đa dạng nhưng vẫn còn nhiều hạn chế  (28/06/2004)
An Lão: Hẩm hiu cây quế!   (27/06/2004)
Bình Định những ngày đầu sau khi giá xăng dầu tăng  (25/06/2004)
Bình Định những ngày đầu sau khi giá xăng dầu tăng  (25/06/2004)
Sự trở lại của cây bông vải   (24/06/2004)
Cuối tháng 12-2004, Chi nhánh Sacombank tại Bình Định sẽ đi vào hoạt động  (23/06/2004)
Công ty TNHH Tân Bình Minh: Năng động trong ngành may mặc   (23/06/2004)
KCN Phú Tài - cái nhìn toàn cảnh   (22/06/2004)
Chương trình 135 An Lão   (22/06/2004)
Tuy Phước nỗ lực khắc phục hậu quả cơn bão số 2  (21/06/2004)
Quản lý dịch vụ Internet công cộng: Muôn nỗi khó khăn   (21/06/2004)
Đi dọc đường Đông  (18/06/2004)
Cách làm mới của các HTXNN huyện An Nhơn   (17/06/2004)
Vì sao việc chuyển đổi mô hình quản lý điện nông thôn còn quá chậm?   (17/06/2004)
Nạn ô nhiễm môi trường ở làng nghề Xuân Bình   (16/06/2004)