Một số khó khăn trong việc khôi phục chăn nuôi gia cầm
15:34', 29/6/ 2004 (GMT+7)

Hiện nay, khó khăn về vốn đầu tư, nỗi lo dịch cúm tái phát, thức ăn gia cầm trên thị trường tăng cao… là những băn khoăn của người chăn nuôi.

* Giá thức ăn gia cầm tăng mạnh

Từ sau dịch cúm gia cầm, giá thức ăn gia cầm không ngừng leo thang. Tất cả các loại thức ăn gia cầm được bày bán tại các đại lý trong tỉnh đều tăng giá liên tục trong vòng hơn 3 tháng qua. Với loại thức ăn gia cầm mang nhãn hiệu Hidro, loại được sử dụng nhiều nhất ở các hộ chăn nuôi, đơn vị sản xuất loại này đã không ngừng xuất bảng giá mới cho các đại lý. Vào đầu tháng 3-2004, giá thức ăn dành cho gà từ 1-21 ngày tuổi là 107.000 đồng/bao 25 kg; đến ngày 7-4 giá tăng lên 112.000 đồng; từ ngày 5-5, giá là 118.000 đồng, từ ngày 31-5 thức ăn loại này đã tăng lên 126.000 đồng/bao. Theo chủ các đại lý, giá thực phẩm Hidro sẽ không dừng lại ở đây, bởi hiện nay nhà sản xuất đang chuẩn bị cho ra giá mới. Ngoài ra, các loại thức ăn khác như UP, Carill, Dachan, Thành Công, Việt Mỹ… cũng tăng tương tự. Loại thức ăn Thành Công, Việt Mỹ dành cho gà từ 1-21 ngày tuổi đang nằm ở mức 90.000 đồng/bao 25 kg, tăng khoảng 20 ngàn đồng/bao so với trước khi dịch cúm gia cầm xảy ra. Loại thức ăn Dachan giá hiện nay là 123.000 đồng/bao 25 kg, tăng khoảng 35 ngàn đồng so với trước dịch cúm gia cầm….

* Người chăn nuôi lo lắng

Ngay sau khi hết dịch, nhiều hộ gia đình chăn nuôi ở huyện Tuy Phước đã đã đầu tư hàng chục triệu đồng để xây dựng chuồng trại, gầy dựng lại đàn gia cầm. Tuy nhiên, do bị thiệt hại khá lớn về vật chất, cộng vào đó là giá thức ăn chăn nuôi trong thời gian qua tăng cao đã gây khó khăn cho người chăn nuôi ở đây. Chủ cơ sở gà giống Minh Dư- anh Nguyễn Minh Dư ở thôn Huỳnh Mai, xã Phước Nghĩa, đã nhận 50 triệu đồng do tỉnh hỗ trợ, cộng với số tiền vay mượn 150 triệu đồng nữa, đã đầu tư tu sửa chuồng trại và gầy dựng lại đàn gà giống. Đến nay, cơ sở của anh đã có 5.000 con gà mái đẻ. Tuy vậy, do khó khăn về đầu ra nên cơ sở gà giống của anh Dư chỉ hoạt động cầm chừng. Anh cho biết: "Bình quân mỗi ngày tôi phải chi trên 3 triệu đồng tiền thức ăn cho đàn gà giống, rồi còn phải trả lãi ngân hàng 3 triệu đồng/tháng nữa, nếu trong thời gian tới giá thức ăn không giảm thì tôi khó lòng xoay xở". Còn ông Trần Minh Định, một hộ chăn nuôi gà ở thị trấn Tuy Phước, than vãn: "Cơn dịch cúm gà vừa qua, tôi đã mất một khoản tiền khá lớn mới duy trì được đàn gà giống 1.300 con cho đến hôm nay. Cũng với số gà này, trước đây bình quân mỗi ngày tôi thu nhập 300.000 đồng, nhưng hiện nay giá thức ăn tăng quá cao, nên thu chỉ đủ bù chi…".

Ở thành phố Quy Nhơn, sau dịch cúm gia cầm, số lượng chim cút được nuôi đã tăng dần, chiếm 60-70% so với thời kỳ trước dịch, nhưng các chủ trại chim cút ở đây cũng đang kêu trời vì giá các loại trứng, thịt chim cút trên thị trường đã giảm nhiều so với vài tháng trước. Tính đến nay, giá con giống chim cút là 5.000 đồng/con, tăng 2000 đồng/con; giá thức ăn gia cầm cũng tăng 33.000 đồng/bao (25kg), trong khi đó, giá thu mua trứng cút từ 1.800 đồng/chục, giảm xuống 1.300đồng/chục; thịt chim cút giảm 10.000 đồng/kg so với tháng trước, nên nhiều hộ gia đình nuôi chim cút bị lỗ nặng. Ông Nguyễn Hữu Biết, ở tổ 2A khu vực 1, phường Đống Đa, buồn rầu nói: "Gia đình tôi nuôi gần 10.000 con chim cút (giảm 4.000 con so với trước khi có dịch cúm gia cầm), trung bình một ngày tốn 1 triệu đồng tiền thức ăn, nhưng sản phẩm bán ra lại quá rẻ, nên bị thua lỗ…".

Có thể nói, công tác khôi phục chăn nuôi gia cầm ở Bình Định trong thời gian qua đã đạt được kết quả bước đầu. Tuy nhiên, hiện nay nhiều hộ chăn nuôi đang gặp khó khăn về vốn, giá cả thức ăn gia cầm tăng cao đã gây không ít khó khăn cho việc chăn nuôi và tiêu thụ gia cầm. Bên cạnh nỗ lực của người chăn nuôi, các cấp các ngành có liên quan cần hỗ trợ cho người chăn nuôi về nhiều mặt, nhất là vấn đề vay vốn chăn nuôi và quan tâm hơn nữa đến việc đề phòng dịch cúm gia cầm tái phát.

. Nhóm PV Kinh tế

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nỗ lực chăn nuôi gia cầm sau đại dịch cúm  (29/06/2004)
Kinh tế dân doanh: Phát triển đa dạng nhưng vẫn còn nhiều hạn chế  (28/06/2004)
An Lão: Hẩm hiu cây quế!   (27/06/2004)
Bình Định những ngày đầu sau khi giá xăng dầu tăng  (25/06/2004)
Bình Định những ngày đầu sau khi giá xăng dầu tăng  (25/06/2004)
Sự trở lại của cây bông vải   (24/06/2004)
Cuối tháng 12-2004, Chi nhánh Sacombank tại Bình Định sẽ đi vào hoạt động  (23/06/2004)
Công ty TNHH Tân Bình Minh: Năng động trong ngành may mặc   (23/06/2004)
KCN Phú Tài - cái nhìn toàn cảnh   (22/06/2004)
Chương trình 135 An Lão   (22/06/2004)
Tuy Phước nỗ lực khắc phục hậu quả cơn bão số 2  (21/06/2004)
Quản lý dịch vụ Internet công cộng: Muôn nỗi khó khăn   (21/06/2004)
Đi dọc đường Đông  (18/06/2004)
Cách làm mới của các HTXNN huyện An Nhơn   (17/06/2004)
Vì sao việc chuyển đổi mô hình quản lý điện nông thôn còn quá chậm?   (17/06/2004)