Năm 1972, Chương trình môi trường của Liên Hiệp Quốc (UNEP) được thành lập. Năm 1989, UNEP đã đưa ra Chương trình sản xuất sạch hơn nhằm mục đích phổ biến rộng rãi và nâng cao hiểu biết về khái niệm sản xuất sạch hơn (SXSH), đặc biệt ở các nước đang phát triển. Ở nước ta, khái niệm SXSH bắt đầu được đưa vào từ năm 1996, hai năm sau Trung tâm SXSH Việt Nam ra đời (11-1998). Năm 1999, Việt Nam đã ký Tuyên ngôn Quốc tế về SXSH.
* Áp dụng SXSH sẽ có được lợi ích gì?
SXSH có thể hiểu là tổng hợp các giải pháp quản lý, kiểm soát nội vi, quản lý quá trình công nghệ, thiết bị để giảm thiểu chất thải; nghiên cứu sử dụng các nguyên, nhiên vật liệu và các phụ gia ít độc hại, cải tiến sản phẩm theo hướng thân thiện hơn với môi trường và sức khỏe con người. SXSH không có nghĩa là thay đổi công nghệ. SXSH bắt nguồn từ việc thay đổi nhận thức, xem xét lại cách thức quản lý, đến việc thay đổi nguyên liệu, cải tiến thiết bị. SXSH còn được hiểu như là các giải pháp xử lý ô nhiễm "trước đường ống", mang tính ngăn ngừa, giảm thiểu chất thải trước khi chúng được sinh ra trong sản xuất.
Triển khai SXSH là triển khai đồng loạt tổ hợp các giải pháp: Quản lý nội vi; Thay đổi nguyên vật liệu; Kiểm soát quá trình sản xuất tốt hơn; Cải tiến thiết bị, thay đổi công nghệ; Thay đổi hoặc cải tiến sản phẩm bằng cách thay đổi các đặc tính sản phẩm nhằm giảm thiểu các tác động tới môi trường; Sử dụng có hiệu quả năng lượng hoặc sử dụng các loại năng lượng sạch, năng lượng có thể tái tạo (như năng lượng mặt trời, gió…) để giảm thiểu được các tác động môi trường gây ra do quá trình khai thác; Tái chế và tái sử dụng tại chỗ những thành tố còn có thể tận dụng.
Áp dụng SXSH trước tiên sẽ tiết kiệm tài chính thông qua giảm các lãng phí về năng lượng, nguyên liệu, hóa chất, phụ gia và nước. Nhờ đó nâng cao hiệu suất hoạt động của nhà máy; ổn định sản xuất và chất lượng sản phẩm. Khi những điều kiện này đảm bảo thì điều kiện làm việc, an toàn lao động của người lao động được cải thiện từ đó hiệu quả công việc được nâng cao. Việc thực hiện thành công những mục tiêu này sẽ gián tiếp cải thiện hình ảnh doanh nghiệp trong cộng đồng.
* SXSH ở Bình Định
Tháng 12-2003, Sở KH-CN Bình Định phối hợp với Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường (Đại học Bách khoa Hà Nội) đã tổ chức một cuộc hội thảo về SXSH và một khóa đào tạo kỹ thuật đánh giá SXSH cho các cán bộ quản lý, kỹ thuật của 30 doanh nghiệp thuộc 4 loại hình công nghiệp ở Bình Định: chế biến gỗ, chế biến thủy sản, sản xuất giày và sản xuất đường. Và hiện nay có 3 doanh nghiệp đang tiến hành áp dụng SXSH vào quá trình sản xuất: Công ty Cổ phần Đông lạnh Quy Nhơn, Công ty Cổ phần Đường Bình Định và Công ty TNHH Giấy Tân Bình nằm trong khuôn khổ đề tài "Nâng cao hiệu quả quản lý môi trường công nghiệp thông qua áp dụng sản xuất sạch hơn" do Sở KH-CN Bình Định ký với Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường - Đại học Bách khoa Hà Nội với sự tham gia hỗ trợ của Trung tâm Phân tích và Kiểm nghiệm Bình Định (Trung tâm AEC).
Tuy nhiên việc tiếp cận này còn chưa được hưởng ứng rộng rãi trong các doanh nghiệp trong tỉnh, một phần là do họ chưa nhận thức được đầy đủ bản chất và lợi ích của nó, một phần là ngại thay đổi. Và, tài chính là vấn đề rất nhạy cảm đối với các doanh nghiệp: Việc đầu tư cho các công trình xử lý chất thải là một gánh nặng cho các doanh nghiệp, mà họ lại ngại vay các nguồn vốn có thủ tục phức tạp.
SXSH không có điểm kết thúc, nó là chuỗi liên tục các giải pháp được áp dụng trong sản xuất, để sao cho môi trường sống ngày mai sẽ tốt hơn ngày hôm nay.
. Phan Thống
|