Nghề đan đát đã tồn tại khá lâu đời ở Phước Quang (Tuy Phước). Tận dụng nguồn nguyên liệu tre dồi dào sẵn có ở địa phương, người dân xã Phước Quang biết phát triển nhanh nghề đan đát, làm ra nhiều sản phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt hàng ngày của người dân nông thôn, mang lại thu nhập và việc làm lúc nông nhàn.
|
Nghề đan tre truyền thống của thôn Trung Chánh, xã Cát Minh (Phù Cát), đã góp phần "xóa đói giảm nghèo" ở địa phương (ảnh: Ngọc Lối) |
Ở làng Miễu Nam thôn Định Thiện Tây có 31 hộ làm nghề đan đát. Hộ mới vào nghề muộn nhất cũng được 7 năm; nhiều hộ có "thâm niên" 30 năm làm nghề… Ông Trần Đình Long - 44 tuổi, làm nghề đan tre đã 20 năm, tâm sự: "Nghề này thu nhập không cao, nhưng có việc làm thường xuyên; lúc hàng ế cũng kiếm được ngày công khoảng 15 nghìn đồng. Trước đây mười mấy năm, khi mà các mặt hàng gia dụng bằng nhựa chưa được phổ biến như bây giờ, mỗi ngày 1 lao động đan đát thu nhập đến 40 - 50 nghìn đồng".
Hiện nay, sản phẩm đan tre được tiêu thụ khá mạnh là các loại rọ heo. Người làm nghề chọn mua tre đúng 1 năm tuổi trở lên, rồi chẻ ra nan cật và nan ruột. Nan cật dùng đan rọ nhốt heo thịt loại 40 kg đến 1,3 tạ; nan ruột đan rọ nhốt heo con. Anh Biện Văn Định, 31 tuổi, có 8 năm trong nghề, bộc bạch: "Ở nông thôn phải có nghề phụ thì cuộc sống mới ổn định, chứ quanh quẩn sống bằng nghề làm ruộng thì "của ruộng đắp bờ" luôn thiếu trước, hụt sau. Từ lúc theo nghề đan rọ đến giờ, gia đình tôi có đồng ra, đồng vào, mới dư chút đỉnh xây nhà, sắm xe, lo con ăn học…". Thật vậy, cả làng theo nghề đan đát đều có cuộc sống khá hơn trước. Từ đầu làng đến cuối làng, nhà ngói xen lẫn nhà mái bằng san sát bên nhau. Đường làng được bê tông hóa, bóng dáng nhà tranh đã lùi vào dĩ vãng.
Ông Nguyễn Văn Định, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Quang, cho biết: "Sau giải phóng, cả làng chỉ có một đến hai ngôi nhà ngói, còn lại toàn nhà tranh vách đất. Nhưng từ năm 1986 đến nay, nhờ đẩy mạnh nghề truyền thống, giải quyết được việc làm, mang lại thu nhập khá, 100% số hộ đã cất được nhà ngói, 70% số hộ có xe máy, cả làng đều có cuộc sống trung bình trở lên". Được biết, một cây tre tùy lớn nhỏ, mua với giá từ 6 nghìn đến 9 nghìn đồng, ra nan đan được 1 chiếc rọ lớn và 12 rọ nhỏ. Một lao động đan được 4 chiếc rọ lớn/ngày, nếu chuyên đan rọ nhỏ thì đến 40-50 chiếc/ngày. Loại rọ lớn hiện nay tùy theo kích cỡ, được bán từ 11-15 nghìn đồng/chiếc; rọ nhỏ 1.500 đồng/chiếc. Khác với các hộ chuyên đan rọ nhốt heo, gia đình chị Nguyễn Thị Năm, với 7 lao động, trong đó có 2 lao động chính, còn lại 5 lao động phụ là các con của chị, tất cả chuyên đan giỏ nhốt vịt, gà. Chị Năm cho biết: "Mỗi ngày gia đình tôi đan được 20 cái giỏ, bán với giá 5 nghìn đồng/cái, thu về 100 nghìn đồng, trừ chi phí mua tre, thu nhập được khoảng 70 nghìn đồng, nếu nhà có đông người làm thì cũng kiếm sống được. Tre đan giỏ không cần phải lựa kỹ như đan rọ, làm tới đâu bán hết đến đó".
Nếu làng Miễu Nam chuyên đan rọ nhốt gia súc, gia cầm, thì ở xóm 5 và xóm 6 thôn Tân Điền bà con chuyên đan thúng mủng đựng thóc gạo, và rổ đựng rau, cá… với mức thu nhập 15 nghìn đồng/lao động/ngày.
Nghề đan đát ở Phước Quang đem lại thu nhập tương đối ổn định và giải quyết việc làm thường xuyên cho 127 lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống cho người dân ở xã thuần nông này.
. Xuân Thức |