Hợp phần khuyến nông cây trồng: Hiệu quả từ thực tế
15:59', 6/7/ 2004 (GMT+7)

So với canh tác bằng các giống cây trồng địa phương, việc canh tác giống lúa lai nhị ưu 838, lúa cạn CL93-1, đậu nành BC19, MTD 176 của Hợp phần khuyến nông cây trồng (HPKNCT) đều cho mức lãi cao hơn bình quân từ 250.000 đồng đến 1,1 triệu đồng… Đây là cơ sở để nông dân tin tưởng và đưa các giống cây này vào sản xuất đại trà.

Nông dân tham quan mô hình trình diễn cây đậu nành ở xã Nhơn Hậu, An Nhơn

Với mục đích chuyển giao kỹ thuật cho cán bộ khuyến nông ở cơ sở và nông dân để sản xuất có hiệu quả một số loại cây trồng mới, ở vụ thu năm 2003 và vụ đông xuân 2003-2004, Trung tâm Khuyến nông (TTKN) tỉnh đã xây dựng 20 điểm trình diễn mô hình lúa lai nhị ưu 838, lúa cạn CL93-1, đậu nành BC19, MTD 176 tại 10 huyện, thành phố trong tỉnh. Vụ thu năm 2003, TTKN đã xây dựng 6 điểm trình diễn lúa lai nhị ưu 838 tại 3 huyện: Phù Cát, Phù Mỹ và Hoài Nhơn, mỗi huyện 2 điểm trình diễn, mỗi điểm có diện tích 0,5ha và 2 điểm trình diễn cây lúa cạn tại huyện miền núi Vân Canh. Cũng với giống lúa lai nhị ưu 838, vụ đông xuân 2003-2004, TTKN tiếp tục triển khai 8 điểm trình diễn khác tại 4 huyện, thành phố là Quy Nhơn, Tuy Phước, An Lão, Vĩnh Thạnh, và 4 điểm trình diễn cây đậu nành tại 2 huyện Tây Sơn và An Nhơn.

TTKN tỉnh đã kết hợp với Trạm KN các huyện lựa chọn địa điểm xây dựng mô hình trình diễn, chọn nông dân có năng lực và kinh nghiệm sản xuất để thực hiện. Nông dân tham gia hợp phần được hỗ trợ 80% giống và 60% vật tư, được hướng dẫn kỹ thuật trong quá trình sản xuất. Nhờ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nên các mô hình trình diễn đều đạt hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, các mô hình trình diễn đã thu hoạch, năng suất bình quân cây lúa lai nhị ưu 838 đạt hơn 72 tạ/ha/vụ; lúa cạn đạt 33,4 tạ/ha/vụ; đậu nành đạt 76,5 tạ/ha/vụ. So với giống cây trồng địa phương, việc canh tác các giống lúa, đậu nành của HPKNCT cho mức lãi cao hơn bình quân từ 250.000 đồng đến 1,1 triệu đồng. Ông Võ Đình Tân, nông dân tham gia mô hình trình diễn lúa lai nhị ưu 838 ở khu vực 2, phường Bùi Thị Xuân - Quy Nhơn, cho biết: "Làm nông nghiệp nhưng chưa bao giờ tôi sản xuất đạt năng suất cao như vụ đông xuân vừa qua. Với hơn 5 sào lúa lai nhị ưu, gia đình tôi thu trên 2 tấn lúa, cao gần gấp 2 lần so với trước đây. Qua việc thực hiện mô hình khuyến nông, tôi đã học tập được các quy trình kỹ thuật chăm sóc cây lúa lai, để áp dụng vào sản xuất đạt hiệu quả cao hơn".

Ngoài các nông dân chủ chốt trực tiếp thực hiện mô hình, TTKN tỉnh đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, tham quan các điểm trình diễn cho trên 1.800 lượt nông dân trong tỉnh, tạo điều kiện cho họ được mắt thấy, tai nghe về hiệu quả kinh tế của mô hình để áp dụng vào sản xuất. Còn đối với cán bộ KN ở các địa phương, thực hiện HPKNCT là điều kiện tốt để họ có điều kiện nâng cao năng lực quản lý, tổ chức và điều hành sản xuất. Ông Đoàn Quang Khải, cán bộ KN của TP Quy Nhơn cho biết: "Qua việc thực hiện các mô hình trình diễn của HPKNCT, tôi đã học tập được cách tổ chức và điều hành xây dựng một mô hình trình diễn, phương pháp truyền đạt kỹ thuật sản xuất cho nông dân ngay trên đồng ruộng…". Ông Nguyễn Xuân Thưởng, Giám đốc TTKN tỉnh cho biết: "Chủ trương của Bình Định là giảm dần diện tích lúa bấp bênh, tập trung nâng cao năng suất lúa, chuyển dần diện tích lúa kém hiệu quả kinh tế sang trồng các loại cây trồng cạn có hiệu quả kinh tế cao hơn. Trên cơ sở đó, chúng tôi đã lựa chọn các giống cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của từng địa phương để xây dựng mô hình trình diễn".

Qua thực hiện HPKNCT, kết quả từ thực tế cho thấy, những diện tích gieo trồng 3 vụ lúa bấp bênh thiếu nước tưới vụ hè ở các địa phương có thể chuyển sang trồng 2 vụ lúa và 1 vụ trồng đậu nành mang lại hiệu quả cao hơn. Đối với chân đất 2 vụ lúa và 3 vụ lúa ăn chắc, HPKNCT cũng đã đưa các loại giống lúa lai vào sản xuất để tăng năng suất, tăng sản lượng lúa. Riêng các vùng lúa gieo ở các huyện miền núi như huyện Vân Canh, việc đưa giống lúa cạn CL93-1 vào sản xuất thay thế các giống lúa địa phương đã tăng năng suất và tăng thu nhập cho nông dân.

Ông Nguyễn Xuân Thưởng cho biết thêm: "Năm 2004-2005, TTKN tiếp tục thực hiện HPKNCT, xây dựng 22 điểm trình diễn các loại cây trồng như: lúa lai, bắp lai, đậu nành tại 11 huyện, thành phố trong tỉnh. Các mô hình này sẽ là cơ sở để các địa phương đánh giá, nhân ra diện rộng, nhằm thực hiện có hiệu quả chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng của tỉnh".

. Phạm Tiến Sỹ

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Làng đan tre ở Phước Quang: Nghề phụ cho thu nhập chính  (06/07/2004)
Cát Hải: Nhựa hóa 3 đèo  (05/07/2004)
Nhiều giải pháp đoạt giải có hiệu quả kinh tế xã hội cao   (05/07/2004)
Nhìn lại đợt phát hành Trái phiếu Chính phủ năm 2004 tại tỉnh Bình Định  (04/07/2004)
Sản xuất sạch hơn: Giải pháp mới trong việc bảo vệ môi trường   (02/07/2004)
Để Luật Đất đai thực sự đi vào cuộc sống!   (01/07/2004)
Chuyện điện ở xã "3 đèo"  (30/06/2004)
Kinh tế hợp tác ngày càng được khẳng định  (30/06/2004)
Một số khó khăn trong việc khôi phục chăn nuôi gia cầm  (29/06/2004)
Nỗ lực chăn nuôi gia cầm sau đại dịch cúm  (29/06/2004)
Kinh tế dân doanh: Phát triển đa dạng nhưng vẫn còn nhiều hạn chế  (28/06/2004)
An Lão: Hẩm hiu cây quế!   (27/06/2004)
Bình Định những ngày đầu sau khi giá xăng dầu tăng  (25/06/2004)
Bình Định những ngày đầu sau khi giá xăng dầu tăng  (25/06/2004)
Sự trở lại của cây bông vải   (24/06/2004)