Cấp "sổ đỏ" tại TP Quy Nhơn: Khó mà dễ - Dễ mà khó!
9:14', 7/7/ 2004 (GMT+7)

Việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu (GCNQSH) nhà ở và quyền sử dụng (QSD) đất ở (xin được gọi tắt là "sổ đỏ") là một công tác rất quan trọng, có liên quan đến nhiều vấn đề pháp luật, nên cần phải tiến hành thật kỹ lưỡng, đúng đắn, chính xác, chứ không thể đơn giản hóa được. Cũng vì thế nhiều người xin cấp sổ đỏ cho rằng đây là một công việc vất vả, mất nhiều thời gian, thủ tục "nhiêu khê"…

* Dễ và khó

Nhiều người chờ làm thủ tục xin cấp GCNQSD đất ở tại Phòng QLĐT TP Quy Nhơn

Tôi đã bỏ ra gần một buổi sáng để đến phòng Quản lý đô thị (QLĐT) TP Quy Nhơn mua hồ sơ, nghiên cứu thật kỹ các qui định về thủ tục xin cấp sổ đỏ có niêm yết tại đây, sau đó về nhà chuẩn bị các loại giấy tờ theo quy định.

Qua việc nộp hồ sơ bước 1, tôi rút ra một điều khá đơn giản: khi đã nghiên cứu thật kỹ các qui định, làm hồ sơ đúng và đủ, thì việc nộp hồ sơ rất dễ dàng. Dĩ nhiên là phải chờ đợi vài tiếng đồng hồ, vì số người nộp hồ sơ xin cấp sổ đỏ khá đông.

Những ngày đi làm sổ đỏ, qua ý kiến của nhiều người, chúng tôi cho rằng việc khó nhất là ở khâu tiến hành làm thủ tục hồ sơ. Tình hình nhà đất hiện nay rất đa dạng: nhà được Nhà nước hóa giá; nhà mua bán, chuyển nhượng; nhà được thừa kế; nhà mới xây dựng, sửa chữa; nhà đất đã có giấy tờ hợp lệ; nhà đất chưa có giấy tờ hợp lệ… Đã đành là thủ tục giấy tờ được đơn giản hóa, nhưng cũng cần phải đầy đủ, hợp lệ. Sở dĩ hồ sơ phải trả đi trả lại là do ở người xin cấp sổ đỏ chưa thực hiện hoàn chỉnh hồ sơ của mình. Vì vậy, việc nghiên cứu kỹ các qui định về thủ tục hồ sơ cho trường hợp nhà đất cụ thể của mình là rất cần thiết, để khỏi mất thời gian sửa chữa, bổ sung các loại giấy tờ.

Bên cạnh đó, tài liệu hướng dẫn niêm yết tại nơi tiếp nhận hồ sơ được in trên khổ giấy A4 là quá nhỏ, nên không tạo được sự chú ý của người đến tìm hiểu thủ tục hồ sơ. Nội dung tài liệu hướng dẫn chưa được cụ thể cho từng loại hình nhà đất, không phải ai đọc cũng hiểu thấu đáo. Các cán bộ thuộc tổ làm sở hữu nhà ở thì bận rộn, mỗi người một việc, nên khi người dân thắc mắc thì không biết hỏi ai. Cán bộ tiếp nhận hồ sơ trong mỗi buổi sáng phải xem xét gần 50 hồ sơ nên cũng chỉ có thể tư vấn trực tiếp (nếu hồ sơ bị sai sót) cho chủ nhà khi kiểm tra đến hồ sơ của họ. Có một số người nộp hồ sơ sáng hôm trước thì hôm sau mới đến lượt mình, cán bộ tiếp nhận hồ sơ kiểm tra thấy hồ sơ còn thiếu, trả lại để chủ nhà tiếp tục bổ sung… Chính vì vậy, nhiều người tỏ ra ngán ngẩm...

Những điều chúng tôi đã trình bày ở trên cũng chỉ là nói về "bước 1" của việc xin cấp sổ đỏ. Còn phải qua nhiều bước nữa thì công việc mới hoàn thành (xem phần "các bước thủ tục "ở mục tư vấn bên dưới bài này). Song cũng phải thấy rằng các thủ tục tiến hành như hiện nay là khá hợp lý, chưa thể rút gọn hơn. Điều đáng nói là để việc xin cấp sổ đỏ đỡ "nhiêu khê" hơn, bản thân chủ nhà phải nghiên cứu kỹ các thủ tục hồ sơ. Đồng thời phòng QLĐT TP Quy Nhơn cũng nên có sự hướng dẫn cụ thể và dễ hiểu nhất thông qua việc niêm yết các tài liệu hướng dẫn...

* Tiếp tục nhận hồ sơ cấp sổ đỏ

Thực hiện Quyết định phân cấp quản lý của UBND tỉnh, UBND TP Quy Nhơn đã chỉ đạo phòng QLĐT tiến hành công tác cấp sổ đỏ. Ngày 7-6-2004, phòng QLĐT TP Quy Nhơn bắt đầu tiếp nhận hồ sơ. Tuy là công việc mới, nhân lực, kinh phí và phương tiện làm việc còn hạn chế, song phòng QLĐT đã tiến hành công tác này một cách tích cực và khá bài bản. Tính đến ngày 5-7-2004, phòng QLĐT đã tiếp nhận 746 hồ sơ xin cấp sổ đỏ, mỗi buổi sáng bình quân tiếp nhận gần 50 hồ sơ. Trong đó đa số là hồ sơ xin cấp sổ đỏ lần đầu, số còn lại là hồ sơ xin sang tên do mua bán nhà ở, hồ sơ xin bán một phần đất ở… Theo ông Võ Phi Điểu - Trưởng phòng QLĐT: Phòng đã huy động toàn bộ cán bộ, chuyên viên kỹ thuật cùng tổ làm sở hữu nhà ở phối hợp cùng cán bộ địa chính phường đến hiện trường đo vẽ sơ đồ vào các buổi chiều, và cả ngày thứ bảy, chủ nhật. Nhưng đến nay tiến độ giải quyết hồ sơ còn rất chậm. Nguyên nhân chủ yếu là do cán bộ địa chính của phường (hầu hết mỗi phường chỉ có 1 cán bộ địa chính) bận rất nhiều công việc nên không thể thường xuyên phối hợp. Ngoài ra, việc bàn giao hồ sơ gốc giữa Sở Xây dựng và UBND TP Quy Nhơn cũng chưa kịp thời…. Ông Võ Phi Điểu cũng cho biết, đây là công việc mang tính giai đoạn, vì e rằng khi có các nghị định triển khai Luật Đất đai 2003 thì công việc này sẽ khác. Nếu như thực hiện theo công văn số 675/BXD-QLN ngày 14-5-2004 của Bộ Xây dựng, cũng như ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường về việc tiếp tục hoàn thành việc cấp GCNQSH nhà ở và QSD đất ở cho đến năm 2005, thì phòng QLĐT sẽ nghiên cứu cải tiến công việc một cách khoa học hơn. Phòng QLĐT cũng đã báo cáo với UBND Tp Quy Nhơn về vấn đề này.

Tại công văn số 560/CV-UB ngày 30-6-2004, Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn đã có ý kiến như sau: Để giải quyết kịp thời các giao dịch của nhân dân về vấn đề nhà ở, trong khi chờ các văn bản của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (có hiệu lực từ 1-7-2004) và ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, yêu cầu phòng QLĐT vẫn tiếp tục xét giải quyết của các hồ sơ xin cấp GCNQSH nhà ở và đất ở bình thường.

Như vậy, hiện nay phòng QLĐT TP Quy Nhơn vẫn đang tiếp tục tiếp nhận và giải quyết hồ sơ xin cấp sổ đỏ cho đến khi có quyết định mới.

. BL

 

Tư vấn thủ tục xin cấp GCNQSH nhà ở và QSD đất ở

* Nơi tiếp nhận hồ sơ: Tổ làm sở hữu nhà ở - Phòng QLĐT (tầng 1, trụ sở UBND TP Quy Nhơn, số 30 đường Nguyễn Huệ - Quy Nhơn)

* Thời gian làm việc: Các buổi sáng của ngày làm việc trong tuần, từ 7g đến 11g (trừ sáng thứ 6)

* Các bước thủ tục:

- Nộp hồ sơ trong thời gian làm việc nói trên. Sau khi kiểm tra hồ sơ, nhận thấy đã đầy đủ và hợp lệ, cán bộ nhận hồ sơ sẽ viết cho chủ nhà (người nộp hồ sơ) một giấy hẹn. Thời gian sau đó phòng QLĐT sẽ cử cán bộ phối hợp cùng cán bộ địa chính phường đến tận nhà để đo vẽ sơ đồ… (các buổi chiều, và cả ngày thứ bảy, chủ nhật)

- Sau 20 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ (như đã ghi trong giấy hẹn) chủ nhà mang biên nhận đến tại nơi đã nộp hồ sơ, nhận bản vẽ sơ đồ và biên bản xác nhận mốc giới để các hộ tiếp giáp nhà, đất của mình và UBND phường kiểm tra, xác nhận.

- Sau 5 ngày làm việc, kể từ khi nhận bản vẽ sơ đồ, biên bản xác nhận mốc giới, chủ nhà mang giấy biên nhận hồ sơ đến phòng QLĐT nhận phiếu kiểm tra hồ sơ kèm theo bản vẽ sơ đồ, đến phòng trước bạ - Cục Thuế tỉnh để nộp lệ phí trước bạ nhà đất và tiền sử dụng đất… Nếu trường hợp không phải nộp tiền thì cán bộ chức năng sẽ hướng dẫn nộp hồ sơ gốc ngay.

- Sau khi hoàn chỉnh hồ sơ gốc (đã qua các bước nói trên), chủ nhà mang hồ sơ gốc đến nộp tại phòng QLĐT. 20 ngày sau khi nộp hồ sơ gốc, chủ nhà đến nhận GCNQSH nhà ở và QSD đất ở.

* Đối với những người đi làm thủ tục xin cấp GCNQSH nhà ở, QSD đất ở lần đầu tiên, cần lưu ý một số điểm sau đây:

- Nghiên cứu thật kỹ tài liệu hướng dẫn"Một số qui định về thủ tục hành chính hồ sơ cấp GCNQSH nhà ở và QSD đất ở" có niêm yết tại nơi tiếp nhận hồ sơ (phòng QLĐT, số nhà 30 - Nguyễn Huệ - Quy Nhơn) để tùy theo từng trường hợp cụ thể về nhà đất của mình mà tiến hành làm thủ tục hồ sơ cho đúng quy định (cần lưu ý vì đây là bước "rắc rối" nhất).

- Một số giấy tờ thường bị thiếu khi chủ nhà làm thủ tục hồ sơ:

* Nhà ở được xây dựng, sửa chữa sau ngày 14-4-1999 phải có giấy phép xây dựng (hoặc sửa chữa) và biên bản xác nhận công trình hoàn thành; nếu không có giấy phép xây dựng thì phải có biên bản xác nhận công trình hoàn thành kèm theo hồ sơ.

* Đối với các đường phố đã có quyết định cấp số nhà, chủ nhà phải có quyết định cấp số nhà kèm theo hồ sơ.

- Các loại giấy tờ có bán tại nơi tiếp nhận hồ sơ

* "Đăng ký nhà ở, đất ở" (mẫu 1), "Đơn xin cấp Giấy chứng nhận QSH nhà ở và QSD đất ở" (mẫu 2) và một bì đựng hồ sơ (dành cho nhà ở, đất ở đã có giấy tờ hợp lệ).

* Nếu đất ở chưa có giấy tờ hợp lệ thì mua thêm "Đơn xin chứng nhận hợp lệ về đất ở" (mẫu 3).

* Nơi photo, công chứng giấy tờ gần với nơi tiếp nhận hồ sơ nhất: Phòng tiếp nhận và hoàn trả hồ sơ, ở ngay cổng vào trụ sở UBND TP Quy Nhơn (30-Nguyễn Huệ). Đây cũng là nơi hướng dẫn làm Biên bản xác nhận công trình hoàn thành.

* Nơi xin quyết định cấp số nhà: phòng QLĐT, tầng 4, trụ sở UBND TP Quy Nhơn (ngay phía trên nơi tiếp nhận hồ sơ).

. BL (thực hiện)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Hợp phần khuyến nông cây trồng: Hiệu quả từ thực tế  (06/07/2004)
Làng đan tre ở Phước Quang: Nghề phụ cho thu nhập chính  (06/07/2004)
Cát Hải: Nhựa hóa 3 đèo  (05/07/2004)
Nhiều giải pháp đoạt giải có hiệu quả kinh tế xã hội cao   (05/07/2004)
Nhìn lại đợt phát hành Trái phiếu Chính phủ năm 2004 tại tỉnh Bình Định  (04/07/2004)
Sản xuất sạch hơn: Giải pháp mới trong việc bảo vệ môi trường   (02/07/2004)
Để Luật Đất đai thực sự đi vào cuộc sống!   (01/07/2004)
Chuyện điện ở xã "3 đèo"  (30/06/2004)
Kinh tế hợp tác ngày càng được khẳng định  (30/06/2004)
Một số khó khăn trong việc khôi phục chăn nuôi gia cầm  (29/06/2004)
Nỗ lực chăn nuôi gia cầm sau đại dịch cúm  (29/06/2004)
Kinh tế dân doanh: Phát triển đa dạng nhưng vẫn còn nhiều hạn chế  (28/06/2004)
An Lão: Hẩm hiu cây quế!   (27/06/2004)
Bình Định những ngày đầu sau khi giá xăng dầu tăng  (25/06/2004)
Bình Định những ngày đầu sau khi giá xăng dầu tăng  (25/06/2004)