Sản xuất CN-TTCN Phù Cát: Mở hướng vươn tầm
9:4', 8/7/ 2004 (GMT+7)

Huyện Phù Cát hiện có 1.635 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), thu hút 4.197 lao động. Những năm gần đây, ngành CN-TTCN Phù Cát có sự phát triển, song chưa mạnh, tốc độ tăng trưởng bình quân chỉ đạt 14%/năm, thấp hơn tốc độ tăng trưởng chung của toàn tỉnh 5,4%.

* Thực trạng chung

Một góc cơ sở sửa chữa và đóng mới tàu thuyền ở Cát Minh (Phù Cát)

Phải khẳng định rằng, Phù Cát là huyện phát triển đa dạng về kinh tế nông - lâm - ngư nghiệp. Thế nhưng, các cơ sở chế biến nông - lâm - thủy sản của Phù Cát hiện nay chỉ mới dùng lại ở khâu sơ chế với quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu là trong dân cư. Ngành cơ khí thì cũng chỉ mới dừng lại ở mức lắp ráp xe độ chế, máy tuốt lúa, máy lọc sạn và các cộng cụ cầm tay… phục vụ cho sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Lĩnh vực sản xuất gạch ngói cũng "teo" dần do nguyên liệu và đầu ra sản phẩm không ổn định. Làng nghề truyền thống thì cũng đang dần bị mai một, chỉ còn 4 làng nghề chủ yếu giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn, sản phẩm làm ra chỉ tiêu thụ được ở các chợ nông thôn, giá sản phẩm thấp.

Ngoài những tồn tại nêu trên, hạn chế khó lớn nhất hiện nay của sản xuất CN-TTCN Phù Cát là tâm lý làm ăn nhỏ lẻ trong một bộ phận người sản xuất. Bởi vậy, tốc độ mở rộng sản xuất của ngành CN-TTCN không theo kịp tác động của thị trường. Đến nay, toàn huyện mới chỉ có 10 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp với quy mô nhỏ, giá trị sản xuất mỗi năm chỉ đạt 9 tỉ đồng.

* Giải pháp phát triển

Để khắc phục hạn chế, đẩy mạnh phát triển CN-TTCN của huyện trong thời gian tới, Phù Cát đã xây dựng và đang triển khai đề án phát triển CN-TTCN trên địa bàn huyện đến năm 2010 và những năm tiếp theo. Trên cơ sở xác định kinh tế công nghiệp vẫn là thế mạnh thứ 2 sau nông nghiệp, huyện chủ trương phát triển tất cả các ngành, các lĩnh vực sản xuất công nghiệp theo hướng CNH-HĐH. Trước mắt, địa phương tập trung giải quyết những vướng mắc trong sản xuất kinh doanh mà các hộ sản xuất thường gặp phải, như thủ tục hành chính, mặt bằng sản xuất, nguồn vốn…

Về thủ tục hành chính, huyện giao cho Phòng Công nghiệp - Xây dựng chịu trách nhiệm giúp đỡ và hoàn tất phần giấy tờ trong thời gian ngắn nhất cho các đối tượng có nhu cầu đầu tư xây dựng, đăng ký kinh doanh trên địa bàn huyện. Về nguồn vốn, huyện ưu tiên cho các cơ sở mới thành lập, cơ sở thay đổi máy móc thiết bị công nghệ mới và đầu tư mở rộng sản xuất được vay các nguồn vốn ưu đãi cũng như các nguồn vốn thương mại khác. Song song với những biện pháp đó, huyện còn tiến hành quy hoạch các cụm công nghiệp (CCN) tập trung để giải quyết mặt bằng sản xuất cho các đơn vị. Ngoài ra, những cơ sở đăng ký vào sản xuất tại các CNN tập trung này còn được hưởng chính sách về giá thuê đất, miễn giảm thuế, hỗ trợ vay vốn ưu đãi trung và dài hạn…

Hiện các giải pháp này được xem là một hướng mở cho sự phát triển của ngành CN-TTCN Phù Cát, và trên thực tế bước đầu đã đem lại được kết quả khả quan. Mặc dù các CCN trên địa bàn huyện mới chỉ ở giai đoạn quy hoạch và đang xây dựng nhưng đã có nhiều cơ sở đăng ký vào hoạt động. CCN Gò Mít (thị trấn Ngô Mây) mới hoàn tất 50% khối lượng xây dựng cơ bản nhưng đã có 10 đơn vị đăng ký, trong đó có 4 doanh nghiệp đầu tư xây dựng và đã đi vào sản xuất. CCN Cát Minh đang tiến khâu hành quy hoạch nhưng cũng đã có 19 cơ sở sản xuất gạch ngói trong khu dân cư đăng ký xin chuyển vào…

Hy vọng, với những động thái tích cực này, thời gian đến ngành CN-TTCN huyện Phù Cát sẽ phát triển mạnh.

. Ngọc Thái

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Cấp "sổ đỏ" tại TP Quy Nhơn: Khó mà dễ - Dễ mà khó!  (07/07/2004)
Hợp phần khuyến nông cây trồng: Hiệu quả từ thực tế  (06/07/2004)
Làng đan tre ở Phước Quang: Nghề phụ cho thu nhập chính  (06/07/2004)
Cát Hải: Nhựa hóa 3 đèo  (05/07/2004)
Nhiều giải pháp đoạt giải có hiệu quả kinh tế xã hội cao   (05/07/2004)
Nhìn lại đợt phát hành Trái phiếu Chính phủ năm 2004 tại tỉnh Bình Định  (04/07/2004)
Sản xuất sạch hơn: Giải pháp mới trong việc bảo vệ môi trường   (02/07/2004)
Để Luật Đất đai thực sự đi vào cuộc sống!   (01/07/2004)
Chuyện điện ở xã "3 đèo"  (30/06/2004)
Kinh tế hợp tác ngày càng được khẳng định  (30/06/2004)
Một số khó khăn trong việc khôi phục chăn nuôi gia cầm  (29/06/2004)
Nỗ lực chăn nuôi gia cầm sau đại dịch cúm  (29/06/2004)
Kinh tế dân doanh: Phát triển đa dạng nhưng vẫn còn nhiều hạn chế  (28/06/2004)
An Lão: Hẩm hiu cây quế!   (27/06/2004)
Bình Định những ngày đầu sau khi giá xăng dầu tăng  (25/06/2004)