Xí nghiệp xe buýt Quy Nhơn:
Một năm góp phần nâng cao chất lượng vận tải hành khách
16:29', 9/7/ 2004 (GMT+7)

Thành phố Quy Nhơn là địa phương đầu tiên trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên đưa dịch vụ vận tải công cộng (VTCC) bằng xe buýt vào hoạt động. Hơn một năm qua, Xí nghiệp xe buýt Quy Nhơn (XNXBQN) đã hoạt động có hiệu quả, góp phần làm đa dạng hóa các loại hình vận tải, tạo điều kiện cho hành khách đi lại thuận lợi, an toàn; được đông đảo quần chúng nhân dân đồng tình ủng hộ.

Hành khách lên xe buýt tại Trại xe buýt thị trấn Bình Định (An Nhơn)

Được sự quan tâm hỗ trợ của UBND tỉnh cùng các cơ quan, ban ngành chức năng, từ nguồn vốn vay và vốn tự có, HTXVT Bình Minh đã đầu tư trên 11,5 tỉ đồng để mua sắm phương tiện, xây dựng nhà xưởng… đưa dịch vụ vận tải công cộng bằng xe buýt vào hoạt động. Để thực hiện và quản lý tốt hoạt động công ích này, HTX đã thành lập XNXBQN và chính thức hoạt động từ ngày 29-4-2003. Hiện nay, trên địa bàn thành phố Quy Nhơn và các địa phương lân cận (An Nhơn - Tuy Phước) có 4 tuyến xe buýt, tổng chiều dài 98 km với 17 đầu xe hoạt động liên tục từ 5 giờ đến 20 giờ hàng ngày.

Nhằm ổn định hoạt động VTCC, thời gian qua XNXBQN đã xây dựng nhiều nhà chờ, cắm gần 200 biển báo trạm dừng trên 4 tuyến xe buýt. Ở khu vực nội thành và thị trấn, trung bình từ 300-600m có 1 trạm dừng; không quá 2.000m có một trạm dừng đối với khu vực ngoại thành. Các điểm dừng trả - đón khách đều được bố trí ở những nơi thuận lợi. XNXBQN cũng đã tổ chức cho đội ngũ lái xe và nhân viên bán vé học tập Luật Giao thông đường bộ và các nội quy, quy chế hoạt động của XN; phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy bồi dưỡng nghiệp vụ phòng chống cháy nổ cho cán bộ, công nhân viên toàn XN. Đặc biệt, XN luôn chú trọng đến ý thức trách nhiệm của đội ngũ lái xe và nhân viên bán vé, xây dựng tác phong nhanh nhẹn, nói năng lịch sự, có tinh thần tận tụy với công việc, phục vụ hành khách tận tình, chu đáo, biết lắng nghe và tiếp thu sự phản ánh của hành khách, nhằm thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động VTCC.

Nhờ vậy, an ninh trật tự trên xe buýt được bảo đảm, không xảy ra tình trạng giật dọc, móc túi… Nhân viên xe buýt đã nhiều lần trả lại vật dụng, hành lý của hành khách bỏ quên trên xe. Đội kiểm tra của XN thường xuyên kiểm tra, giám sát các hoạt động của lái xe, nhân viên bán vé, kịp thời chấn chỉnh, xử lý những hành vi vi phạm nội quy, quy chế hoạt động của đơn vị…

Phương châm hoạt động: "Đúng giờ, đúng tuyến, đúng hành trình, dừng đỗ đúng nơi quy định, bán vé đúng giá quy định" và phương châm phục vụ: "An toàn, chu đáo, văn minh, lịch sự" của XN đề ra đã được thực hiện tốt, đưa hoạt động của VTCC ngày càng ổn định, góp phần phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách ở TP Quy Nhơn và các huyện An Nhơn, Tuy Phước.

Hơn một năm hoạt động, XNXBQN đã vận chuyển trên 2 triệu lượt hành khách, doanh thu trên 4,1 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho 85 lao động, thu nhập bình quân gần 1 triệu đồng/người/tháng. Trong hơn 1 năm qua, tỉnh cũng đã bù lỗ cho XN khoảng 1,4 tỉ đồng. Vì hoạt động VTCC là hoạt động công ích, giá cước vận chuyển rất thấp nên Nhà nước phải bù lỗ, song nhờ hoạt động có hiệu quả nên mức bù lỗ của XNXBQN thấp hơn rất nhiều so với các địa phương trong cả nước.

Đánh giá hoạt động VTCC của XNXBQN trong thời gian qua, ông Nguyễn Thành Trì - Trưởng phòng Quản lý vận tải- Sở Giao thông Vận tải cho biết: "Có thể khẳng định hoạt động VTCC bằng xe buýt đã mang lại hiệu quả xã hội rõ rệt, tạo được nét văn minh trong giao thông đô thị, đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách, góp phần kiềm chế và giảm dần tai nạn giao thông nhờ hạn chế đáng kể số phương tiện cá nhân tham gia giao thông. Song XNXBQN cần đẩy mạnh việc tuyên truyền và phục vụ tốt hơn nữa để hành khách sử dụng phương tiện VTCC ngày càng nhiều hơn, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế-xã hội."

Theo ông Nguyễn Từ Mẫn, Chủ nhiệm HTXVT Bình Minh kiêm Giám đốc XNXBQN, trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ, đổi mới công tác quản lý, điều hành, XN sẽ đầu tư thêm phương tiện để xin mở thêm tuyến xe buýt Quy Nhơn-Tây Sơn, nhằm đáp ứng nhu cầu của đông đảo quần chúng nhân dân.

. Thúy Vi

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Phục hồi các nghề đánh bắt thủy sản truyền thống trên đầm Thị Nại   (09/07/2004)
Sức trẻ ở Công ty Giày Bình Định   (08/07/2004)
Sản xuất CN-TTCN Phù Cát: Mở hướng vươn tầm   (08/07/2004)
Cấp "sổ đỏ" tại TP Quy Nhơn: Khó mà dễ - Dễ mà khó!  (07/07/2004)
Hợp phần khuyến nông cây trồng: Hiệu quả từ thực tế  (06/07/2004)
Làng đan tre ở Phước Quang: Nghề phụ cho thu nhập chính  (06/07/2004)
Cát Hải: Nhựa hóa 3 đèo  (05/07/2004)
Nhiều giải pháp đoạt giải có hiệu quả kinh tế xã hội cao   (05/07/2004)
Nhìn lại đợt phát hành Trái phiếu Chính phủ năm 2004 tại tỉnh Bình Định  (04/07/2004)
Sản xuất sạch hơn: Giải pháp mới trong việc bảo vệ môi trường   (02/07/2004)
Để Luật Đất đai thực sự đi vào cuộc sống!   (01/07/2004)
Chuyện điện ở xã "3 đèo"  (30/06/2004)
Kinh tế hợp tác ngày càng được khẳng định  (30/06/2004)
Một số khó khăn trong việc khôi phục chăn nuôi gia cầm  (29/06/2004)
Nỗ lực chăn nuôi gia cầm sau đại dịch cúm  (29/06/2004)