Ô nhiễm môi trường tại KCN Phú Tài: Bao giờ mới ổn?
10:49', 12/7/ 2004 (GMT+7)

Tình hình ô nhiễm môi trường (ÔNMT) ở khu công nghiệp (KCN) Phú Tài đã và đang là vấn đề làm "đau đầu" các cơ quan chức năng của tỉnh và TP. Quy Nhơn. Vấn nạn này kéo dài đã lâu, song việc khắc phục rất hạn chế và chậm trễ.

* Còn đó nỗi lo!

Hệ thống xử lý nước thải của DN Vạn Phát

Theo đánh giá của ngành chức năng, hiện hệ thống thoát nước mưa, nước thải sản xuất của các doanh nghiệp (DN) và của KCN Phú Tài không đảm bảo; một số hạng mục đang thi công dở dang, chỗ có, chỗ không. Chẳng hạn, đối với KCN Phú Tài giai đoạn 1, cho đến nay, hệ thống các tuyến mương thoát nước mưa dọc theo các trục đường phía trong KCN vẫn chưa thực sự hoàn chỉnh nên hầu như không có tác dụng tiêu thoát nước. Trong khi đó, tuyến mương dọc đường KCN (song song với quốc lộ 1A) thì vẫn chưa thi công (?). Vấn đề tiêu thoát nước mưa từ KCN qua quốc lộ 1A chưa được giải quyết tốt: cống thoát nước thải Công ty TNHH Trường Lâm bị lấp kín; các tuyến mương DM1, DM2 vẫn chưa thể đấu nối với cống thoát nước qua quốc lộ 1A… Tình trạng này đã làm cho lượng nước mưa thoát từ KCN qua quốc lộ 1A, gây xói lở các công trình hạ tầng của KCN, quốc lộ 1A và công trình xây dựng của nhân dân trong khu vực.

Bên cạnh đó, công tác san lấp mặt bằng chưa hợp lý, nên khi mưa to đã gây ngập úng một số khu vực dân cư. Song, điều đáng lo ngại đối với KCN Phú Tài là tình trạng một số DN hoạt động tại đây chưa tuân thủ Luật Bảo vệ môi trường (BVMT), chưa có hệ thống thiết bị công nghệ xử lý chất thải (nhất là hệ thống xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn…). Ngoài việc ÔNMT xảy ra trước đó đối với DNTN Vạn Phát, một số DN vẫn còn đổ chất thải chưa xử lý ra môi trường, gây ÔNMT nghiêm trọng. Chẳng hạn như DNTN Duyên Hải, Nhà máy chế biến đá Granite của Công ty Hoàng Anh Quy Nhơn, Công ty TNHH Đức Duy… Thậm chí, một số DN lợi dụng tình hình mưa bão đã đổ chất thải theo nước mưa, gây ÔNMT nghiêm trọng và gây thiệt hại cho nhân dân.

Một ách tắc khác đối với KCN Phú Tài là vấn nạn khai thác đá ở khu vực núi Hòn Chà (phía Tây KCN Phú Tài). Tại đây, nhiều DN, tổ chức, cá nhân đã và đang khai thác đá, đất… làm hủy hoại, suy thoái môi trường và là một trong những tác nhân gây sa bồi, thủy phá phía hạ lưu, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình môi trường.

Tất cả những vấn đề nêu trên là nguyên nhân dẫn đến những vụ gây mất trật tự và không ít lần dân địa phương tập trung đi khiếu kiện đông người. Bởi vậy, có thể nói, vấn đề ÔNMT ở khu vực KCN Phú Tài một lần nữa rất cần phải báo động.

* Bao giờ mới ổn?

Đó không chỉ là câu hỏi của người dân đang sống xung quanh KCN Phú Tài, mà cũng chính là câu hỏi làm "đau đầu" những người có trách nhiệm ở các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Trả lời và giải quyết trọn vẹn câu hỏi trên thật không đơn giản. Tuy nhiên, người dân phường Trần Quang Diệu vẫn mong chờ và hy vọng vấn đề ÔNMT ở KCN Phú Tài sẽ được chính quyền và các cơ quan chức năng tìm biện pháp để giải quyết ổn thỏa.

Theo chúng tôi, bên cạnh việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý, bảo vệ tài nguyên, môi trường, BQL các KCN tỉnh cần sớm triển khai việc đầu tư xây dựng và hoàn thành sớm hệ thống thoát nước mưa, thu gom xử lý nước thải và hoàn thành trạm xử lý nước thải tập trung tại KCN Phú Tài. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần cương quyết xử lý các cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng trong KCN Phú Tài. Trước mắt, ngoài việc đình chỉ hoạt động của cơ sở cồn của DNTN Vạn Phát, cơ quan chức năng của tỉnh cần có kế hoạch di dời dứt điểm DN này đến địa điểm mới (ở huyện Tây Sơn). Đối với việc khai thác đất, đá ở khu vực núi Hòn Chà, các cơ quan chức năng cần cương quyết thu hồi giấy phép của các DN đang khai thác đá granite và nghiêm cấm các tổ chức, đơn vị, cá nhân khai thác ở khu vực trên.

Song, vấn đề "nan giải" ở KCN Phú Tài là việc xây dựng KCN đan xen với khu dân cư. Đây là nguyên nhân sâu xa gây nên sự bất cập giữa phát triển kinh tế với BVMT và sức khỏe của nhân dân. Giải quyết vấn đề này, theo ông Tô Văn Thái, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định, là: "BQL các KCN tỉnh cần sớm điều chỉnh, bổ sung quy hoạch KCN Phú Tài theo hướng từng bước di dời và đưa các hộ dân thuộc vùng trũng của KCN, bị tác động về môi trường, di dời đến khu quy hoạch dân cư cho phù hợp".

Bao giờ môi trường ở KCN Phú Tài mới hết ô nhiễm? Muốn trả lời câu hỏi trên, chính quyền và các cơ quan chức năng của tỉnh, TP. Quy Nhơn cần nghiên cứu, đề ra những giải pháp hữu hiệu và phối hợp thực hiện đồng bộ, cương quyết. Nếu không, ÔNMT ở KCN Phú Tài vẫn mãi thế.

. Viết Hiền

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Hiệu quả hoạt động khoa học - công nghệ và lao động sáng tạo ở một công ty   (11/07/2004)
Một năm góp phần nâng cao chất lượng vận tải hành khách   (09/07/2004)
Phục hồi các nghề đánh bắt thủy sản truyền thống trên đầm Thị Nại   (09/07/2004)
Sức trẻ ở Công ty Giày Bình Định   (08/07/2004)
Sản xuất CN-TTCN Phù Cát: Mở hướng vươn tầm   (08/07/2004)
Cấp "sổ đỏ" tại TP Quy Nhơn: Khó mà dễ - Dễ mà khó!  (07/07/2004)
Hợp phần khuyến nông cây trồng: Hiệu quả từ thực tế  (06/07/2004)
Làng đan tre ở Phước Quang: Nghề phụ cho thu nhập chính  (06/07/2004)
Cát Hải: Nhựa hóa 3 đèo  (05/07/2004)
Nhiều giải pháp đoạt giải có hiệu quả kinh tế xã hội cao   (05/07/2004)
Nhìn lại đợt phát hành Trái phiếu Chính phủ năm 2004 tại tỉnh Bình Định  (04/07/2004)
Sản xuất sạch hơn: Giải pháp mới trong việc bảo vệ môi trường   (02/07/2004)
Để Luật Đất đai thực sự đi vào cuộc sống!   (01/07/2004)
Chuyện điện ở xã "3 đèo"  (30/06/2004)
Kinh tế hợp tác ngày càng được khẳng định  (30/06/2004)