Nhơn Thọ trăn trở với cây mía
11:0', 13/7/ 2004 (GMT+7)

Chưa bao giờ, người trồng mía ở xã Nhơn Thọ (An Nhơn), mà nhất là thôn Đông Bình, lại trăn trở với việc trồng mía như hiện nay. Theo ông Nguyễn Đức Thành, Trưởng thôn Đông Bình, toàn thôn có 520 hộ thì có đến 300 hộ trồng mía. Nhưng đó là trước đây, giờ thì số người trồng mía của thôn đã giảm gần một nửa.

Con đường này, đã "ngốn" một khoản tiền trung chuyển của người trồng mía ở Đông Bình

Nguyên nhân của việc người nông dân nơi đây không còn thiết tha gì đến việc trồng mía cũng chỉ tại con đường vào vùng trồng mía của thôn. Do con đường xuống cấp trầm trọng nên họ phải chịu một khoản tiền khá lớn cho việc trung chuyển mía bằng cộ trâu. Trước đây, đến thời điểm thu hoạch, xe vận chuyển mía của BISUCO đến Đông Bình thu mua tận nơi. Còn giờ đây, các con đường vào ruộng mía xuống cấp trầm trọng, xe của Công ty đành phải "ở xa nhìn vào", chờ cộ trâu trung chuyển ra điểm tập kết.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng ở xóm Quý Viên (Đông Bình) bức xúc: "Giá mía thì thấp, Công ty lại bắt chúng tôi phải gánh chịu một khoản tiền trung chuyển mía từ cộ trâu đến địa điểm tập kết. Cứ mỗi tấn mía vận chuyển bằng cộ trâu giá từ 17 đến 20 ngàn đồng, tùy xa gần. Đó là chưa kể tiền lệ phí qua trạm thu phí, tiền cơm nước cho tài xế trong lúc chờ cân mía". Lúc trước, nhà ông Hùng làm được 4 sào mía nhưng do không kham nổi khoản tiền trung chuyển nên gia đình đã giảm xuống còn 2 sào trong năm nay. Và không riêng gì người trồng mía ở Đông Bình, nhiều người trồng mía ở nơi khác trong xã cũng đang gánh chịu những khoản chi phí tương tự. Điều này đã làm cho người trồng mía Nhơn Thọ đang quay lưng lại với cây mía.

Mặc dù trong thời gian gần đây, Công ty Cổ phần đường Bình Định (BISUCO) đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ để thu hút người trồng mía, như: Tăng mức cho vay ưu đãi từ 5 triệu đồng lên 8 triệu đồng để trồng mới 1 ha mía; thực hiện bảo hiểm giá mua tối thiểu 200 ngàn đồng/tấn mía có 10 chữ đường... Dù vậy nhưng người trồng mía Nhơn Thọ vẫn chưa chịu mặn mà trở lại với cây mía vì mức lãi không cao. Ông Dương Ngọc Quảng, ở xóm Đông Viên, năm trước trồng 5 sào mía, sau khi thu hoạch xong tính lại không có lãi bao nhiêu. Giờ, ông đã chuyển 5 sào trồng mía sang trồng các loại cây ngắn ngày khác. Ông Quảng cặn kẽ: "Cứ 1 sào mía thu hoạch được 3-4 tấn, giá 200 ngàn đồng/tấn, nếu 4 tấn thì thu được 800 ngàn đồng/sào. Trong khi đó, chi phí mua giống mất 100 ngàn, tiền phân 170 ngàn, tiền bơm nước 3 đợt 42 ngàn, tiền công thuê chặt mía 125 ngàn, tiền thuê cộ trâu trung chuyển 68 ngàn, tiền công chăm sóc... Đến khi thu hoạch tính lại chẳng lời được bao nhiêu, thà chuyển sang trồng cây khác cho chắc ăn".

Ông Quảng đang lo âu cho việc thu hoạch mía sắp tới

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Võ Vạn An, Chủ tịch HĐND xã Nhơn Thọ, cho biết: "Người trồng mía trong xã đã kiến nghị nhiều lần về việc các con đường xuống cấp trầm trọng, không thể vào tận nơi vận chuyển mía được. Trong khi đó, tỉnh và BISUCO cũng đã có chủ trương mỗi năm trích một phần lợi nhuận để tu bổ lại các con đường nhưng lâu nay không thấy gì. Chính điều này đã ảnh hưởng lớn đến tâm lý của người trồng mía".

Nhơn Thọ là vùng đất rất thích hợp cho việc trồng mía, mía ở đây có chữ đường khá cao. So với các xã khác trong huyện, Nhơn Thọ là xã có diện tích trồng mía nhiều nhất. Những năm gần đây, do giá mía bấp bênh, nhiều người đã từ bỏ cây mía để chuyển sang trồng dưa hấu, đậu nành, đậu phụng, bắp... thu lãi cao hơn. Năm 2004, diện tích trồng mía của toàn xã chỉ có 115 ha, so với năm trước giảm 33 ha. Ông Trương Chinh, Chủ tịch UBND xã, trăn trở: "Cứ cái đà này, trong thời gian tới sẽ có nhiều người từ bỏ cây mía để chuyển sang cây trồng khác có lãi hơn. Có hai vấn đề lớn mà người dân trong xã nói chung và người dân thôn Đông Bình nói riêng, nhiều lần kiến nghị lên BISUCO là phải sửa chữa kịp thời các con đường vận chuyển mía. Làm mới những tuyến đường đi vào những vùng có diện tích trồng mía lớn. Đó là cách làm giảm đi phần chi phí trung chuyển cho người trồng mía. Bên cạnh đó, việc xây dựng hệ thống nước tưới cũng phải cần quan tâm. Nếu không, diện tích trồng mía ngày càng giảm và kế hoạch xây dựng vùng nguyên liệu mía của tỉnh đến năm 2010, Nhơn Thọ sẽ có 380 ha trồng mía là không thể thực hiện được".

Chúng tôi đem những trăn trở của người trồng mía Nhơn Thọ trao đổi với ông Thiệu Thanh Huy, Trạm trưởng Trạm thu mua phát triển nguyên liệu số 3 (BISUCO), được ông Huy cho biết: "Do trong các đợt thu hoạch trước, mỗi tấn mía trung chuyển được Công ty hỗ trợ 10 ngàn đồng/tấn. Nhưng, trong đợt thu hoạch vừa rồi giá đường giảm thấp, Công ty không còn hỗ trợ tiền trung chuyển cho người trồng mía. Còn về việc sửa chữa các tuyến đường để phục vụ cho việc chuyên chở mía, hàng năm Công ty vẫn trích kinh phí ra thực hiện. Nhưng do nguồn kinh phí có hạn, không thể thực hiện đại trà được. Riêng tuyến đường vào vùng trồng mía của thôn Đông Bình, chúng tôi đã báo cáo lên lãnh đạo Công ty và Công ty hứa trong năm nay sẽ sửa chữa, nâng cấp".

Ông Huy nói vậy nhưng người trồng mía của thôn Đông Bình nói riêng và xã Nhơn Thọ nói chung đã "ngán ngẩm hung" với cái cảnh BISUCO cứ hứa đi rồi hứa lại, giờ họ chỉ tin vào những gì chính mắt mình thấy. Chính vì thế, theo chúng tôi, BISUCO nên sớm thực hiện việc sửa chữa, làm mới các tuyến đường vào các vùng trồng mía như đã cam kết, đồng thời các ngành chức năng của tỉnh sớm mở rộng hệ thống kênh mương để đảm bảo nước tưới cho cây mía ở đây. Nếu tiếp tục chậm trễ, người trồng mía Nhơn Thọ sẽ quay lưng thật sự với cây mía và kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu mía ổn định của tỉnh sẽ bị ảnh hưởng.

. Nguyễn Phúc

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn cho các DN   (12/07/2004)
Ô nhiễm môi trường tại KCN Phú Tài: Bao giờ mới ổn?   (12/07/2004)
Hiệu quả hoạt động khoa học - công nghệ và lao động sáng tạo ở một công ty   (11/07/2004)
Một năm góp phần nâng cao chất lượng vận tải hành khách   (09/07/2004)
Phục hồi các nghề đánh bắt thủy sản truyền thống trên đầm Thị Nại   (09/07/2004)
Sức trẻ ở Công ty Giày Bình Định   (08/07/2004)
Sản xuất CN-TTCN Phù Cát: Mở hướng vươn tầm   (08/07/2004)
Cấp "sổ đỏ" tại TP Quy Nhơn: Khó mà dễ - Dễ mà khó!  (07/07/2004)
Hợp phần khuyến nông cây trồng: Hiệu quả từ thực tế  (06/07/2004)
Làng đan tre ở Phước Quang: Nghề phụ cho thu nhập chính  (06/07/2004)
Cát Hải: Nhựa hóa 3 đèo  (05/07/2004)
Nhiều giải pháp đoạt giải có hiệu quả kinh tế xã hội cao   (05/07/2004)
Nhìn lại đợt phát hành Trái phiếu Chính phủ năm 2004 tại tỉnh Bình Định  (04/07/2004)
Sản xuất sạch hơn: Giải pháp mới trong việc bảo vệ môi trường   (02/07/2004)
Để Luật Đất đai thực sự đi vào cuộc sống!   (01/07/2004)