Sau 1 năm thực hiện Chỉ thị 12 của Thủ tướng Chính phủ:
Công tác quản lý bảo vệ rừng được tăng cường
8:30', 14/7/ 2004 (GMT+7)

Với sự góp sức của các ngành: Công an, Quân đội, các hội - đoàn thể và chính quyền các địa phương trong tỉnh, công tác quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) ở Bình Định đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều điểm nóng về khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản và động vật trái phép đã được xóa bỏ, hàng trăm vụ vi phạm Lâm luật đã được phát hiện và xử phạt nghiêm.

* Kết quả bước đầu

Lực lượng kiểm lâm hướng dẫn cách chữa cháy rừng

Ngay sau khi có Chỉ thị số 12 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 20/2003/CT-UB ngày 4-6-2003 về tăng cường các biện pháp cấp bách để bảo vệ và phát triển rừng (BV-PTR), thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 12 và 20 từ tỉnh đến các huyện, thành phố. UBND tỉnh đã chỉ đạo các ban, ngành chức năng phối hợp với lực lượng kiểm lâm tổ chức tuyên truyền phổ biến Luật BV-PTR cho các doanh nghiệp kinh doanh chế biến gỗ, các khách sạn, nhà hàng, dịch vụ và nông dân các địa phương trong tỉnh; chỉ đạo đẩy mạnh công tác giao đất giao rừng cho nông dân.

Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm và các ngành chức năng đã tiến hành điều tra thu thập danh sách các đối tượng phá rừng ở một số địa phương như: xã Tây Phú (Tây Sơn), An Nghĩa (An Lão), Phước Mỹ (Tuy Phước)… yêu cầu các đối tượng vi phạm Lâm luật cam kết không tái phạm, đồng thời mở nhiều đợt truy quét ở các khu rừng trọng điểm trong tỉnh và những vùng giáp ranh với các tỉnh: Gia Lai, Quảng Ngãi, Phú Yên, xóa bỏ các tụ điểm mua bán, khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản và động vật rừng tại các khu vực này.

Nhờ tăng cường các biện pháp QLBVR, đến nay các địa phương trong tỉnh đã giao 175.846 ha rừng cho nông dân quản lý, độ che phủ rừng đạt 37,2%; có 1.300 đối tượng vi phạm Luật BV-PTR tự nguyện cam kết không tái phạm. Qua các đợt kiểm tra, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện lập biên bản 771 vụ vi phạm Lâm luật, xử lý hành chính 679 vụ, tịch thu trên 258 m3 gỗ từ nhóm 1 đến nhóm 8; 267 kg động vật hoang dã và hàng trăm phương tiện vận chuyển, thu nộp ngân sách trên 1,7 tỉ đồng. Khởi tố hình sự vụ khai thác gỗ trái phép thuộc rừng phòng hộ xung yếu tại xã An Dũng (An Lão) và vụ đốt lửa gây cháy rừng trồng ở huyện Hoài Nhơn.

Ông Nguyễn Đình Kim, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết: "Được sự giúp sức của các ngành Công an, Quân đội, các hội - đoàn thể, chính quyền các địa phương trong tỉnh nên công tác QLBVR đã thuận lợi hơn trước, đã phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật… từng bước lập lại trật tự kỷ cương trong công tác QLBVR".

* Tiếp tục tăng cường các biện pháp cấp bách QLBVR

Mặc dù đã tăng cường các biện pháp cấp bách, nhưng tình hình vi phạm Lâm luật ở Bình Định vẫn còn diễn ra khá phức tạp. Nguyên nhân là do đời sống sản xuất của nông dân sống gần rừng gặp nhiều khó khăn, thiếu việc làm, nên đã vào rừng khai thác, vận chuyển lâm sản, động vật trái phép. Hơn nữa, chính quyền một số địa phương còn buông lỏng công tác QLBVR; sự phối hợp giữa chính quyền địa phương với lực lượng kiểm lâm, công an trong công tác này chưa chặt chẽ nên không ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm Lâm luật, đặc biệt là đối với đối tượng chống đối người thi hành công vụ, gây thiệt hại tài sản của Nhà nước. Bên cạnh đó, lực lượng liên ngành, trong đó có lực lượng kiểm lâm, chưa xây dựng được mạng lưới cộng tác viên ở cơ sở, nên việc phát hiện, xử lý các đối tượng vi phạm Lâm luật còn gặp nhiều khó khăn…

Để lập lại trật tự kỷ cương trong công tác QLBVR, UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thành phố tiếp tục củng cố và tăng cường các biện pháp cấp bách QLBVR. Đoàn kiểm tra liên ngành các cấp nắm chắc tình hình diễn biến rừng và đất lâm nghiệp để chuyển giao quyền sử dụng đất, giao khoán bảo vệ rừng cho nông dân; phối hợp với các hội - đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến các quy định của Nhà nước về QLBV và PTR sâu rộng trong nhân dân. Huy động lực lượng đủ mạnh để tổ chức tuần tra truy quét những tụ điểm khai thác, vận chuyển, mua bán chế biến gỗ và động vật trái phép, xử lý nghiêm minh theo pháp luật; kiên quyết xóa bỏ, rút giấy phép kinh doanh đối với các nhà hàng, quán ăn, các công ty kinh doanh gỗ, động vật hoang dã trái phép. Địa phương nào còn để xảy ra tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản, động vật hoang dã thì Chủ tịch UBND huyện, thành phố đó phải chịu trách nhiệm...

. Phạm Tiến Sỹ

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Công tác quản lý bảo vệ rừng được tăng cường   (14/07/2004)
Nhọc nhằn hạt muối Cát Minh  (13/07/2004)
Nhơn Thọ trăn trở với cây mía  (13/07/2004)
Tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn cho các DN   (12/07/2004)
Ô nhiễm môi trường tại KCN Phú Tài: Bao giờ mới ổn?   (12/07/2004)
Hiệu quả hoạt động khoa học - công nghệ và lao động sáng tạo ở một công ty   (11/07/2004)
Một năm góp phần nâng cao chất lượng vận tải hành khách   (09/07/2004)
Phục hồi các nghề đánh bắt thủy sản truyền thống trên đầm Thị Nại   (09/07/2004)
Sức trẻ ở Công ty Giày Bình Định   (08/07/2004)
Sản xuất CN-TTCN Phù Cát: Mở hướng vươn tầm   (08/07/2004)
Cấp "sổ đỏ" tại TP Quy Nhơn: Khó mà dễ - Dễ mà khó!  (07/07/2004)
Hợp phần khuyến nông cây trồng: Hiệu quả từ thực tế  (06/07/2004)
Làng đan tre ở Phước Quang: Nghề phụ cho thu nhập chính  (06/07/2004)
Cát Hải: Nhựa hóa 3 đèo  (05/07/2004)
Nhiều giải pháp đoạt giải có hiệu quả kinh tế xã hội cao   (05/07/2004)