Bấp bênh nghề nuôi tôm
11:9', 15/7/ 2004 (GMT+7)

Cái nắng tháng 7 gay gắt như làm mặn thêm những giọt mồ hôi đang lăn trên những nếp nhăn của anh Khánh, một chủ hộ nuôi tôm thâm canh ở thôn Kim Đông, xã Phước Hòa (Tuy Phước). "Do thời tiết thất thường, trong những năm gần đây dịch bệnh tôm liên tiếp xảy ra làm thiệt hại rất lớn cho người nuôi tôm. Nuôi cò con như tôi cũng đã thiệt hại vài chục triệu, nuôi nhiều thì mất vài trăm triệu là chuyện thường…". Anh buồn buồn tâm sự.

* Nuôi tôm giống như đánh bạc

Kiểm tra tôm

Ông Võ Hữu Quế, Trưởng thôn Huỳnh Giản (Phước Hòa) kể lại thời hoàng kim của nghề nuôi tôm. Đó là vào những năm 2000 trở về trước, người nuôi tôm của thôn nói riêng và người nuôi tôm ở các nơi khác liên tiếp được mùa. Nghề nuôi tôm đã thật sự lôi cuốn nhiều người, nhiều doanh nghiệp tư nhân cũng nhảy vào nuôi tôm. Chỉ riêng tại thôn Huỳnh Giản có 500 hộ thì có đến trên 300 hộ nuôi tôm, với hơn 300 ha diện tích nuôi tôm. Đây là thôn có số hộ nuôi tôm lớn nhất xã cũng như của huyện. Chính vì tôm được mùa lại được giá, người nuôi tôm đổi đời nhanh chóng. Nhiều người từ bỏ nhà tranh để xây nhà ngói, có người thắng đậm xây cả nhà lầu rộng lớn, mua sắm mọi tiện nghi đắt tiền.

Cuộc đổi đời của người nuôi tôm chẳng được bao lâu thì bắt đầu từ năm 2001 đến nay, liên tiếp dịch bệnh xảy ra đã làm cho người nuôi tôm phải tan gia bại sản. Con số thâm nợ do nuôi tôm mà ông Quế đưa ra tại thôn mình khiến chúng tôi phải giật mình. Đến nay, số hộ nuôi tôm của thôn Huỳnh Giản bị thâm nợ chiếm đến 95-97%. Nhìn những dãy nhà ngói khá khang trang, nhưng ai biết được nó bây giờ đã thuộc sở hữu của các Ngân hàng chứ không còn của người nuôi tôm nữa. Ông Nguyễn Đình Dũng, cán bộ phụ trách khuyến ngư của xã Phước Hòa, cho biết: "Nghề nuôi tôm giống như đánh bạc vậy, gặp may thì thắng đậm, khi đã rủi rồi thì càng đánh càng thua. Khi càng thua thì họ càng muốn gỡ gạc. Mà chỉ có nuôi tôm mới làm cho họ tan gia bại sản nhanh như vậy. Nhưng rồi, chính nghề nuôi tôm mới có khả năng đưa họ vượt lên làm giàu nhanh". Chính sự ràng buộc này, người nuôi tôm đã trót phóng lao thì phải theo lao, họ không thể nào dứt ra được để chuyển hướng làm nghề khác.

* Từ tỉ phú trở thành con nợ

   Cho tôm ăn

Đối với nghề nuôi tôm thì dịch bệnh, nhất là bệnh đốm trắng và đỏ thân cũng nguy hiểm chẳng khác gì bệnh cúm gà. Hôm trước tài sản tiền tỉ đầu tư bằng mồ hôi nước mắt của họ còn đó, thì hôm sau thức dậy đã bay biến. Anh Võ Ngọc Khánh, ở thôn Kim Đông, cho biết: "Trong đợt dịch tôm vụ 2 vừa rồi, tôi đã đi đứt mất hơn 10 triệu đồng sau khi 1,4 ha tôm đã thả được 30 ngày bị dịch. Tôi như thế còn bị ít, mấy hồ khác gần hồ tôi, tôm đã bước sang ngày thứ 59 mà cũng dịch bệnh, lỗ càng nặng".

Theo báo cáo của UBND xã Phước Hòa, đợt dịch tôm vừa rồi đã có 165 ha nuôi tôm bị dịch bệnh, ước thiệt hại từ 10-15 triệu đồng/ha. Tiếp tục trong tháng 6, cơn bão số 2 lại làm thiệt hại cho người nuôi tôm trong xã hơn 6,1 tỉ đồng. Thế là người nuôi tôm trở thành con nợ của các Ngân hàng, các chủ cho vay tư hoặc là con nợ của bà con họ hàng. Nợ, nhưng khi hỏi chuyện, ai nấy đều từ chối không dám tâm sự. Anh Nguyễn Trung Thái, một hộ nuôi tôm ở thôn Kim Đông vừa thế chấp ngôi nhà cùng với diện tích hồ nuôi tôm vay Ngân hàng 10 triệu đồng để tái sản xuất vụ mới, cho biết: "Nhiều người nuôi tôm trong thời điểm này đang nợ nhiều lắm đấy, nhưng họ sẽ không tiết lộ con số cụ thể cho nhà báo đâu. Bởi vì, đã có nhiều trường hợp dở khóc dở cười khi đưa lên phương tiện thông tin đại chúng. Mới vừa rồi trong thôn có một gia đình chuẩn bị làm sui gia, phía nhà gái nghe tin nhà trai sắp vỡ nợ vì nuôi tôm thì họ lập tức không chịu gả con gái nữa. Chưa kể, các chủ cho vay bên ngoài nghe tin, chạy ngay đến đòi nợ. Và họ sợ nhất, khi biết mình làm ăn thua lỗ, muốn vay mượn để tái sản xuất tiếp thì rất khó".

Nghe anh Thái nói vậy, tôi không hỏi thêm nữa về chuyện nợ nần của những "con nợ tôm" ở đây. Trở lại với chuyện nhọc nhằn của nghề nuôi tôm, anh Thái kể: Mỗi ngày phải canh giờ để cho tôm ăn, quay máy tạo o-xy, kiểm tra nguồn nước, kiểm tra dịch bệnh... Theo anh Thái và nhiều người nuôi tôm ở Kim Đông, giai đoạn khó khăn nhất của việc chăm sóc tôm là trong thời gian 30-45 ngày, bởi đây là thời gian tôm dễ phát bệnh nhất. Nếu tôm vượt qua được 70 ngày tuổi thì phần nào an tâm. Nhưng cũng có nhiều trường hợp chỉ còn vài ngày nữa thu hoạch, tôm vẫn bị bệnh và chết trắng cả ao. Chính vì thế, người nuôi tôm lúc nào cũng tính từng giờ, từng ngày tôm lớn. Anh Thái nói vui: "Người nuôi tôm chúng tôi, vợ đẻ còn tính sai ngày giờ, chứ còn con tôm thì không bao giờ tính sai".

* Vài suy nghĩ

Đối với nghề nuôi tôm thịt, lâu nay mỗi khi dịch bệnh hoành hành thì người nuôi tôm đều gần như bị thiệt hại trắng tay. Do vậy, nếu ngành chủ quản (thủy sản) có dự báo dịch bệnh chính xác và thông báo kịp thời đến các hộ nuôi tôm, nhất là việc quản lý thời vụ phải chặt chẽ (theo chúng tôi được biết, việc thả tôm hiện nay còn tùy tiện về thời gian), thì có lẽ sẽ hạn chế được phần nào những thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Tâm sự của một số chủ hộ nuôi tôm bị thiệt hại vừa qua cũng khiến chúng tôi băn khoăn: Dịch cúm gà thì được Nhà nước quan tâm và có những tác động hỗ trợ, còn tôm bị dịch thì không thấy đá động gì...

Hiện nay ở Phước Hòa một số hộ nuôi tôm đang bị tê liệt vì dịch bệnh, nên chăng ngành Ngân hàng cần có những biện pháp hỗ trợ ưu đãi vốn vay hoặc khoanh nợ để họ có thể tái sản xuất. Bên cạnh đó, việc lực lượng khuyến ngư còn quá mỏng (xã Phước Hòa chỉ có một cán bộ khuyến ngư) cũng là nguyên nhân dẫn đến việc phát hiện và đối phó với dịch tôm còn bị chậm và thụ động.

. Nguyễn Phúc

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Năng động nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh  (14/07/2004)
Công tác quản lý bảo vệ rừng được tăng cường   (14/07/2004)
Nhọc nhằn hạt muối Cát Minh  (13/07/2004)
Nhơn Thọ trăn trở với cây mía  (13/07/2004)
Tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn cho các DN   (12/07/2004)
Ô nhiễm môi trường tại KCN Phú Tài: Bao giờ mới ổn?   (12/07/2004)
Hiệu quả hoạt động khoa học - công nghệ và lao động sáng tạo ở một công ty   (11/07/2004)
Một năm góp phần nâng cao chất lượng vận tải hành khách   (09/07/2004)
Phục hồi các nghề đánh bắt thủy sản truyền thống trên đầm Thị Nại   (09/07/2004)
Sức trẻ ở Công ty Giày Bình Định   (08/07/2004)
Sản xuất CN-TTCN Phù Cát: Mở hướng vươn tầm   (08/07/2004)
Cấp "sổ đỏ" tại TP Quy Nhơn: Khó mà dễ - Dễ mà khó!  (07/07/2004)
Hợp phần khuyến nông cây trồng: Hiệu quả từ thực tế  (06/07/2004)
Làng đan tre ở Phước Quang: Nghề phụ cho thu nhập chính  (06/07/2004)
Cát Hải: Nhựa hóa 3 đèo  (05/07/2004)